10/11/2019 10:39:08 AM

Fitch Solutions nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,9% năm 2019 thay vì 6,5% như dự báo trước đó, nhưng cũng cảnh báo những nút thắt kinh tế cần sớm được tháo gỡ.

 


https://photo-1-baomoi.zadn.vn/w700_r1/2019_10_02_72_32399181/b09bbaf393b27aec23a3.jpg

Fitch Solutions nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,9% năm 2019.

Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô của hãng dịch vụ tài chính Fitch Group - cho hay tín hiệu tăng trưởng tốt trong quý 3/2019 là cơ sở quan trọng để Fitch Solutions nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 lên 6,9%. Năm 2020, GDP Việt Nam sẽ tăng 6,8%, Fitch Solutions dự báo.

Các chuyên gia Fitch Solutions đánh giá, sự tăng tốc 7,3% của kinh tế Việt Nam trong quý 3/2019 một phần nhờ cú hích từ dòng dịch chuyển của doanh nghiệp và nhà đầu tư từ Trung Quốc do lo ngại tác động của thương chiến Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, làn sóng dịch chuyển này lại gia tăng sức ép về cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động cho Việt Nam. Nếu không được giải quyết thấu đáo, các sức ép đó có thể “cản đường” tăng trưởng kinh tế trong các quý tới.

Tăng trưởng kinh tế quý 3/2019 bứt tốc cũng nhờ lực đẩy của hoạt động sản xuất chế tạo với mức tăng 12,0% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng 10,0% trong quý 2. Trong khi đó, ngành xây dựng tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 9,1% trong quý 2. Tổng quan lại, hoạt động sản xuất chế tạo và xây dựng là hai lĩnh vực then chốt giúp ngành công nghiệp đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 6,8% trong quý 3/2019, thấp hơn so với mức tăng 6,9% trong quý 2 nhưng đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

So với các ngành khác, nông nghiệp tăng trưởng khá khiêm tốn. Hạn hán tiếp tục tác động xấu tới sản lượng nông nghiệp, trong khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi trong nước. Theo đó, sản xuất nông nghiệp trong quý 3/2019 tăng nhẹ 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cao hơn mức 1,7% trong quý 2 và đóng góp 0,33 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.

Các chuyên gia Fitch Solutions cảnh báo các nút thắt về logistics, hạ tầng giao thông và nhân lực sẽ kìm sức tăng trưởng của ngành sản xuất chế tạo trong các quý tới. Dù ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, rõ nhất là sự thay đổi cơ cấu sản xuất hàng điện tử cấp thấp và dệt may do sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, nhưng cũng chính sự dịch chuyển này đang gây sức ép đáng kể lên hệ thống hạ tầng trong nước, các chuyên gia phân tích.

Dẫn thông tin được Tạp chí Phố Wall trích dẫn từ công ty dịch vụ kho bãi Agility Global Integration Logistics, Fitch Solutions cho hay, các xe hàng phải chờ 4-5 ngày để bốc dỡ container tại cảng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với vấn đề nguồn nhân lực, Fitch Solutions lo ngại về tình trạng thiếu lao động có trình độ ngày càng tăng ở Việt Nam và điều này đã gây áp lực đáng kể lên tiền lương. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tiền lương bình quân hàng tháng trong quý 3/2019 tăng 13,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình trong 9 tháng qua, tiền lương trung bình của cấp quản lý tăng 16,7%, công nhân kỹ thuật tăng 12,2% và lao động phổ thông 17,4%.

Tuy nhiên, mức lương bình quân hàng tháng ở Việt Nam (290 USD) hiện vẫn còn thấp so với các “công xưởng sản xuất” khác trong khu vực như Thái Lan (470 USD) và Trung Quốc (580 USD), Fitch Solutions dẫn số liệu thống kê của hai quốc gia này. Tiền lương tăng lên và những bất cập trong logistics có thể khiến tăng trưởng của ngành sản xuất chế tạo “hạ nhiệt”.

Do vậy, tăng trưởng GDP Việt Nam trong các quý tới sẽ trông cậy nhiều vào lĩnh vực xây dựng và dịch vụ. Triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan hơn khi lĩnh vực bất động sản thương mại và nhà ở ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh trong những năm qua, nhất là năm 2018 sẽ tạo đà cho tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng trong các quý tới.

Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 22,6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2019. Năm 2018, con số này là 35,5 tỷ USD. Vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất chế tạo tăng lên sẽ đẩy nhu cầu dịch vụ vận tải và kho bãi tăng theo. Ngoài ra, tiền lương tăng lên, nhất là tiền lương của tầng lớp trung lưu cũng sẽ khiến nhu cầu về dịch vụ bán lẻ tiếp tục tăng cao. Trong 9 tháng đầu năm 2019, dịch vụ bán lẻ tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, ngành dịch vụ “không khói” như khách sạn và nhà hàng sẽ “sống khỏe” trong năm nay nhờ mức sống và thu nhập của người dân trong nước được cải thiện và lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đón gần 13 triệu khách du lịch quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Baomoi  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
INDOCHINA INTERNATIONAL CONSULTING CO., LTD
KK11 Ba Vi Street, Ward 15, District 10 ,Ho Chi Minh City
®Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.