Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương bên lề các hội nghị này về chủ đề năng lực cạnh tranh.
Thưa ông, tại sao vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh lại được đặt ra nhiều lần tại SOM 1? Các chuyên gia đánh giá như thế nào về môi trường, chính sách cạnh tranh tại khu vực APEC?
Ông Nguyễn Đình Cung: Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một quá trình phục hồi chậm chạp với những bất ổn chính. Trong bối cảnh này nổi lên vai trò thiết yếu của chính sách cạnh tranh, tuy nhiên không phải và không nên được giới hạn pháp luật và các quy chế thực thi.
Vấn đề cạnh tranh thị trường, kiểm soát độc quyền, loại bỏ các chính sách lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường để cho thị trường cạnh tranh hơn… luôn là mối quan tâm của các nền kinh tế APEC cũng như trên thế giới. Bởi vì theo các chuyên gia, cạnh tranh thị trường, cạnh tranh công bằng luôn đem lại thịnh vượng và lợi ích về mặt dài hạn cho người tiêu dùng và đó cũng là cách bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Đây cũng là một phần của các ưu tiên hàng đầu của APEC 2017 do chủ nhà Việt Nam đề xuất hướng tới việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Hội nghị lần này quy tụ rất nhiều chuyên gia hàng đầu từ Hoa Kỳ, EU, Australia… thảo luận những vấn đề mới phát sinh và chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng và thực thi chính sách cạnh tranh.
Các chuyên gia nêu ra rất nhiều mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin, mua bán online... Những cách thức kinh doanh nói trên khác với kinh doanh truyền thống, cạnh tranh gay gắt và có khả năng phá huỷ mô hình kinh doanh truyền thống. Vậy phải làm sao để các mô hình kinh doanh này vẫn tồn tại nhưng bảo đảm cạnh tranh công bằng và điều tiết như nhau, không để xảy ra tình trạng mô hình kinh doanh này nộp thuế, mô hình kia không nộp thuế, một bên có chính sách bảo hiểm, một bên lại không…
Như vậy, phải làm sao để kinh doanh truyền thống không bị loại bỏ bởi loại hình kinh doanh mới, nhưng cũng phải đồng thời vừa khuyến khích kinh doanh truyền thống thay đổi, vừa không hạn chế kiểu kinh doanh mới xuất hiện. Đây là những thách thức mới đối với các cơ quan quản lý cạnh tranh ở các nền kinh tế APEC cũng như trên thế giới.
Xin ông cho biết tại hội nghị lần này các chuyên gia trong nước và quốc tế có sáng kiến, đề xuất gì góp phần nâng cao chính sách cạnh tranh của khu khu vực APEC?
Ông Nguyễn Đình Cung: Các đại biểu đề xuất việc sử dụng các công cụ kinh tế để phân tích thị trường và từ đó đưa ra những bằng chứng, dựa trên những nghiên cứu thực chứng trong việc đánh giá các trường hợp cạnh tranh, thúc đẩy cạnh tranh hay phản cạnh tranh. Đặc biệt nhấn mạnh các luật sư luôn sử dụng các công cụ kinh tế, các thực chứng có nghiên cứu để phán xét.
Ngoài ra, hội nghị lần này cũng chia sẻ kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… trong việc xây dựng chính sách cạnh tranh.
Đại diện Việt Nam chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc xây dựng chính sách cạnh tranh ở Việt Nam, đặc biệt là phải làm sao giảm sự méo mó của thị trường, sự méo mó bởi chính sách, méo mó tạo ra bởi các doanh nghiệp nhà nước để có một môi trường cạnh tranh công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm ở các nước trong việc tạo ra tính trung lập của các doanh nghiệp nhà nước, không có thiên vị, làm sao bỏ hết mọi thiên vị cho doanh nghiệp nhà nước, có sự cạnh tranh công bằng như các doanh nghiệp khác.
Tôi tin rằng sau hội nghị này, các chuyên gia APEC sẽ họp đưa ra các khuyến nghị, trong đó có những khuyến nghị tích cực, có sự công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, sử dụng công cụ kinh tế, thực chứng để phán quyết, xử lý các trường hợp, các vụ kiện về cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền trên thị trường.
Đồng thời, các thành viên APEC sẽ có sự phối hợp trong việc kiểm soát mang tính chất khu vực và quốc tế đối với những mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách cạnh tranh của APEC trong năm 2017 và xa hơn nữa. Bảo đảm có môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp hay mô hình kinh doanh mới với mô hình kinh doanh truyền thống, từ đó sẽ có công cụ điều tiết bảo đảm vừa cạnh tranh công bằng, vừa bảo đảm lợi ích người tiêu dùng.