Các thành phần trong gói kích thích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã trở nên rõ ràng hơn trong những tuần gần đây và ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Tốc độ khẩn trương của gói kích thích được công bố vào đầu tháng 1/2009 cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thấy sự cấp bách của việc cần ngăn ảnh hưởng của khủng hoảng tòan cầu lên kinh tế nội địa. Tuy nhiên vẫn còn một vài lo ngại xung quanh tính hiệu quả của gói kích cầu trên và những ảnh hưởng của nó đối với ngân sách nhà nước.
Hỗ trợ lãi suất những khoản vay ngắn hạn
Một trong những yếu tố chính trong gói kích thích kinh tế là khoản hỗ trợ lãi suất 4% đối với khỏan vay ngắn hạn, nhu cầu từ phía doanh nghiệp đối với khoản vay này hiện nay lên rất cao.
Mục tiêu của chính phủ thông qua chương trình hỗ trợ này là duy trì lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ công việc sản xuất của các công ty và ngăn sa thải. Tuy nhiên, quy mô của chương trình này cho thấy một số doanh nghiệp đang sử dụng nó cho việc đảo nợ.
Tất cả những công ty, ngoại trừ những công ty hoạt động trong lĩnh vực tiêu cực như môi giới chứng khoán, nhập khẩu hàng tiêu dùng và bất động sản, đều được tiếp cận với khoản vay này.
Tất cả ngân hàng thương mại và công ty tài chính đều phải cung cấp khoản vay có hỗ trợ này và họ nhận được khoản bù lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước.
Theo chương trình bù lãi suất, đến khoảng giữa tháng 4/2009, đã có khoảng 220 nghìn tỷ đồng tương đương 12,4 tỷ USD đã được giải ngân, Ngân hàng Nhà nước dự đoán con số này sẽ còn lên tới 420 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2009 (khi chương trình kết thúc).
Những ngân hàng thương mại có nhận được sự hỗ trợ của chính phủ hoạt động tích cực nhất trong việc cung cấp các khoản vay, đối tượng kém nhiệt tình nhất đối với chương trình là chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài. 60% các khoản vay được cung cấp cho các công ty tư nhân, số còn lại dành cho doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã.
Chương trình tín dụng mới
Một chính sách quan trọng khác trong gói kích cầu của chính phủ là chương trình tín dụng mới nhằm hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tiền.
Việt Nam đã từng lưỡng lự khi đưa ra các chương trình đảm bảo tín dụng trong quá khứ, chủ yêu tại cấp độ tỉnh và không mang lại nhiều thành công. Chương trình mới này được thực hiện ở cấp độ quốc gia.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là đơn vị duy nhất thực hiện chương trình này. VDB có thể đảm bảo 100% khoản vay bằng USD hay đồng Việt Nam. Những công ty có quy mô ít hơn 500 nhân viên và vốn pháp định dưới 20 tỷ đồng Việt Nam tương đương 1,1 triệu USD mới được chấp thuận tham gia vào chương trình.
Công ty đó không được phép có khỏan nợ ngân hàng hay nợ thuế nào quá hạn. Không giống chương trình hỗ trợ lãi suất, ngân hàng VDB có toàn quyền quyết định công ty nào sẽ được nhận đảm bảo.
Lĩnh vực nông nghiệp nhận được hỗ trợ
Ngày 18/04, chính phủ thông báo kế hoạch hỗ trợ mới cho lĩnh vực nông nghiệp vốn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo đó, người nông dân sẽ được vay với lãi suất 0% để có tiền mua thiết bị nông nghiệp, ngoài ra người nông dân còn được hưởng chính sách hỗ trợ phân bón và đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. 2/3 dân số Việt Nam làm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong hàng xuất khẩu.
Những lo ngại về ngân sách
Dù việc áp dụng gói kích thích kinh tế này hứa hẹn mang lại nhiều thay đổi tích cực, cách tiếp cận mạnh mẽ của chính phủ đã gây ra những lo ngại về ảnh hưởng lên lĩnh vực tài chính công.
Ngân sách quốc gia vốn đã căng thẳng bởi nguồn thu từ thuế giảm. Giá dầu giảm, doanh thu của chính phủ cũng chịu ảnh hưởng, số tiền còn để chi tiêu cho các kế hoạch chi tiêu cứu kinh tế có thể cũng hạn chế hơn.
Trong nỗ lực có thêm nguồn tài chính cho những dự án công bố trong gói kích thích kinh tế, chính phủ đã hai lần phát hành trái phiếu bằng USD để phát được khoảng 1 tỷ USD trái phiếu với nhiều thời hạn khác nhau trong năm 2009. Tuy nhiên nỗ lực này chưa thành công bởi nhà đầu tư yêu cầu mức lợi tức cao hơn mức chính phủ đưa ra.
Hỗ trợ từ bên ngoài
Cần có thêm nguồn hỗ trợ tài chính, chính phủ phải viện đến các nhà tài trợ quốc tế. Chính phủ Nhật đã nối lại hỗ trợ cho Việt Nam sau khi hai quan chức Việt Nam nghi đã nhận hối lộ trong dự án xây dựng gần thành phố Hồ Chí Minh bị bắt giữ. Một vài tháng trước, quan chức phía Nhật có liên đới đến vụ đưa hối lộ cũng đã nhận tội.
Viện trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng quan trọng trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hẹp và xuất khẩu giảm. Các đối tác thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam có điều kiện hỗ trợ Việt Nam hơn những năm trước đây khi nguồn vốn vào Việt Nam dồi dào.
Tuy nhiên còn một vấn đề cần phải giải quyết, đó là việc giải ngân vốn ODA chậm.