Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức với sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các bộ, ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trên cả nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội thảo.
Được coi là lĩnh vực xương sống đối với công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhưng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu, phần lớn sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang phải nhập khẩu.
Chẳng hạn trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, mục tiêu đề ra đối với tỷ lệ nội địa hóa dòng xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Tương tự, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may đạt thấp (tỷ lệ giá trị gia tăng năm 2015 đạt 51,1%). Ngành da giày tỷ lệ cung ứng chỉ khoảng 20-25%, còn lại phải nhập khẩu, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu...
Cần doanh nghiệp đầu tàu
Là đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Thaco Trường Hải cho rằng, nếu không có doanh nghiệp “đầu tàu” thì rất khó phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bản thân công ty Thaco Trường Hải cũng đang khẳng định vai trò đầu tàu của mình trong lĩnh vực ô tô khi đầu tư mạnh vào công tác nghiên cứu phát triển, không chỉ sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho doanh nghiệp mà còn hướng tới xuất khẩu.
Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam nêu thực tế, mặc dù là ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, song lâu nay, việc đáp ứng nguyên phụ liệu cho ngành da giày là rất yếu khi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Ông Thuấn kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng các chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp dành, và các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư vào khâu nghiên cứu phát triển, bởi đây là “chìa khoá” để phát triển.
Dưới góc độ nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại Việt Nam, ông Yoonho Jang - Giám đốc Công ty điện tử Samsung Việt Nam, khẳng định Samsung luôn coi trọng và tìm kiếm các doanh nghiệp xuất sắc tại Việt Nam. Thời gian qua, Samsung đã thực hiện lựa chọn, đánh giá để hỗ trợ ưu tiên một số doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện để phát triển các sản phẩm hỗ trợ.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đã tạo được những bước tiến đáng ghi nhận nhưng phát triển chưa như kỳ vọng.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng nguyên nhân rất lớn khiến công nghiệp hỗ trợ không phát triển như kỳ vọng là năng lực còn hạn chế của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, ngoài một số doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản, thì đa số các doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu công nghệ, hạn chế về trình độ quản trị, ý tưởng sáng tạo... Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, vừa phân tán nguồn lực, vừa không hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng, vai trò của doanh nghiệp đầu tàu rất quan trọng. Các doanh nghiệp đầu tàu nếu quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp sản phẩm cho chính mình, qua đó sẽ kéo theo các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Một hạn chế rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam đó là chưa chú trọng công tác nghiên cứu phát triển. Đây là tình trạng chung của không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả các doanh nghiệp vốn nước ngoài.
Nêu câu hỏi tại sao Chính phủ rất quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ, thể hiện bằng việc đã có rất nhiều chính sách ưu đãi nhưng ngành vẫn phát triển không như kỳ vọng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đó chính là hạn chế trong khâu triển khai thực hiện, mà nguyên nhân sâu xa chính là sự “xa cách” giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Doanh nghiệp phải là trung tâm
Về triển vọng của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế, công nghiệp hỗ trợ chính là trọng tâm trong phát triển công nghiệp của Việt Nam thời gian tới, trong đó đặc biệt là các ngành dệt may, da giầy, thời trang, ô tô, điện tử.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, các doanh nghiệp cần thống nhất quan điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ coi trọng thị trường trong nước nhưng phải hướng đến thị trường toàn cầu; coi doanh nghiệp giữ vai trò chủ thể, quyết định sự thành công.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng, Nhà nước thay vì chỉ quản lý, kiểm soát, còn có vai trò phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương rà soát một cách kỹ lưỡng, tổng thể những cơ chế, chính sách hiện có, đề xuất các cơ chế mới để có sự hỗ trợ phù hợp, hiệu quả nhất cho doanh nghiệp. Trong hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu cơ chế lựa chọn ưu tiên để hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, từ đó tạo ra những hạt nhân trong từng ngành công nghiệp hỗ trợ “kéo” theo các doanh nghiệp khác trong ngành.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ trước mắt là phải xác định được các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Trong đó, từ thực tiễn phát triển, các ngành dệt may, da giày-túi xách, ô tô, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng đã khẳng định được vị thế của mình, đóng góp lớn cho nền kinh tế, do đó cần có các chính sách ưu tiên phát triển hơn nữa.
Để thực hiện được mục tiêu này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng các bộ, ngành cần thực sự vào cuộc với doanh nghiệp, từ đó sửa chữa, ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ đúng, trúng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
Mặt khác, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị phải gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, lấy mục tiêu của các doanh nghiệp thành mục tiêu, nhiệm vụ của các đơn vị nghiên cứu khoa học.