Theo thông tin đã được Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn công bố chính thức, 4 ưu tiên hợp tác của Diễn đàn APEC 2017 là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các nền kinh tế đã thảo luận, cụ thể hóa nội hàm của 4 ưu tiên, với những đề xuất và sáng kiến mới và thiết thực, gắn với quan tâm của người dân và doanh nghiệp của khu vực. “Tăng cường kết nối sẽ góp phần tạo những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển bao trùm và gắn kết, tăng cường liên kết kinh tế khu vực và đưa các nền kinh tế APEC lại gần nhau hơn”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất và được các nền kinh tế ủng hộ, thống nhất 4 định hướng lớn.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai những định hướng hợp tác lớn, dài hạn của APEC, đặc biệt là các bước cụ thể để đạt được các mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2020 trong khu vực.
Thứ hai, nhất trí hình thành cơ chế để tiến hành thảo luận về tầm nhìn APEC sau 2020. Các cuộc đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 sẽ được tổ chức.
Thứ ba, tái định hướng hợp tác của APEC không chỉ tập trung vào tự do hoá thương mại và đầu tư, mà quan trọng nữa là bảo đảm tính bao trùm của thương mại và tăng trưởng. “Bao trùm là nội hàm nhiều cơ chế hợp tác APEC đang thúc đẩy. Trong năm 2017, Việt Nam sẽ xâu chuỗi, hài hoà các sáng kiến ở từng ủy ban, nhóm công tác, đưa bao trùm thành nội dung xuyên suốt của hợp tác APEC, cả về kinh tế, xã hội và tài chính. Tính chất bao trùm trên các lĩnh vực hợp tác về kinh tế, xã hội và tài chính nhằm bảo đảm các thành quả của tăng trưởng được phân bổ đồng đều cho các thành phần trong xã hội”, ông Sơn nhấn mạnh.
Thứ tư, APEC cần tiếp tục là cơ chế đi đầu về hợp tác, giải quyết các nhu cầu thiết thực của người dân. Trong số này, có thể kể đến việc phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử xuyên biên giới, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thành thị - nông thôn để củng cố an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng…
Đồng thời, APEC sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, đóng góp thúc đẩy nhiều nội dung hợp tác lớn, như hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, từng bước hiện thực hoá Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), kết nối, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa …
Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất và được các nền kinh tế ủng hộ, thống nhất 4 định hướng lớn.
Phải nhắc lại, SOM 1 và các hội nghị liên quan vừa diễn ra tại Nha Trang (Khánh Hòa) là những hoạt động hội nghị chính thức đầu tiên của APEC, đặt ra định hướng hợp tác của khu vực APEC trong cả năm 2017.
“Đợt hội nghị này diễn ra trong bối cảnh kinh tế khu vực tiếp tục tăng trưởng chậm, còn nhiều bất định; tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực đang gặp thách thức. Cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng kỳ vọng vào đóng góp của diễn đàn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và chất lượng cuộc sống”, Thứ tưởng Bùi Thanh Sơn phân tích thêm.
Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) có 60 cuộc họp, hội thảo, đối thoại với sự tham dự của 1.938 đại biểu đại diện 21 nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế, khu vực... 7 bộ, ngành của Việt Nam đã chủ trì, đồng chủ trì các cơ chế APEC, gồm Bộ Ngoại giao, Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ.