12/24/2018 8:56:58 AM

Tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Hội nghị do Bộ KH&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. Đây là hội nghị để Chính phủ và các bộ, ngành gặp gỡ, trao đổi và đối thoại với các nhà đầu tư về thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (ĐTNN) ở Việt Nam, là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các sự kiện tổng kết, đánh giá về thu hút, sử dụng ĐTNN tại Việt Nam suốt 30 năm qua.
 
Kết quả thu hút và sử dụng ĐTNN là minh chứng về thành công của công cuộc Đổi mới
 
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng năm 1986 đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn, có ý nghĩa lịch sử, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
 
Kết quả thu hút và sử dụng ĐTNN trong 30 năm qua là một minh chứng về thành tựu Đổi mới và hội nhập của đất nước ta.
 
Khu vực ĐTNN là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn; gia tăng năng lực sản xuất; giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, đưa Việt Nam tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện chuyển giao công nghệ; hình thành mối liên kết giữa khu vực ĐTNN với khu vực trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; đóng góp cho ngân sách nhà nước; hỗ trợ cán cân thanh toán, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và trở thành một động lực của tăng trưởng.
 
ĐTNN không chỉ là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần tích cực thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần đáng kể trong nâng cao thế và lực của đất nước. Giai đoạn đầu, ĐTNN góp phần khai thông, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn, bình thường hóa với các quốc gia.
 
Tính đến hết tháng 11/2018, cả nước có trên 27.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 337,8 tỷ USD, tổng vốn thực hiện khoảng 187 tỷ USD.
 
Tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991- 2017.
 
Về đóng góp ngân sách, riêng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Các dự án ĐTNN cũng giúp tạo công ăn việc làm cho trên 3,6 triệu lao động trực tiếp, từ 5-6 triệu lao động gián tiếp. Năng suất lao động của khu vực đầu tư nước ngoài luôn ở mức cao hơn năng suất bình quân chung của cả nước (năm 2017, cao hơn 3,7 lần).
 
Những hạn chế, bất cập cần khắc phục
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập. Liên kết của khu vực ĐTNN với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực ĐTNN chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
 
ĐTNN từ các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) và vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng và nông nghiệp là những lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, có nhu cầu và tiềm năng lớn, nhưng kết quả thu hút ĐTNN còn chưa tương xứng.
 
Một số dự án ĐTNN chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu. Hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án ĐTNN chưa cao. Một số doanh nghiệp ĐTNN có hành vi chuyển giá, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Một số trường hợp thu hút ĐTNN chưa cân nhắc đầy đủ, toàn diện các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh.
 
Chính sách, pháp luật về ĐTNN liên tục được hoàn thiện song song với tiến trình đổi mới và ngày càng tiệm cận thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, ổn định, chất lượng thực thi pháp luật chưa nghiêm, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà ĐTNN. Môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam chưa thực sự bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, nhiều yếu tố sản xuất chưa được thị trường hóa gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế, bất cập, nhất là việc phân công, phân cấp, phối hợp quản lý, tổ chức bộ máy, năng lực cán bộ cũng như việc thanh tra, kiểm tra, giám sát. Hoạt động xúc tiến đầu tư chưa được tổ chức chuyên nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển.
 
Bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước hiện nay đang có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng rủi ro, thách thức, đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút, sử dụng ĐTNN để thích ứng với tình hình mới, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đất nước.
 
Thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng Bộ KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.
 
Mục tiêu của Đề án là đánh giá kết quả thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về ĐTNN, đóng góp của khu vực ĐTNN đối với nền kinh tế, phân tích nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế, bất cập và rút ra các bài học kinh nghiệm; đánh giá tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đặc biệt là xu hướng của các dòng vốn đầu tư quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN đến năm 2030.
 
Những ý kiến thảo luận tại hội nghị sẽ được tiếp thu để hoàn thiện Đề án có vai trò đặc biệt quan trọng này.
VGP  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.