Một năm khó khăn của Tập đoàn
Năm 2016 là năm rất khó khăn với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Nhiều chỉ tiêu chính không đạt kế hoạch đề ra (doanh thu đạt gần 42.000 tỷ đồng, giảm 8,4%; xuất khẩu đạt 225 triệu USD, giảm 12%; thu nhập người lao động giảm 10% so với năm 2015...).
Tuy nhiên, Tập đoàn cũng đã rất nỗ lực để vượt qua khó khăn. Một số sản phẩm truyền thống, có thế mạnh (pin, ắc quy, chất tẩy rửa, hoá chất cơ bản, khí công nghiệp) vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, giữ vững được thị trường…
Về đầu tư xây dựng, Tập đoàn đã thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư một số dự án quan trọng như mở rộng nhà máy apatit; dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất xút vảy 120.000 tấn/năm của Công ty CP Hoá chất Việt Trì…
Các dự án dở dang như dự án sản xuất axit kết hợp phát điện của Công ty Supe Phốt-phát và Hoá chất Lâm Thao, dự án xây dựng Nhà máy phân lân Văn Điển tại Thanh Hoá… cũng đã được tiếp tục đầu tư. Những dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc đã được rà soát để có giải pháp xử lý…
Phát biểu tại hội nghị diễn ra sáng 14/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những cố gắng của Tập đoàn trong năm 2016. Nhưng việc không hoàn thành các chỉ tiêu chính về sản xuất kinh doanh cho thấy Tập đoàn đang ở thời điểm rất khó khăn, đòi hỏi phải tập trung phân tích kỹ bối cảnh, đánh giá toàn diện các vấn đề để có thể tìm ra giải pháp phù hợp.
“Nguyên nhân chủ quan lớn nhất là những hạn chế trong công tác quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là quản trị chi phí, tăng giá thành sản xuất, sản phẩm khó cạnh tranh”, Phó Thủ tướng nói.
Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp đã được tập trung thực hiện, song chất lượng còn hạn chế, chưa toàn diện, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh trên thị trường; cổ phần hoá tại các đơn vị còn chậm, thực hiện chưa quyết liệt.
Hiệu quả đầu tư xây dựng một số dự án còn thấp, thậm chí yếu kém; cá biệt có dự án không thể thực hiện được mục tiêu đầu tư, một số dự án thực hiện chậm, một số dự án tính toán sai các yếu tố đầu vào (công nghệ, nguyên liệu) dẫn tới không hiệu quả…
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu những khó khăn, hạn chế trong hoạt động của Tập đoàn, của từng doanh nghiệp cần được phân tích thẳng thắn với từng lĩnh vực, dự án, từng nhiệm vụ cụ thể.
Giữ vững mục tiêu tái cơ cấu
Nói về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 của Tập đoàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu giữ vững mục tiêu tái cơ cấu, đổi mới để phát triển.
“Phải giữ vững mục tiêu tái cơ cấu đã đặt ra, tiếp tục xây dựng Tập đoàn Hoá chất Việt Nam trở thành tập đoàn đi đầu trong sản xuất, kinh doanh hoá chất cơ bản và sản phẩm hoá chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”, Phó Thủ tướng nói.
Theo đó, phải giữ vững 4 nhóm ngành nghề kinh doanh chính gồm sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hoá chất; sản xuất và kinh doanh hoá chất cơ bản, hoá chất tiêu dùng, hoá dược; công nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su (lốp xe).
“Mục tiêu này phải được cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch và các chỉ đạo điều hành cụ thể của Tập đoàn trên các lĩnh vực”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Hoá chất tập trung xử lý triệt để tồn tại các dự án đang gặp khó khăn như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc.
”Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ rất quyết liệt để cùng với Tập đoàn khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển. Về phía Tập đoàn cũng phải rất nỗ lực để xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng dự án”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ rất quan trọng là nâng cao chất lượng các dự án đầu tư từ khâu quy hoạch, điều tra, khảo sát, thiết kế, thi công, đưa công trình vào khai thác, sử dụng, bảo đảm chất lượng xây dựng, an toàn trong xây dựng và vận hành. Tập trung thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, khắc phục thất thoát, lãng phí, sử dụng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
“Đặc biệt, phải chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường. Phục hồi môi trường sau khai thác, chống ô nhiễm trong khai thác, vận chuyển, sản xuất, sử dụng…”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Để thực hiện được các yêu cầu trên, Tập đoàn phải rà soát lại các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư phát triển; tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự hợp lý, nâng cao chất lượng nhân lực; đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, bảo đảm điều kiện bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, phải chú trọng công tác nghiên cứu phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao, an toàn trong sản xuất và sử dụng; tiến tới chủ động được việc cung cấp một số hoá chất cơ bản cho nền kinh tế. Đổi mới quản trị doanh nghiệp; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của Hội đồng thành viên, sự điều hành của Ban Tổng Giám đốc cũng như sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp.
“Phải đặc biệt chú ý chăm lo đời sống, việc làm, nhà ở, thu nhập, các thiết chế văn hoá-giáo dục, thể thao cho người lao động. Dịp Tết sắp tới, phải bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân”, Phó Thủ tướng lưu ý thêm.
“Tôi đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Tập đoàn Hoá chất tái cấu trúc thành công, ổn định, khôi phục sản xuất, thực hiện tốt vai trò quan trọng với nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.