Năm nay, Bình Dương chưa có chủ trương thành lập khu công nghiệp phụ trợ riêng mà sẽ thành lập các phân khu riêng cho doanh nghiệp ngành này.
Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trao đổi về kết quả thu hút đầu tư năm 2011, kế hoạch năm 2012 và những định hướng về thu hút đầu tư của tỉnh sau khi có Chỉ thị 1617/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ.
Xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư của Bình Dương năm 2011 và kế hoạch năm 2012?
Năm 2011, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh đạt 1,12 tỷ USD, đầu tư trong nước đạt 26.300 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có trên 2.000 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn gần 15 tỷ USD và trên 13.000 doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn gần 95.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD). Các quốc gia có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...
Năm 2012, kinh tế thế giới được dự báo có nhiều diễn biến khó lường. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2012, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư mới và dự án bổ sung, tăng vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Riêng tháng 1/2012, đã có 6 dự án đầu tư nước ngoài đầu tư mới và tăng vốn với số vốn 151 triệu USD và 65 dự án của doanh nghiệp đầu tư trong nước với số vốn gần 3.500 tỷ đồng (khoảng 170 triệu USD). Kế hoạch của tỉnh trong năm 2012 sẽ thu hút 1 tỷ USD vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương sau khi có Chỉ thị 1617/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ?
Trong giai đoạn 2011 - 2015, định hướng của Bình Dương là hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp; thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao; khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật tiên tiến; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ; chú trọng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị.
Tỉnh sẽ hạn chế tối đa việc đầu tư bên ngoài vào các khu, cụm công nghiệp, các ngành công nghiệp gia công sử dụng nhiều lao động, hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm cao; bảo đảm các khu, cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam; quy hoạch, sắp xếp lại ngành công nghiệp khai thác khoáng sản.
Trên thực tế, bên cạnh Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe tải Radian toàn thép của Công ty cổ phần Cao su miền Nam (Casumina) động thổ vào ngày 17/2, đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư công nghiệp phụ trợ, như Công ty Kiyo Kensetsu Kikai chuyên sửa chữa, sản xuất phụ tùng thiết bị nặng (Nhật Bản), Tokyo Rope chuyên sản xuất các loại cáp thép cao cấp dùng cho thang máy… mong muốn đầu tư sản xuất tại tỉnh Bình Dương.
Bình Dương sẽ có chính sách gì để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư?
Năm 2012, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh; đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư. Tỉnh chưa có chủ trương thành lập khu công nghiệp dành riêng cho công nghiệp phụ trợ, mà sẽ thành lập các phân khu dành riêng cho doanh nghiệp ngành này tại các khu công nghiệp hiện hữu.
Vềphía lãnh đạo và các cấp, các ngành của tỉnh luôn quan tâm, theo dõi và giải quyết kịp thời những vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất - kinh doanh và triển khai dự án đầu tư.