2/9/2017 3:58:10 PM

Theo chân Samsung Điện tử, Samsung Display - một nhánh khác thuộc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) - đã bắt đầu thể hiện rõ tham vọng của mình khi đầu tư tới 6,5 tỷ USD vào Việt Nam. Họ đang toan tính gì?

 

Thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng xác nhận với báo giới vào cuối tuần qua, đó là Chính phủ đã chính thức chấp thuận đề xuất của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc cho dự án mở rộng 2,5 tỷ USD của Samsung Display được hưởng ưu đãi như đối với một dự án quy mô lớn.

Bước còn lại cuối cùng, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, đó là Bắc Ninh sẽ còn phải xin ý kiến của các bộ ngành Trung ương và trình Chính phủ về chủ trương đầu tư dự án. “Chúng tôi đang rốt ráo chuẩn bị để ngay trong tuần này có thể xong các thủ tục đầu tư, kịp trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Samsung Display vào dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh tới đây”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết. 

Nếu mọi việc suôn sẻ, thì Samsung Display sẽ trở thành nhà đầu tư đầu tiên mang dự án tỷ USD tới Việt Nam trong năm Đinh Dậu. Thêm dự án 2,5 tỷ USD này, Samsung Display chính thức nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 6,5 tỷ USD, sau khi bắt đầu dự án 1 tỷ USD đầu tiên vào năm 2014 và nâng lên thành 4 tỷ USD trong năm 2015.

 
Con số này tuy còn chưa bằng số vốn đầu tư của Samsung Điện tử (9,5 tỷ USD, bao gồm tổ hợp Samsung Thái Nguyên 5 tỷ USD; Samsung Bắc Ninh 2,5 tỷ USD và Samsung TP.HCM 2 tỷ USD), nhưng nhìn vào tốc độ tăng vốn đầu tư thần tốc của Samsung Display, rõ ràng có thể nhìn thấy tham vọng rất lớn của nhà đầu tư này.
 
Suốt năm 2016, rất nhiều thông tin liên quan đến Samsung Display trên thị trường thế giới. Tháng 4 năm ngoái, Wall Street Journal đưa tin, Samsung đã ký hợp đồng cung cấp màn hình OLED trong thời hạn 3 năm cho Apple. Số lượng không được tiết lộ, nhưng con số dự đoán vào khoảng 100 triệu đơn vị. Và ngay sau đó không lâu, tờ Nikkei đưa tin, Samsung đang lên kế hoạch đầu tư số tiền 6,82 tỷ USD nhằm nâng cấp dây chuyền sản xuất, tăng cường số lượng màn hình OLED để cung cấp cho đối tác Apple.
 
Thậm chí vào cuối năm 2016, DigiTimes, một nhà sản xuất Đài Loan còn tiết lộ rằng, Samsung Display sẽ cung cấp màn hình AMOLED, cũng là một dạng của màn hình OLED, cho dòng iPhone mới năm 2017.
Mọi thông tin chỉ là đồn đoán, nhưng nhìn vào những động thái gần đây của Samsung Display, thì nhiều khả năng, việc nhà đầu tư này mở rộng đầu tư tại Việt Nam là để đáp ứng nhu cầu của “đối thủ truyền kiếp” Apple. Trước nay, Apple vẫn sử dụng màn hình LCD IPS, nhưng dư luận cho rằng, để cạnh tranh được, Apple sẽ chuyển hướng sang dùng màn hình AMOLED. Và nhiều khả năng, iPhone 8 sẽ là sản phẩm đầu tiên được Apple sử dụng màn hình này.
 
Mà muốn sử dụng màn hình AMOLED, không còn cách nào khác, Apple buộc phải bắt tay với Samsung. Bởi hiện tại, mặc dù vẫn còn các nhà cung ứng tiềm năng khác nhưng chỉ có Samsung mới đang sở hữu những công nghệ độc quyền và năng lực sản xuất lớn các loại màn hình AMOLED, đủ để đáp ứng nhu cầu cho nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới - Apple.
 
Thông tin cho biết, hiện Samsung sản xuất khoảng 200 triệu màn hình AMOLED/năm, chiếm khoảng 95% thị phần, gần như nắm giữ tuyệt đối năng lực sản xuất loại màn hình chuyên dùng cho các loại smartphone này trên thị trường toàn cầu.
 
Tuy LG có sản xuất màn hình OLED, nhưng người đồng hương của Samsung lại đang tập trung nghiên cứu và sản xuất màn hình OLED cho TV hơn là smartphone. OLED trên thực tế cũng chỉ thường được dùng cho TV và màn hình máy tính. Do vậy, gần như chắc chắn, động thái mở rộng đầu tư của Samsung Display có liên quan đến kế hoạch cung ứng màn hình AMOLED cho Apple.
 
Một nguồn tin riêng của Báo Đầu tư cũng cho biết, hiện thời, trong nhà máy của Samsung Display Việt Nam, đã có dây chuyền riêng để sản xuất theo đơn đặt hàng của Apple.
 
Mối “nhân duyên” Samsung - Apple được dư luận cho là kỳ lạ, bởi họ vừa là đối phủ “sát phạt” nhau từng chiếc smartphone bán ra, nhưng đồng thời cũng lại là đối tác, “dựa vào nhau mà sống”. Samsung đã đặt cược hàng tỷ USD vào việc phát triển các loại màn hình OLED, trong đó có AMOLED. Và họ cần một đối tác lớn, Apple là sự lựa chọn tốt hơn cả. Một bên cần tiền, một bên cần linh kiện. Cả hai được cho là sẽ đều hưởng lợi từ mối quan hệ này.
 
Vậy còn Việt Nam? Nếu Samsung Diplay thực sự dốc tới 6,5 tỷ USD vào Việt Nam thì đó là điều đáng mừng, bởi cùng với dòng vốn đầu tư vào, Việt Nam sẽ có thêm việc làm, thu ngân sách, chưa kể là các tác động lan tỏa khác tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Và điều này đã được chứng minh qua hàng loạt dự án quy mô lớn khác mà Samsung đã đầu tư tại Việt Nam.
 
Đồng thời, cũng phải nhắc tới kế hoạch ban đầu của Samsung Diplay khi đầu tư vào Việt Nam, đó là họ muốn phát triển thị trường Việt Nam thành “cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh” của mình. Màn hình là một linh kiện chiếm giá trị lớn trong tổng chi phí linh kiện để sản xuất một chiếc smartphone. Một khi linh kiện này được sản xuất tại Việt Nam thì tỷ lệ nội địa hóa của các nhà máy Samsung tại Việt Nam sẽ được nâng cao.
 
Con số được ông Bang Hyun-woo, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết, tỷ lệ nội địa hóa năm 2016 của Samsung đã lên tới 51%. Và nếu vậy, chỉ tính riêng phần xuất khẩu của hai nhà máy Samsung Bắc Ninh và Thái Nguyên (36,2 tỷ USD), Việt Nam đã có thặng dư ít nhất là 18 tỷ USD, gần đủ để bù đắp khoản nhập siêu hơn 21 tỷ USD của khu vực trong nước.
 
Như vậy, một điều rất rõ ràng, bất kể là Samsung Diplay toan tính gì, liệu họ có thực sự cung cấp màn hình AMOLED cho Apple hay không, thì Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư quy mô lớn này.

 

baodautu.vn  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.