7/8/2019 8:30:00 AM

Hội đồng châu Âu (EC) hôm nay, 25-6, đã thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Cả hai hiệp định sẽ được ký vào Chủ Nhật, ngày 30-6, tại Hà Nội, theo thông cáo của EC.

 

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU. Các dòng thuế còn lại sẽ được dỡ bỏ dần trong 10 năm tới và 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía sẽ được xóa bỏ.

EVFTA góp phần đơn giản hóa các thủ tục hải quan cũng như các quy định về trao đổi hàng hóa giữa EU và Việt Nam, đơn cử như mặt hàng dệt may. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh việc mang lại những cơ hội kinh tế quan trọng, EVFTA cũng đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững luôn song hành, bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.

Nhờ có hiệp này, các công ty châu Âu sẽ có thể tham gia vào các gói đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam một cách bình đẳng như các công ty trong nước.

Ngoài những cơ hội kinh tế lớn, EU và Việt Nam cũng nhất trí về các biện pháp phát triển bền vững, điều này bao gồm cam kết triển khai hiệu quả Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Hiệp định (tự do thương mại) cũng ràng buộc hai bên phải tôn trọng và  triển khai có hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các quyền căn bản của người lao động.

EVFTA còn kết nối về mặt pháp lý và thể chế với Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác Toàn diện Việt Nam - EU (PCA), cho phép có những hành động phù hợp trong trường hợp các quyền con người bị vi phạm.

Trong khi đó, EVIPA sẽ giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á.

EVIPA bao gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua Hệ thống mới tòa án về đầu tư, đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân.

Hiệp định này sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam, triển khai một khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường tính minh bạch.

Theo lịch trình, sau khi được ký kết, EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và Nghị viện 28 nước thành viên EU bỏ phiếu thông qua. Theo đánh giá, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm 2019 hoặc đầu 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là hai năm để EP và Nghị viện của 28 quốc gia thành viên thông qua.

Trong cuộc trao đổi với báo giới về sự kiện ký kết ngày 30-6 sắp tới, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết với kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Do vậy, khi đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, con số 100% nói trên có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên, thời gian tới, khi Việt Nam đạt đến trình độ phát triển kinh tế nhất định thì GSP sẽ không còn nữa. Nếu FTA không có hiệu lực sớm thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh ở thị trường EU.

Bên cạnh đó, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN chỉ sau Singapore, với giá trị thương mại ở mức 49,3 tỉ euro và thương mại dịch vụ ở mức trên 3 tỉ euro. Trong khi đó, đầu tư của EU vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn, hiện ở mức 6 tỉ euro năm 2017.

EU chủ yếu nhập khẩu các thiết bị viễn thông, giày dép, dệt may, đồ nội thất và các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam bao gồm máy móc, thiết bị vận tải, hóa chất và các sản phẩm thực phẩm, đồ uống.

Với quy mô và tiềm năng của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Tác động này sẽ được cộng hưởng mạnh mẽ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thực hiện cũng như với việc ta đã và đang thực hiện các Hiệp định FTA quan trọng như FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu, với Hàn Quốc, hay Hiệp định CPTPP.

 

TBKTSG Online  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.