12/21/2016 6:16:14 PM

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế vừa thay mặt Chính phủ giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 1052 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Buổi giải trình diễn ra vào sáng 21/12 trong phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.


Hội nhập làm bộc lộ những yếu kém của nền kinh tế
 
Đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kết quả hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước đạt được những mức độ khác nhau song về cơ bản đều cho thấy quyết tâm và nỗ lực chung của hệ thống các cơ quan Chính phủ để hướng tới hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 1052 đề ra.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định thêm, thành tựu nổi bật sau khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế là vừa có thêm nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, vừa giữ vững được ổn định chính trị; bảo đảm được tính độc lập, tự chủ đối với các quốc gia khác; tiếp nhận được những giá trị về công nghệ kỹ thuật mới phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
 
Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phân tích, chỉ ra những hạn chế trong hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đang phải đối mặt và khắc phục. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh, khả năng nhận định, đánh giá và dự báo xu thế của thế giới chưa cao. Các vấn đề về xây dựng cơ chế nhận biết, cảnh báo sớm tác động trong các lĩnh vực hội nhập kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nhìn chung còn yếu. Công tác tham mưu, tư vấn chính sách còn nhiều hạn chế…
 
Hội nhập kinh tế quốc tế cũng góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Tăng trưởng của ta thời gian qua phần nhiều dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ mà thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức, công nghệ.
 
Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư chưa được cao như mong muốn. Chậm đổi mới chính sách liên quan đến thu hút FDI. Việc thu hút các dự án FDI tăng về số lượng, nhưng chất lượng chưa bảo đảm, công nghệ chưa tốt, đặc biệt công nghệ trong những lĩnh vực Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng. Còn có những dự án đầu tư hàm chứa tiêu cực về môi trường, sinh thái...
 
Cùng với đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các doanh nghiệp khác cùng phát triển...
 
Chính phủ nỗ lực củng cố nội lực cho hội nhập kinh tế
 
Giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, cho rằng kết quả thực hiện mới là bước đầu. Việc triển khai hội nhập kinh tế ngoài nước diễn ra tương đối tốt với việc chủ động đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhưng việc triển khai công tác hội nhập trong nước còn yếu, chưa khai thác có hiệu quả các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Điển hình như trong phòng vệ thương mại, một mặt hội nhập, một mặt phải chủ động ngăn những gì bất lợi từ bên ngoài vào. Nhưng thực tế, chúng ta rất lúng túng, nhiều nội dung phòng vệ thương mại còn bất cập, chưa phù hợp thông lệ quốc tế và yêu cầu trong nước. Để thực hiện hiệu quả, Phó Thủ tướng mong muốn Quốc hội ủng hộ và góp ý để Chính phủ hoàn thiện dự án Luật Quản lý ngoại thương với nhiều giải pháp về phòng vệ thương mại.
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ phải nỗ lực hơn để giải quyết những hạn chế, yếu kém trong hội nhập kinh tế; lựa chọn các cuộc chơi chủ động hơn, không để các nước dẫn dắt cuộc chơi.
 
Ngoài bám sát 8 nhóm giải pháp trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng cũng chỉ đạo bám sát các Nghị quyết quan trọng khác là Nghị quyết số 05 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng và năng suất lao động, Nghị quyết số 06 của Hội nghị Trung ương 4 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và Nghị quyết số 04 của Quốc hội về giám sát tối cao cơ cấu lại nền kinh tế. Đây là những Nghị quyết “rường cột” cho công tác hội nhập bên cạnh Nghị quyết chuyên đề của Thường vụ Quốc hội. Chính phủ đang chỉ đạo bộ ngành triển khai hàng loạt kế hoạch để vừa hội nhập sâu rộng vừa chuẩn bị tích cực cho nội lực đất nước.
 
“Hội nhập nhưng không hoà tan, bảo đảm tự chủ, mà muốn tự chủ thì thực lực phải mạnh lên”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói và mong muốn Quốc hội giám sát chặt chẽ các nhiệm vụ cơ cấu lai nền kinh tế ở các lĩnh vực tổ chức tín dụng, đầu tư công, doanh nghiệp, thu chi ngân sách gắn với đảm bảo an toàn nợ công và cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công, các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, nông nghiệp... 


Tương lai của TPP là điều khó đoán
 
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/12 bàn thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều ý kiến vẫn còn tỏ ý băn khoăn về tương lai của TPP và phương án của Chính phủ sẽ ra sao.
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tương lai của TPP là điều khó đoán định và phải chờ đến sau 20/1/2017, khi tân Tổng thống Mỹ nhậm chức và công bố chính sách thương mại, đối ngoại của Mỹ ra sao thì mới có thể biết chính xác về Hiệp định này.
 
“Chính phủ xác định, dù có hay không có TPP thì Việt Nam vẫn chủ động cải cách và hội nhập sâu vì các Hiệp định chúng ta ký với EU và nhiều quốc gia khác, nhiều tiêu chuẩn cũng tương đồng với TPP. Chính phủ đang rà soát lại để trình Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật trong vòng 3-5 năm tới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
 
Sẽ nghiên cứu mô hình ban chỉ đạo hội nhập hiệu quả hơn
 
Trả lời câu hỏi của Ủy ban Kinh tế về việc trong hội nhập quốc tế hiện nay, khâu nào là yếu nhất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn cho biết, yếu nhất là khâu tổ chức thực hiện, chỉ đạo phối hợp liên ngành để làm sao rút ngắn được khoảng cách giữa văn bản pháp luật với thực thi của cơ quan công quyền, công chức. Hội nhập quốc tế hiện nay có ban chỉ đạo chung do Thủ tướng đứng đầu, phân thành 3 mảng chuyên ngành do 3 ban chỉ đạo đảm nhận nhưng việc phối hợp còn lúng túng. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp để hoạt động hiệu quả hơn.
 
 

 

chinhphu.vn  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.