Nafiqad cũng đã xác nhận thông tin trên và cho biết ngày 8-3 vừa qua, đơn vị này đã chính thức gửi công thư yêu cầu phía Mỹ khởi động quá trình đánh giá tương đương đối với hệ thống kiểm soát sản phẩm cá họ Siluriformes của Việt Nam. Cùng ngày, Nafiqad cũng đã có công thư gửi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ, chuyển hồ sơ tới FSIS.
Theo nguồn tin của TBKTSG Online, việc đề nghị đánh giá tương đương cho cá da trơn Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ được thực hiện theo Chương trình thanh tra cá và các sản phẩm cá da trơn do FSIS ban hành và có hiệu lực từ ngày kể từ ngày 1-3 năm ngoái.
Nguồn tin của TBKTSG Online cho biết việc đánh giá tương đương về hệ thống kiểm soát của một nước xuất khẩu (trong đó có Việt Nam) của FSIS có sáu bước, gồm nước xuất khẩu yêu cầu FSIS đánh giá tương đương; nước xuất khẩu hoàn thiện bản trả lời câu hỏi (SRT – Self-Reporting Tool) và các hồ sơ kèm theo; FSIS yêu cầu bổ sung thông tin và FSIS khẳng định SRT đã hoàn thiện, xem xét đánh giá trên hồ sơ; thanh tra thực tế tại nước xuất khẩu; thông báo dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý và cuối cùng là công nhận tương đương bằng một quy định chính thức.
Trước khi gửi công thư yêu cầu FSIS công nhận tương đương, phía Mỹ đã cho Việt Nam thời gian chuyển tiếp 18 tháng, tức đến hết ngày 31-8-2017, để thực hiện các công việc có liên quan nhằm chứng minh sản phẩm cá da trơn Việt Nam được sản xuất, chế biến tương đương với hệ thống của phía Mỹ.
Theo Nafiqad, trong thời gian chuyển tiếp từ ngày 1-3 năm ngoái đến nay, Việt Nam đã có 62 nhà máy của các doanh nghiệp nghiệp (có doanh nghiệp có nhiều nhà máy) được FSIS đưa vào danh sách được phép xuất khẩu sản phẩm cá họ Siluriformes vào quốc gia này.
Nguồn tin này cũng cho biết bên cạnh áp dụng đối với Việt Nam, FSIS cũng yêu cầu một số quốc gia khác có xuất khẩu cá họ Siluriformes vào Mỹ thực hiện các phần việc tương tự như Việt Nam. “Tính đến nay, ngoài Việt Nam, đã có năm nước gồm Bangladesh, Guyana, Ấn Độ, Nigeria và Thái Lan đã gửi hồ sơ đề nghị FSIS đánh giá tương đương và tất cả đều đang ở bước đầu của quy trình đánh giá gồm sáu bước”, vị này cho biết.
Liên quan đến chương trình thanh tra cá da trơn, mà cụ thể là yêu cầu hệ thống sản xuất, chế biến và xuất khẩu của Việt Nam phải tương đương phía Mỹ, không ít doanh nghiệp trong nước lên tiếng, cho rằng sẽ tạo ra một gánh nặng về tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong khi sản phẩm cá tra đã đạt được rất nhiều những chứng nhận an toàn của quốc tế nên cho rằng chương trình này là “không cần thiết”.
Trao đổi với TBKTSG Online trước đó liên quan đến chương trình thanh tra cá da trơn, ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius) đồng tình rào cản kỹ thuật thì phải tháo dỡ vì nó là gánh nặng không chỉ Việt Nam mà còn cho cả phía Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, trong chương trình thanh tra cá da trơn, phía Mỹ đưa ra những quan niệm, khái niệm, chỉ dẫn rất chi tiết để phía Việt Nam thực hành và đây là điều rất tốt, sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam, từ cách nuôi, vận chuyển cho đến chế biến và xuất khẩu, thậm chí cả cung cách quản lý nhà nước.
Theo ông Dũng, nhìn một cách dài hạn, Việt Nam rất cần có bàn tay mạnh như chương trình thanh tra cá da trơn để "giải phẫu" ngành cá tra.
Rõ ràng, nếu đề nghị công nhận tương đương cho cá da trơn Việt Nam của Nafiqad được FSIS thông qua, thì hình ảnh và chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam ở thị trường Mỹ nói riêng và trên thị trường thế giới nói chung sẽ thêm một lần nữa khẳng định. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam đàm phán dễ dàng hơn với đối tác nhập khẩu.