Tại cuộc họp, các Sở, Ban, ngành đã tiến hành thảo luận và góp ý về dự thảo đề xuất 3 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, bao gồm:
Nhóm cơ chế thứ nhất về chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng (GPMB), rà phá bom mìn, vật nổ nhằm thu hút đầu tư: Dự thảo đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để triển khai các dự án xây dựng các Khu tái định cư, hỗ trợ rà phá bom mìn, vật nổ, cơ chế hỗ trợ bồi thường GPMB các dự án động lực; ưu tiên bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng tuyến đường trung tâm Khu kinh tế dài 27km; sớm đầu tư nối thông tuyến Quốc lộ 15D từ cảng biển Mỹ Thuỷ đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay; đầu tư xây dựng cảng hàng không sân bay Quảng Trị trong giai đoạn đến năm 2020; cho phép tỉnh Quảng Trị được thuê tư vấn, chuyên gia trong và ngoài nước có năng lực lập quy hoạch xây dựng các phân khu chức năng trong KKT.
Thứ hai là nhóm cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế và tín dụng: Dự thảo đề nghị cho áp dụng thêm các cơ chế, chính sách đặc thù như áp dụng đối với các khu công nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các địa phương (Hà Nội, Đồng Nai, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu) về tiền thuê đất, thuế nhập khẩu; không áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp đối với dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN trong KKT như đối với dự án kinh doanh bất động sản thông thường; miễn tiền thuê đất thô đối với các dự án thuê đất của nhà nước trong KKT cả đời dự án; ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT, dự án xây dựng nhà ở công nhân, các dự án sản xuất kinh doanh vào KKT phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ ba, nhóm cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực phục vụ KKT: hỗ trợ nhà đầu tư về cơ chế chính sách ưu đãi trong đào tạo tay nghề lao động, đầu tư xây dựng nhà ở công nhân để thu hút lao động.
Ngoài ra, đề xuất ưu tiên, hỗ trợ Quảng Trị thực hiện một số dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KKT, trong đó phần vốn góp của tỉnh tham gia vào dự án được Chính phủ tài trợ 100% đối với hình thức góp vốn bù đắp khoảng trống tài chính; hỗ trợ tỉnh về bảo lãnh vốn vay, miễn thuế, trợ cấp... Khi thực hiện dự án PPP; đối với các dự án BT, BOT, BTO cho phép tỉnh được xem xét, quyết định đầu tư để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư.
Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Quân Chính cho rằng, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Đông Nam- Quảng Trị nhằm mục đích tập trung hỗ trợ ngay trong giai đoạn đầu phát triển dự án như hỗ trợ về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư trong KKT bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Các cơ chế chính sách ưu đãi mang tính ổn định bền vững…
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, Phó Chủ tịch Chính cho rằng, các nhóm cơ chế, chính sách cần phải nêu rõ được điều kiện đặc thù của KKT Đông Nam so với các KKT ven biển khác về điều kiện tự nhiên - xã hội, hậu quả chiến tranh, xuất phát điểm...
Đối với đề xuất định hướng một số nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho KKT Đông Nam Quảng Trị cần đưa vào đề xuất về cơ chế rà phá bom mìn, GPMB, tái định cư (trừ những dự án đã được hoạch toán trong giá thành của kết quả sản xuất kinh doanh) và làm rõ vì sao nên có các cơ chế này. Về các dự án hạ tầng KKT, thống nhất đề xuất Chính phủ sớm đầu tư xây dựng cảng hàng không sân bay, đường trung tâm KKT, đường giao thông đối ngoại (Quốc lộ 15D), đường giao thông đối nội (từ ngã tư Sòng về cảng Cửa Việt), trong đó ưu tiên nguồn vốn ODA của Chính phủ để đầu tư các dự án hoặc có cơ chế cho Quảng Trị vay lại vốn ODA của Chính phủ vay nước ngoài. Đối với các loại thuế và tín dụng, nếu đã có trong luật thì không đề xuất xin cơ chế đặc thù.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã giao cho Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh chỉnh sửa lại các nhóm cơ chế, chính sách dự kiến đề xuất, lấy ý kiến của cac ngành để hoàn thiện và trình UBND tỉnh.