Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ dừng ở con số 3,54 tỷ USD, quá thấp so với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của ngành.
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến tháng 9/2016, cả nước đã thu hút được 518 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3,54 tỷ USD.
“Tuy là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng dòng vốn FDI vào ngành nông nghiệp còn tương đối hạn chế so với nhu cầu của ngành”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Hiện FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 2,4% tổng số dự án và 1,2% tổng vốn đầu tư của tất cả các lĩnh vực. Quy mô vốn trung bình của dự án trong ngành nông nghiệp cũng chỉ khoảng 6,7 triệu USD/dự án.
Số liệu thống kê cho thấy, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư nước ngoài (năm 2012 chiếm 0,6%, năm 2013 chiếm 0,8%, năm 2014 chiếm 0,5% và năm 2015 chiếm 1%).
Ngoài ra, phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản còn ít.
”Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI”, Cục Đầu tư nước ngoài bình luận.
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, việc thu hút những doanh nghiệp nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực này sẽ giúp nền nông nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị gia tăng cao; đồng thời sẽ giúp Việt Nam sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, tạo thêm nhiều việc làm và đưa cách thức quản lý tiên tiến ứng dụng vào ngành nông nghiệp...
Thời gian vừa qua, một số các nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc đã rất quan tâm đến các dự án nông nghiệp tại Việt Nam. Về phía Việt Nam, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã chuẩn bị những dự án để hợp tác đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, số dự án mà hai bên có thể tiến tới cùng đầu tư kinh doanh còn chưa nhiều.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới thông qua việc tham gia một loại các FTAs, đặc biệt là TPP, ngành nông nghiệp cũng đón nhận cả những cơ hội và thách thức.
Tham gia Hiệp định TPP sẽ tạo ra cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thị trường các nước thành viên ký kết Hiệp định. Tuy nhiên, để vào được các thị trường này đòi hỏi chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt tại một số thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản thì yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh toàn toàn thực phẩm rất khắt khe.
Ngoài ra, TPP cũng là cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư từ các nước phát triển; từ đó, có thể gia tăng năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam thông qua việc tiếp nhận công nghệ cao và kỹ năng quản lý tiên tiến, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
“Nhưng bên cạnh các cơ hội trên thì gia nhập TPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho nền nông nghiệp vốn nhỏ lẻ của Việt Nam. Cần phải cố gắng khắc phục các yếu kém về kết cấu hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng và năng suất lao động mới có thể tham gia sân chơi lớn này được”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.