Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã dành cho Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ cuộc trao đổi về tình hình xuất khẩu của ngành dệt may sau quý I/2017 và cả năm nay.
Năm 2016 là một năm tương đối khó khăn với ngành dệt may Việt Nam. Hết quý I/2017 ngành đã có tín hiệu khả quan hơn chưa, thưa ông?
Ông Lê Tiến Trường: Quý I/2017 đã qua, ngành dệt may đang đón nhận những tín hiệu tốt hơn mặc dù chưa thể nói là bền vững. Tuy nhiên, với con số 6,75 tỷ USD xuất khẩu thì chúng ta đang đạt tốc độ tăng trưởng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm đặc biệt của quý I/2017 đó là tăng trưởng ở các thị trường truyền thống không cao, thị trường Mỹ và EU chỉ tăng khoảng 6,3-6,4%. Nhưng nhiều thị trường mới đã có những tín hiệu tốt, trong đó Liên minh Kinh tế Á-Âu, qua thị trường Nga có tốc độ tăng trưởng 115%.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã có tốc độ tăng ở 6 thị trường, cụ thể: Thái Lan 17%, Indonesia 11%, Singapore 38%, Lào 24,5%, Campuchia 36% và Myanmar 5%.
Một trong những khách hàng truyền thống từ trước đến nay Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đó là Hàn Quốc với tốc độ tăng 14% ở quý I. Ngoài ra, có 2 quốc gia là Brazil và Ấn Độ có mức tăng trưởng rất tốt, lên đến 34%.
Từ đó có thể thấy, những nỗ lực của việc chủ động tiếp cận, tận dụng và khai thác những hiệp định thương mại song phương và đa phương mới đã cho kết quả, mà phần lớn thành quả này đến từ Liên minh Kinh tế Á-Âu và AEC.
Về mặt hàng, với những mặt hàng truyền thống như áo thun, quần tiếp tục tăng trưởng tốt với tốc độ 13-17%, veston tăng 15%. Còn những mặt hàng như sơ mi, jacket chỉ tăng trưởng khoảng 1%. Một số mặt hàng mới có tốc độ tăng trưởng tốt trong quý I đó là đồ bơi tăng 29%, quần áo mưa tăng 41%, quần áo gió tăng 18 lần và khăn tăng 31%.
Việc có nhiều sản phẩm mới và nhiều cách tiếp cận thị trường đã và đang từng bước đem lại tốc độ tăng trưởng cao hơn, ổn định hơn cho ngành dệt may và ít phụ thuộc hơn vào các thị trường truyền thống.
Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của ngành dệt may từ việc Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
Ông Lê Tiến Trường: Trước hết, tôi xin nhấn mạnh rằng, hiện nay tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam hoàn toàn dựa trên năng lực cạnh tranh và nhu cầu của thị trường.
Trước đây, khi đưa ra các kịch bản nếu có TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU thì chúng tasẽ tăng trưởng cao hơn và phải đứng trước thách thức của việc tận dụng một cách tốt nhất các lợi thế có được từ các hiệp định. Tuy nhiên, khi không còn, hoặc chưa rõ thời điểm các hiệp định có hiệu lực, thì các DN sẽ điều chỉnh chiến lược dựa trên cơ sở năng lực cạnh tranh thực như những năm trước đây. Chính vì vậy mục tiêu tăng trưởng cho năm 2017 là 8-10%, không phải 15-17% như kịch bản có TPP.
Tuy nhiên, với kết quả khả quan như quý I/2017 thì ngành dệt may Việt Nam đang phấn đấu trong năm 2017 sẽ tăng trưởng trên 10%, tăng thêm khoảng trên 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Để đạt được mục tiêu trên, các DN cần tập trung vào việc khai thác cao nhất hiệu suất của tài sản cố định đã đầu tư, tập trung đầu tư mới để thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh với trình độ công nghệ cao hơn nhất là trong bối cảnh xuất hiện làn sóng công nghệ lần thứ 4 trong hệ thống dệt may.
Ông vừa nói đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng ứng dụng công nghệ cao khi làn sóng công nghệ lần thứ 4 đang đến. Vậy, tinh thần của các DN dệt may Việt Nam sẽ đi trước, đón đầu như thế nào?
Ông Lê Tiến Trường: Các DN của ngành dệt may đã nhận thức được rất tốt việc cạnh tranh về lao động thông qua năng suất sẽ trở thành yếu tố tiên quyết. Mỗi người lao động ngành dệt may làm ra bao nhiêu giá trị sẽ quyết định sự tồn tại trong dài hạn của ngành.
Chính vì vậy, ở những khu vực sản xuất nguyên liệu như ngành sợi-dệt-nhuộm sẽ hướng tới đầu tư công nghệ tự động, bởi ở đó phải bảo đảm chất lượng, với lượng lao động không nhiều nhưng cập nhật sản xuất ở trình độ công nghệ tốt. Để duy trì khu vực này sẽ đòi hỏi đầu tư vốn lớn, nhưng bảo đảm được trong dài hạn và vẫn là khu vực phát huy được năng lực cạnh tranh.
Riêng đối với khu vực may thì sử dụng nhiều lao động, vì vậy, trong kế hoạch đầu tư, nâng cấp, tự động hóa cần phải cân đối hài hòa giữa tạo việc làm, duy trì được chỗ làm cho lao động hiện có và việc cập nhật, tiếp cận trình độ công nghệ.
Trong dự báo, đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, không thể có trạng thái thay đổi đột ngột từ hệ thống công nghệ này sang hệ thống công nghệ khác, mà sẽ có thời gian chuyển tiếp dần dần. Vì vậy, chắc chắn khi DN đầu tư mới thì phải hướng tới đầu tư công nghệ tự động, trong khi vẫn cần duy trì sản xuất hiệu quả hệ thống công nghệ hiện nay. Chúng ta sẽ tiếp tục khai thác, tích lũy để chuẩn bị từng bước cho 5 năm tới khi bước vào chu kỳ thay đổi mạnh mẽ hơn về trình độ công nghệ tại các DN dệt may.
Vậy kế hoạch năm 2017 ngành dệt may đặt ra liệu có “cán đích” đúng hẹn được không thưa ông?
Ông Lê Tiến Trường: Hiện tại, quý II/2017 vẫn nằm trong dự báo của ngành dệt may Việt Nam với tốc độ tăng trưởng 10% và có những tín hiệu cho thấy mục tiêu này có thể đạt được.
Về việc 6 tháng cuối năm có đạt được tăng trưởng 10% hay không thì phải đợi hết tháng 5, tháng 6, khi việc thương lượng các đơn hàng đã hoàn thành thì lời giải mới rõ ràng hơn.