Để hiểu rõ thực trạng và quy định về quản lý lực lượng lao động này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Lượng lao động nước ngoài nhập cư vào nước ta đặc biệt gia tăng trong thời gian gần đây, là người đại diện cho cơ quan quản lý lĩnh vực này, ông có thể nói rõ thực trạng?
Thực tế Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ cao, nhất là những ngành nghề sử dụng công nghệ thiết bị mới. Chính vì vậy việc cần tuyển lao động có trình độ là rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tôi lấy ví dụ, Khu công nghiệp Dung Quất từ nay tới năm 2010 có nhu cầu tuyển tới 31.000 lao động kỹ thuật, để đáp ứng nhu cầu này với lao động trong nước là vô cùng khó khăn.
Nghị định 34/2008/NĐ - CP ngày 25/3/2008 cũng quy định rõ, đối tượng phạm vi các doanh nghiệp, các tổ chức chỉ được tuyển lao động nước ngoài khi họ đáp ứng được các điều kiện tối thiểu: người lao động phải đảm bảo trình độ chuyên môn kỹ thuật, không vi phạm pháp luật, đảm bảo về sức khỏe và phải có giấy phép lao động trước khi vào Việt Nam làm việc…
Nói như thế để biết rằng Việt Nam chỉ nhận lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao vào làm việc.
Như vậy theo quy định của pháp luật Việt Nam không cho lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc, nhưng thực tế hiện đang có một "dòng chảy" lao động phổ thông từ nước ngoài vào Việt Nam?
Đúng là có thực trạng đó. Ở một số địa phương, sau khi kiểm tra ở nhiều nhà thầu cho thấy có nhiều lao động không có giấy phép lao động, không có giấy chứng nhận trình độ chuyên môn kỷ thuật.
Như vậy theo quy định, nhà thầu và chủ đầu tư đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, đưa lao động phổ thông vào làm việc trái phép tại các công trình.
Quyết định 87/2004 QĐ-CP, ngày 19/5/2004, quy định rõ, đối với các nhà thầu nước ngoài vào Việt Nam, nhà thầu phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam, người nước ngoài vào Viêt Nam phải được Việt Nam cấp giấy phép lao động. Giấy phép lao động do sở lao động địa phương cấp dựa trên mẫu sẵn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội..
Khủng hoảng kinh tế, lao động phổ thông ở nước ta cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp trầm trọng, vậy việc sử dụng lao động phổ thông nhập cư sẽ ảnh hưởng như thế nào tới việc tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, thưa ông?
Quy định của pháp luật Việt Nam chỉ cho phép lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao vào Việt Nam làm việc lâu dài và dành những công việc lao động phổ thông dành cho lao động trong nước.
Vì thế thực trạng trên đã tạo nên sức ép cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình hoạch định các kế hoạch để gia tăng cơ hội việc làm cho lao động trong nước, đặc biệt đối với lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn cũng như những lao động phải chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề sản xuất khác do ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá và công nghiệp hóa.
Theo thống kê, số lao động qua đào tạo trong nước chỉ chiếm khoảng 34%, số còn lại chưa qua đào tạo là rất lớn nên những công việc lao động giản đơn rất cần thiết cho những lao động chưa qua đào tao.
Thế nhưng, trên thực tế một số nhà thầu vẫn tìm cách đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều hình thức và bằng nhiều con đường khác nhau dù các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra và xử lý.
Các sở lao động - thương binh và xã hội cũng đã hướng dẫn, nhắc nhở nhưng các chủ đầu tư, nhà thầu này vẫn cố tình vi phạm.
Vậy cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào đối với những lao động nhập cư trái phép và những chủ thầu, nhà thầu vi phạm?
Đối với những doanh nghiệp đưa lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc không có giấy phép, trước hết sẽ hướng dẫn họ thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời sẽ thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 113 đối với những trường hợp vi phạm.
Nếu trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu vẫn cố tình không thực hiện thì sở lao động - thương binh xã hội phải có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an trục xuất lao động phổ thông nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.