Đề án vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ xem xét.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 5/5, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc cho biết, nếu được thông qua, đây sẽ là một đề án đào tạo nghề có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với khoảng 12 triệu lao động ở nông thôn sẽ được đào tạo nghề một cách bài bản, đảm bảo trình độ, chất lượng tay nghề.
Theo Thứ trưởng Đắc, sở dĩ Bộ phải xây dựng đề án là bởi từ trước tới nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được coi trọng đúng mức, các cấp, ngành cũng như toàn xã hội chưa nhận thức đầy đủ và coi đào tạo nghề chỉ là cứu cánh có tính thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống.
Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lao động ở nông thôn được đào tạo nghề hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 19%, trong khi trung bình của cả nước là 25%. Đây sẽ là một lực cản lớn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn mà chúng ta đang tiến hành.
“Tổng kinh phí của đề án dự kiến sẽ khoảng hơn 32.000 tỷ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, phân bổ cho 3 đề án thành phần, gồm: Dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp hiện đại; Dạy nghề cho nông dân và con em nông dân để chuyển dịch cơ cấu lao động và xuất khẩu lao động và Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã”, Thứ trưởng Đắc cho biết.
Cũng theo ông Đắc, hiện Chính phủ đã đề ra mục tiêu mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100 nghìn lượt cán bộ, công chức cấp xã. Phấn đấu trong giai đoạn 2009 - 2010 sẽ có khoảng 800 nghìn lao động nông thôn được học nghề; giai đoạn 2011- 2015, đào tạo nghề cho 5,2 triệu lao động, từ 2016 đến 2020, đào tạo nghề cho 6 triệu lao động. Đáng chú ý, với đề án này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 80%.
Theo Thứ trưởng Đắc, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được vì trọng tâm của đề án là đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp chứ không phải đào tạo theo khả năng của các trường, lớp.
15/5 sẽ báo cáo tình hình kích cầu
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết, trong 2 ngày 4 - 5/5, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Thủ tướng cũng như hầu hết các thành viên Chính phủ đều thống nhất những diễn biến tích cực của nền kinh tế trong tháng tư và 4 tháng đầu năm.
Ngoài những chỉ tiêu đạt khá của các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách… thì tình hình kinh tế vĩ mô cũng đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và dần đi vào ổn định.
Đáng chú ý, theo điều tra, khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì chỉ số niềm tin của người dân Việt Nam đã tăng gấp đôi so với các nước trong khu vực. Đây sẽ là một cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nghiêm túc nhìn nhận những mặt hạn chế, chưa làm được trong việc triển khai gói kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Thủ tướng cho rằng, về cơ bản, các giải pháp đã đầy đủ, tuy nhiên các chính sách, giải pháp này triển khai trong thực tế chậm, nhất là giải ngân trong đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước vừa thấp, vừa chậm trễ.
Để tăng hiệu quả của gói kích cầu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đôn đốc triển khai các giải pháp, đẩy mạnh giải ngân, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chính sách mà Chính phủ đã ban hành. Đồng thời, để tạo thêm vốn cho kích cầu, Chính phủ đã quyết định bổ sung 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, nâng tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm nay lên 64.000 tỷ đồng.
“Hiện đoàn công tác giám sát kích cầu của Chính phủ với 20 bộ trưởng đang tiến hành kiểm tra tại 63 tỉnh, thành phố. Theo kế hoạch, ngày 15/5 tới, đoàn công tác sẽ có báo cáo chính thức về tình hình và kết quả bước đầu triển khai chính sách kích cầu tại các địa phương”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Đoan cho biết.