Mekong Air: Hãng tư nhân thứ ba được chính phủ chọn phát triển ngành hàng không VN
Date: 4/25/2009 11:40:00 AM

Cuối tháng 12/2007, hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam - Vietjet Air được trao giấy phép bay. Tiếp đó ngày 27/5/2008, hãng hàng không tư nhân thứ 2 - Speed Up Air - do nhạc sĩ Hà Dũng đứng tên làm chủ được cấp phép bay. Ngày 2/7, Cục hàng không dân dụng Việt Nam nhận được hồ sơ xin thành lập hãng hàng không tư nhân thứ 3 là Mekong Air do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (tỉnh Kiên Giang) làm chủ đầu tư. Trước đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã bày tỏ ý định tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này như Công ty cổ phần Đầu tư T&C, Công ty cổ phần Sài Gòn Hàng không (Saigon Airlines)…nhưng do chưa có đề án cụ thể nên chưa được cấp giấy phép.

Ngày 05/10/2008, Cục Hàng không VN vừa hoàn tất việc thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty Cổ phần hàng không Mekong (Mekong Aviation Joint Stock Company).

Mekong Air là tên mới của Hãng hàng không Phú Quốc Air đã được Chính phủ chọn làm hãng tư nhân thứ ba trong đề án quy hoạch phát triển ngành hàng không. Vốn điều lệ là 200 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu của Luật Hàng không. Theo Nghị định 76/CP do Chính phủ ban hành ngày 9/5/2007, vốn tối thiểu để một hãng được phép bay quốc tế là 500 tỷ đồng, bay nội địa là 200 tỷ đồng. Ngoài yêu cầu về vốn, hãng còn phải đảm bảo hàng loạt điều kiện khác, đặc biệt là về an toàn, an ninh hàng không.

Nếu được Bộ Giao thông Vận Tải phê duyệt Mekong Aviation sẽ là hãng hàng không tư nhân thứ 3 tại Việt Nam được cấp phép bay. Theo hồ sơ, hãng hàng không Mekong sẽ đi vào khai thác từ năm 2010 và lấy sân bay Nội Bài làm sân bay căn cứ. Hãng dự kiến sẽ sử dụng đội bay khoảng 10 chiếc vận chuyển trên các trục nội địa gồm là Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Cần Thơ...

Mekong Aviation đang lựa chọn đội bay là một trong các chủng loại máy bay như Bombadier, Embraer hoặc ATR 72 có số ghế dưới 100 chỗ. Hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không đang hoạt động và đã được cấp giấy phép gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO, Vietjet Air và Speed Up.

Tuy nhiên, hiện nay khoảng 1/3 số phi công của Vietnam Airlines vẫn là phi công nước ngoài; chưa kể số kỹ sư nước ngoài. Jetstar Pacific có 50 phi công thì chỉ có… một phi công Việt Nam, kỹ sư nước ngoài phải thuê cũng không ít. Do đó, khi cấp phép hoạt động cho các hãng hàng không mới, các cơ quan nhà nước cần tính đến yếu tố này. Ngay đối với những hãng đang hoạt động, có thể thấy vẫn còn nhiều yếu tố chưa đảm bảo phát triển bền vững. Không đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp thì cũng không thể có lợi ích bền vững của người tiêu dùng. Nhà nước và các doanh nghiệp cần hợp tác giải quyết những vấn đề chưa ổn này trước khi các hãng hàng không mới tham gia thị trường, nếu không tình hình sẽ còn phức tạp hơn. Sẽ không hay ho gì nếu các hãng hàng không mới thành lập trả lương thật cao để thu hút nhân lực của những hãng đang bay, nhưng cuối cùng chẳng ai làm ra lợi nhuận cả! Bài học về thị trường lao động của các công ty chứng khoán còn đó và không nên để lặp lại trong lĩnh vực vận tải hàng không.

(Source: NAT)  
  Homepage | News | Search | Comparison| Terms Of Use | Contact
Vietnam Industrial Parks
No 06, Nguyen Thanh Y Street, Dakao Ward, District 1 ,Ho Chi Minh City
® Source: http://viipip.com should be clearly quoted for any use of information extracted from our website.