Công ty Nghiên cứu thị trường TNS mới đưa ra báo cáo định kỳ về các ngành có tốc độ phát triển cao nhất tại Việt Nam.
Cuộc chiến âm thầm
Theo nghiên cứu của TNS, hiện trên thị trường có khoảng 50 nhãn hiệu tã giấy trẻ em. Nhưng chỉ với Bobby của Diana, Huggies của Kimberly Clark và Pampers của P&G đã chiếm tới 75% thị phần và đang ra sức cạnh tranh để chiếm ngôi vị số 1.
3 dòng sản phẩm này đều hướng đến phân khúc phổ thông với giá khoảng 2.500 - 2.700 đồng/miếng. Tần suất quảng cáo của 3 nhãn hàng này cũng khá tương đồng. Tuy nhiên lợi thế vẫn thuộc về Bobby khi nhà máy sản xuất tại Việt Nam của họ đang có những công nghệ hiện đại, và vì thế chỉ với một động thái nhỏ nhằm hạ giá thành sản phẩm thì hai nhãn hàng còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng thị phần một cách tương đối lớn. Đặc biệt, họ lại mới nhận được đầu tư của Tập đoàn Goldman Sachs. Tuy vậy, thị trường tã giấy mới chỉ diễn ra sôi động tại các vùng đô thị, trong khi Việt Nam lại có tới 70% dân số sống ở vùng nông thôn. Vì thế, 3 ông lớn này mới chỉ mở rộng thị phần chứ chưa thật sự cạnh tranh.
Sẽ có sự soán ngôi
Trong khi 3 ông lớn đang “âm thầm” tranh giành thị phần thì các hãng tã giấy trên thế giới cũng nhăm nhe tiến vào Việt Nam khi nhận thấy thị trường còn nhiều khoảng trống nơi đây. Theo TNS, Việt Nam là nước có tỷ lệ sinh cao thứ 4 tại châu Á với hơn 1,6 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 75% trẻ em Việt Nam sử dụng tã giấy. Trung bình cứ 5 tuần 1 lần một bà mẹ mới mua 30 miếng tã giấy (chưa đến 1 miếng/ngày), trong khi ở các nước khác con số này lớn hơn nhiều.
Hiện đang có nhiều nhãn hàng tã giấy nổi tiếng thế giới như Luvs, Drypers (Mỹ), Mamy Poko (Nhật Bản) hay Baby Love của Canada đang nhắm tới thị trường Việt Nam sau khi đã khuynh đảo các quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… những thị trường có mức tiêu thụ cao gấp 4 lần Việt Nam nhưng đang trong giai đoạn bão hòa.
Ví dụ tiêu biểu nhất phải kể đến là Mamy Poko - nhãn hàng vừa khiến Pampe và Huggies (những nhãn hàng lâu đời) phải nhường tới phân nửa thị phần tại Thái Lan cho họ. Tuy Tuy Mamy Poko chưa đưa ra thông tin chính thức, nhưng đã có thông tin về việc họ đang nhắm tới Việt Nam. Điều này sẽ làm cho thị trường có sự thay đổi lớn vì nhãn hàng này có tiếng là chấp nhập đầu tư lâu dài để chiếm lĩnh thị trường. Tuy vậy, mọi việc vẫn phải chờ xem! Bởi theo ông Đỗ Anh Tú - Tổng giám đốc Công ty Diana: “Có được thành công trong ngành hàng này phải kết hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả được tất cả các yếu tố: từ thị trường, giá cả, đến kênh phân phối. Mà kênh phân phối hiệu quả nhất của loại hàng này ở Việt Nam không phải là siêu thị hay những đại gia phân phối lớn mà chính là các cửa hàng nhỏ”.
Theo nghiên của của TNS, 88% sản lượng tã giấy bán tại Hà Nội từ các cửa hàng nhỏ. “Kênh phân phối” này cũng chiếm tới 65% sản lượng bán ra trên toàn quốc.
Đem chuông đi đánh xứ người
Dự báo là thị trường này sẽ có sự cạnh tranh đầy khốc liệt, ngay từ bây giờ nhiều hãng đã tính chuyện xuất khẩu để tìm kiếm thị trường rộng lớn hơn.
Đơn cử như trường hợp của Kimberly Clark. Công ty này có một nhà máy sản xuất ở Bình Dương, hiện không chỉ sản xuất cho riêng thị trường Việt Nam mà còn cho cả thị trường Australia, Malaysia, Indonesia, và tới đây sẽ là thị trường châu Âu, châu Mỹ Latinh. Được biết, hiện tỷ lệ xuất khẩu của Kimberly Clark là 20%. Trong thời gian tới, tỷ lệ này dự kiến sẽ được nâng lên thành 50%. Còn ông Phạm Văn Cư, Giám đốc phụ trách xuất khẩu của Công ty TNHH KyVy (KCN Tân Bình) thì cho biết, doanh nghiệp ông chuẩn bị xuất sang Papua New một lô hàng tã giấy trẻ em trị giá gần 61.000 USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của KyVy tăng 15%, ước đạt gần 485.000 USD. Tất cả những điều này cho thấy, công nghiệp tã giấy không hề “tủn mủn”.