Libya và Nigeria dự kiến không ký kết thỏa thuận. Bên cạnh đó, chưa có gì đảm bảo 2 cường quốc Trung Đông – Iran và I-rắc – sẽ tham gia.
Tại sao cuộc họp diễn ra ngày 30/11 lại quan trọng?
Giám đốc phân tích Colin Smith của Panmure cho biết đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014, các thành viên của OPEC cố gắng kiểm soát giá dầu.
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 14 năm hồi tháng 2 bởi tình trạng dư cung trầm trọng diễn ra từ giữa năm 2014. Tính từ đầu năm tới nay, giá dầu tăng khoảng 30% lên quanh mức 45 USD/thùng nhưng còn cách rất xa so với mức đỉnh 100 USD/thùng đạt được cách đây 18 tháng. Theo các chuyên gia, tình trạng dư cung sẽ tiếp diễn trong năm 2017.
Tăng trưởng trì trệ của các nước phát triển, sự cạnh tranh của dầu đá phiến Mỹ và sản lượng tăng vọt của Iran sau khi được gỡ bỏ lệnh trừng phạt là những nguyên nhân chính kéo giá dầu giảm.
Cơ hội nào cho một thỏa thuận thay đổi thị trường
Ngày 23/11, Tổng thống Venezuela – ông Nicolas Maduro – cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng chỉ còn cách thị trường một bước chân. Ông Maduro cũng lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của Nga trong việc lôi kéo các thành viên ngoài OPEC tham gia.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về mức độ hiệu quả của thỏa thuận này. Công ty Nomura dự báo 70% OPEC sẽ cắt giảm sản lượng đi 1 triệu thùng/ngày.
Nhóm nghiên cứu của Societe Generale không lạc quan được như vậy. Ngân hàng của Pháp cho rằng khả năng đạt được thỏa thuận lần này là 50-50.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, chuyên gia Smith của Panmure cho rằng việc đạt được thỏa thuận có vẻ khá khó khăn nhưng nếu không có sự cam kết chắc chắn của Saudi Arab và các quốc gia vùng Vịnh, đó sẽ là một bất ngờ lớn với thị trường.
Hãng tin Reuters cho biết OPEC dự kiến cắt giảm sản lượng đi 1,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, Iran, I-rắc và Indonesia đang tỏ ra bất đồng thuận với ý kiến này.
Ông Smith nhận định việc cắt giảm sản lượng nhiều khả năng sẽ diễn ra nhưng liệu có đủ để đạt mức 32,5-33 triệu thùng/ngày như trong thỏa thuận sơ bộ hay không lại là chuyện khác.
Vai trò của Nga là gì?
Nga không phải là một thành viên của OPEC nhưng nền kinh tế khó khăn của họ sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá dầu. Khác với OPEC, chủ trương của Nga trong cuộc họp diễn ra vào thứ Tư là đóng băng sản lượng thay vì cắt giảm.
Ngày 24/11, Bộ trưởng Năng lượng Nga – ông Alexander Novak – cho biết việc Nga đóng băng sản lượng vào thời điểm này đồng nghĩa với việc họ cắt giảm sản lượng trong năm 2017.
Mặc dù sự góp mặt của Nga sẽ mang tới thêm những hiệu ứng tích cực nhưng OPEC không bắt buộc phải có sự tham gia của các quốc gia bên ngoài để đạt được thỏa thuận lần này.
Viễn cảnh tồi tệ nhất nếu thỏa thuận OPEC đổ vỡ
Ngân hàng Societe Generale cho biết họ sẽ giảm mạnh giá dầu dự kiến năm 2017 nếu OPEC thất bại lần thứ 2 trong việc ký kết một thỏa thuận trong năm nay. Nếu OPEC không cắt giảm sản lượng, quá trình tái cân bằng toàn cầu sẽ diễn ra chậm hơn nhiều so với dự kiến và có thể cần thêm 12 tháng để đạt được kết quả mong đợi.
Trong báo cáo triển vọng mới công bố, Societe Generale dự báo giá dầu Brent giao dịch ở mức 52,50 USD/thùng trong quý I/2017 và tăng lên 55,00 USD/thùng trong quý II/2017. Giá dầu WTI được dự báo đạt 51,00 USD/thùng trong quý I/2017 và tăng lên 53,50 USD/thùng trong quý II/2017.
Thị trường phản ứng ra sao?
Niềm tin chỉ cho đi 1 lần. OPEC đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc cắt giảm sản lượng hồi tháng 9 tại Algeria. Nếu tổ chức này thất bại trong việc thông qua thỏa thuận vào cuộc họp sắp tới tại Vienna, Nomura cảnh báo về việc thị trường mất niềm tin vào OPEC và giá dầu sẽ rơi tự do.
Diễn biến tiếp theo của giá dầu
Mục tiêu của OPEC là bình ổn thị trường và phục hồi giá dầu từ mức thấp kỷ lục hiện nay. Theo Nomura, giá dầu sẽ tăng ít nhất 2 USD/thùng sau khi thỏa thuận được ký kết.
Ngân hàng này cho rằng OPEC sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng doanh thu bất chấp việc sản lượng bị cắt giảm và thị phần rơi vào tay các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Goldman Sachs dự báo thỏa thuận đóng băng sản lượng tuần này sẽ giúp bình thường hóa giá dầu.