8/10/2019 10:16:31 AM

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, dòng vốn đầu tư ở Trung Quốc có xu hướng Nam tiến đang trở thành mối lo ngại cho các nhà đầu tư Hàn Quốc khi góp phần đẩy chi phí lên cao.

Vì sao doanh nghiệp Hàn Quốc lo ngại dòng vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam?

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 1,67 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc gần 1,3 tỷ USD, chiếm 16,7%; Nhật Bản gần 1 tỷ USD, chiếm 13,1%. 
 
Ngoài các dòng vốn đầu tư trực tiếp, từ đầu năm 2018 đến nay cũng là thời điểm dòng vốn từ Hàn Quốc đổ mạnh vào thị trường M&A Việt Nam với những thương vụ rất lớn. Dòng vốn đầu tư qua M&A hiện đang chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam. 
 
Nổi bật nhất là KEB HANA Bank đầu tư 885 triệu USD mua 15% cổ phần Ngân hàng BIDV. Đây là thương vụ M&A có yếu tố nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.
 
Ông Michael Dc Choi, Phó giám đốc Trung tâm M&A Hàn Quốc thuộc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) cho biết hiện có tới 5 ngân hàng thương mại của Hàn Quốc cũng đang quan tâm tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. 
 
Hay SK Group đến từ Hàn Quốc trở thành cổ đông lớn của Vingroup sau thương vụ tỷ USD mới đây được đánh giá là động lực thúc đẩy thị trường M&A bước sang một giai đoạn mới, cũng như thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A hiệu quả cao, quy mô lớn.
 
Sau khi dốc khoảng 470 triệu USD để sở hữu 9,45% cổ phần tại Masan, 1 tỷ USD mua cổ phần của Vingroup, SK vẫn rất quan tâm đến việc nhà nước sẽ thoái vốn tại Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) mặc dù đang là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này. 
 
Về xu hướng dòng vốn Hàn Quốc đổ vào Việt Nam thông qua M&A ngày càng nhiều, ông Michael Dc Choi cho rằng, doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu quan tâm đến các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, logistics, bất động sản, tiêu dùng.
 
Sở dĩ các thương vụ M&A Hàn Quốc - Việt Nam được dự báo sẽ ngày càng tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch là vì Chính phủ Hàn Quốc bên cạnh tập trung vào những tập đoàn lớn thực hiện các thương vụ M&A ra nước ngoài cũng đang dồn sức hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với số vốn lên đến hàng ngàn tỷ USD.
 
Khi thực hiện các thương vụ M&A, các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ có hai chiến lược chính: hoặc mua nguyên vật liệu ở Việt Nam về sản xuất rồi bán ngược lại cho thị trường Việt Nam, hoặc doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam trực tiếp sản xuất để phân phối tại Việt Nam và các nước ASEAN. 
 
Có thể nói, M&A là một lựa chọn không tồi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi muốn đầu tư tại Việt Nam nhưng đối mặt với nỗi lo tìm kiếm quỹ đất, xây dựng nhà máy, phân xưởng, nhân sự... 
 
Đặc biệt, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách đưa dòng tiền đầu tư sang Việt Nam để né tránh trừng phạt về thuế khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có xu hướng leo thang. Làn sóng dịch chuyển FDI từ Trung Quốc về Việt Nam cũng tăng mạnh, tạo nên nhu cầu lớn về thuê đất hạ tầng khu công nghiệp.
 
Bên cạnh những khó khăn trong việc tìm kiếm đất hạ tầng khu công nghiệp, lãnh đạo Kotra thừa nhận cạnh tranh cũng sẽ ngày càng gia tăng khi làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đang đổ về Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. 
 
Không những vậy, ông Choi cho rằng việc Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc đã, đang và sẽ góp phần đẩy chi phí lên cao, trong đó có giá đất và chi phí nhân công, đặc biệt ở các khu vực phía Bắc. 
 
Theo số liệu từ JLL Việt Nam, giá đất khu công nghiệp tiếp tục tăng với tốc độ nhanh. Nhu cầu thuê tăng mạnh nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang đã đẩy giá đất trung bình trong quý II/2019 lên mức mới với 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Lượng khách thuê có nhu cầu lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc.
 
Với mức 162 USD/m2/chu kỳ thuê, TP. HCM tiếp tục là thị trường có giá thuê đất và nhà xưởng cao nhất phía Nam. Tiếp theo là Đồng Nai với mức giá thuê 160 USD/m2/chu kỳ thuê. Long An hiện đang là thị trường tiềm năng, được xem là lựa chọn mới bên cạnh hai khu vực đầu tư truyền thống là Bình Dương và Đồng Nai. 
 
Tại khu vực phía Bắc, báo cáo ngành bất động sản công nghiệp của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cũng thấy, giá thuê quý I/2019 đã tăng trưởng trung bình 7,6% so với cùng kỳ.
 
Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh là các địa phương có tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp cao, xấp xỉ 80%. Trong đó, Hà Nội có giá thuê cao nhất miền Bắc, đạt 140 USD/m2/kỳ thuê. 
 
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019:
 
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.
 
Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.
 
Diễn đàn có các hoạt động chính: hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; vinh danh thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; tiệc tối kết nối đầu tư; phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt - Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.
TheLEADER  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.