Có 3 con số âm được ghi nhận trong bảng thống kê số liệu FDI của tháng 11/2016. Đó là khoản 560 triệu USD rút ra khỏi lĩnh vực bất động sản, 36 triệu USD ở lĩnh vực vận tải, kho bãi và 0,39 ở lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Các quyết định thoái vốn này đã khiến dòng vốn tăng thêm FDI của tháng 11/2016 ở con số âm (-) 273,244 triệu USD so với cùng kỳ.
Số vốn đăng ký cấp mới cũng giảm so với tháng 10, từ hơn 1,1 tỷ USD còn 762,8 triệu USD. Con số này ở tháng 9/2016 là 1,36 tỷ USD.
Ông Võ Trí Thành cho rằng, vẫn quá sớm để đưa ra những nhận định, nhưng ông cho rằng, sự thận trọng trong đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài là có.
“Sự hồi phục kinh tế thế giới vẫn yếu khiến các nền kinh tế đều tăng thu hút đầu tư từ bên ngoài. Điều này tác động rất lớn tới quyền chọn của nhà đầu tư. Về khách quan thì khi TPP đang đứng trước dầu hỏi lớn về tính khả thi thì việc nhà đầu tư nước ngoài cẩn trọng hơn trong tính toán cũng là dễ hiểu”, ông Thành chia sẻ quan điểm.
Trong số các nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam vài ba năm trở lại đây, có những nhà đầu tư đã chọn chiến lược đầu tư đón đầu, để kịp tận dụng tối đa các lợi thế mà TPP mang lại cho nền kinh tế Việt Nam.
Khả năng thất bại cao của TPP, theo ông Thành, là một rủi ro thị trường mà các nhà đầu tư chắc hẳn đã phải cân nhắc khi quyết định đầu tư.
“Tuy nhiên, tình hình cũng không đáng lo ngại vì nếu không có TPP, Việt Nam đang có những hiệp định thương mại khác với những cơ hội rất lớn. Về lâu dài, bên cạnh yếu tố chi phối chung là kinh tế thế giới và khu vực, thì quyết định của giới đầu tư tới thị trường nào phụ thuộc phần lớn vào sự hấp dẫn của môi trường đầu tư – kinh doanh Việt Nam. Nếu nhà đầu tư tin tưởng vào các cải cách của kinh tế Việt Nam, mọi sự sẽ trở lại bình thường”, ông Thành nói.