11/2/2016 4:04:51 PM

Dành khá nhiều thời gian để nói về việc giảm tỉ lệ điều tiết cho TPHCM kể từ năm ngân sách 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định chia sẻ khó khăn với TPHCM, đồng thời cũng mong Thành phố và các địa phương có điều tiết khác chia sẻ chung với Chính phủ và 47 địa phương nhận trợ cấp cân đối từ Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc Nội dung về tỉ lệ điều tiết để lại cho TPHCM giảm còn 18% kể từ năm ngân sách 2017 được một số đại biểu đề cập trong phiên thảo luận tại hội trường chiều nay về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị để bảo đảm tâm thế cho TPHCM, không giảm đột ngột: “Giảm đột ngột một lúc 5% thì số tuyệt đối là rất lớn, rất khó cho TPHCM trong thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ Thành phố”  
 
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) thì đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết cho Thành phố lên 21%. Theo đại biểu, với tỉ lệ 23% để lại cho Thành phố chỉ đáp ứng được 30% nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển của Thành phố thời gian qua. Nếu giảm xuống 18% như dự toán thì khả năng cân đối để chi đầu tư chỉ đáp ứng được 21% so với yêu cầu. Mặc dù bình quân trong giai đoạn 2011-2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn chiếm tỉ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỉ lệ điều tiết chỉ chiếm tỉ trọng hơn 4% tổng chi. Việc cắt giảm này dẫn đến khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên của TPHCM và sẽ không đáp ứng yêu cầu bố trí chi đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, Thành phố còn phải dành một phần kinh phí trả nợ vay.
 
Phát biểu trước khi kết thúc phần thảo luận, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đây là nội dung được Chính quyền, nhân dân TPHCM và dư luận cả nước rất quan tâm.
 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng: “Việc giảm tỉ lệ điều tiết các khoản thu, phân chia phần ngân sách địa phương được hưởng sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước”, đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thừa nhận, nếu giảm quá lớn sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Bộ trưởng cho biết, khi tính toán phân bổ ngân sách, các địa phương trọng điểm thu có điều tiết về ngân sách Trung ương đều đã được ưu tiên cao nhất, như định mức phân bổ chi theo tiêu chí dân số, tăng từ 30-70% so với các địa phương khác. Ngoài ra, riêng Hà Nội và TPHCM là đô thị đặc biệt còn được phân bổ tăng thêm 70% định mức chi cho hoạt động kinh tế để xử lý các vấn đề về môi trường, thị chính, bảo đảm an ninh trật tự cho dân số tại chỗ và dân số vãng lai.
 
Theo Bộ trưởng, do nguồn lực có hạn, nên trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Chính phủ trình với Quốc hội dành một khoản 14.450 tỷ đồng để xử lý hỗ trợ thêm cho các địa phương này, bảo đảm tỉ lệ điều tiết của các địa phương này không giảm quá lớn. Trong đó, phân bổ 10.000 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, 4.450 tỷ đồng cho chi thường xuyên.
 
Đối với TPHCM, dự toán thu nội địa trên địa bàn năm 2017 trình Quốc hội không kể tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và lợi nhuận còn lại thì tăng khoảng 20% so với ước thực hiện 2016. Với dự toán thu như vậy và dự kiến nhu cầu chi ngân sách địa phương tính trên cơ sở hệ thống định mức phân bổ chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên đã được quyết định thì tỉ lệ điều tiết của TPHCM năm 2017 là 17%, giảm 6% so với thời kỳ 2011-2016.
 
Để TPHCM có thêm nguồn lực, Chính phủ trình Quốc hội phân bổ thêm 1.823 tỷ đồng, trong đó đầu tư phát triển 1.447 tỷ đồng, chi thường xuyên 376 tỷ đồng. Theo đó dự toán chi cân đối ngân sách của Thành phố năm 2017 là 60.329 tỷ đồng. Tỉ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng đã nâng lên 18%, giảm 5% so với giai đoạn 2011-2016.
 
Với tỉ lệ điều tiết này, mức chi ngân sách bình quân theo đầu người của TPHCM năm 2017 cao hơn mức chi bình quân của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ.
 
Việc tỉ lệ điều tiết giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực của TPHCM, vì vậy, khi xây dựng cơ chế cũng như cân đối ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đều hướng tới tạo các điều kiện đặc thù thêm cho TPHCM như ủng hộ Thành phố trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đối thoại doanh nghiệp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc…
 
Khi xây dựng định mức phân bổ đã ưu tiên định mức ngân sách phân bổ cho TPHCM cao hơn các địa phương khác, có quy định cho Thành phố được vay tương ứng với 60% tổng số thu cân đối ngân sách địa phương của Thành phố trong khi các địa phương khác tối đa là 20-30%. Cam kết hỗ trợ 10.000 tỷ đồng tiền thu từ cổ phần hóa để xử lý chống ngập, hỗ trợ thêm 8.800 tỷ đồng để đầu tư 2 bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn.
 
Tính cả các khoản bổ sung vốn trong nước và từ ngân sách Trung ương cho ngân sách TPHCM thì tỉ lệ điều tiết 2017 của Thành phố xấp xỉ 20%. Nếu kể cả khoản bổ sung có mục tiêu vốn ngoài nước thì tỉ lệ này riêng năm 2017 lên khoảng 22%.
 
“Chúng tôi muốn nói như vậy để chia sẻ khó khăn với TPHCM và cũng mong Thành phố và các địa phương có điều tiết khác chia sẻ chung với Chính phủ và với 47 địa phương nhận trợ cấp cân đối từ Trung ương”, Bộ trưởng nói.
chinhphu.vn  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.