Xúc tiến đầu tư hiệu quả
Từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long năm 2018 và Hội thảo Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long được tổ chức vào tháng 8/2019, tỉnh Vĩnh Long được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh trên nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, đô thị, dịch vụ…
Nếu như trước đây, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào may mặc; sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản..., thì nay, các lĩnh vực mới như dịch vụ logistics, sản xuất điện tử, công nghiệp hỗ trợ đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư tại Vĩnh Long.
Trong 10 tháng đầu năm nay, tỉnh đã tổ chức tiếp xúc và làm việc với 40 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Kết quả, có 22 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 289,5 tỷ đồng và 121,8 triệu USD, trong đó có 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tính đến hết tháng 10/2019, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 65 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 660 triệu USD.
Nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long có lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp với các nông sản chủ lực như lúa, trái cây đặc sản, hoa màu, cá tra thâm canh, thủy sản lồng bè và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, tỉnh còn có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch với những sản phẩm đặc trưng như du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, homestay, làng nghề truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng...
Những tiềm năng, lợi thế này sẽ tiếp tục được phát huy khi cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 4/2021. Khi đó, thời gian di chuyển từ Vĩnh Long đến TP.HCM chỉ mất hơn 1 giờ, mở ra cơ hội tốt cho tỉnh tăng tốc thu hút đầu tư.
Đón đầu cơ hội này, bên cạnh 2 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động (Hòa Phú, Bình Minh), tỉnh đang triển khai thủ tục, kêu gọi đầu tư 3 KCN đã được Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch là KCN Đông Bình (350 ha) tại thị xã Bình Minh, KCN An Định (200 ha) tại huyện Mang Thít, KCN Bình Tân (400 ha) tại huyện Bình Tân cùng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch, sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Với tinh thần cầu thị và phương châm hành động nhất quán, xuyên suốt: “Xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả”, từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Tỉnh đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng triển khai thực hiện dự án, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Định kỳ hàng năm, Vĩnh Long tổ chức ít nhất 4 cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh. Qua các cuộc đối thoại này, những bức xúc, kiến nghị của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng giải quyết kịp thời. Đối với những trường hợp liên quan đến chính sách của Trung ương, tỉnh ghi nhận và kiến nghị đến các cấp cao hơn và có cam kết về thời hạn phản hồi với doanh nghiệp.
Để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có năng lực làm “đầu tàu” thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu việc tạo lập và xây dựng tốt hơn hình ảnh của địa phương trong mắt nhà đầu tư, có định hướng nhất quán giữa phát triển kinh tế với các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tỉnh quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở xác định rõ ràng định hướng, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, dựa trên nền tảng chất lượng các quy hoạch, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm trong từng thời điểm.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tỉnh chú trọng chất lượng các dự án, lựa chọn dự án có trình độ quản trị, công nghệ, có khả năng kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn để khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, qua đó tăng hiệu quả đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ thường xuyên đổi mới các hình thức quảng bá xúc tiến đầu tư; rà soát, điều chỉnh, áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để tạo động lực thúc đẩy các dự án sớm triển khai, đi vào hoạt động.
Thời gian gần đây, một số dự án FDI có quy mô vốn khá lớn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, như: Nhà máy Sản xuất, gia công đế giày và các nguyên phụ liệu của Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam tại KCN Hòa Phú, vốn đầu tư 25 triệu USD. Trước đó, tháng 7/2019, Ching Luh Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại KCN Bình Minh, vốn đầu tư 25 triệu USD để xây dựng nhà máy tương tự.
Cũng trong tháng 7 năm nay, Công ty TNHH Tỷ Bách đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Sản xuất giày xuất khẩu tại KCN Bình Minh với vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD.