Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Bình Dương: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2009
Ngày: 10/2/2009 9:49:56 AM
Chín tháng đầu năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) ước đạt 505.972 tỷ đồng tăng 6,5% so với cùng kỳ (thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch đề ra của cả năm là 16,5%), tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 41,73 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình Dương sản xuất ngành xây dựng theo giá thực tế 9 tháng đầu năm ước đạt 257.461 tỷ đồng tăng 18,5% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12,1%, khu vực ngoài nhà nước tăng 21%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,7%.

I-Công nghiệp: 

1. Tình hình chung:
 
Tháng 9 năm 2009 GTSXCN ước đạt 62.559 tỷ đồng tăng 2,9% so với tháng 8/2009 và tăng 12,5% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,5%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 13,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,9% so với cùng kỳ (trong đó dầu khí tăng 15%, các ngành khác tăng 13,8%). 
  
Tính chung chín tháng đầu năm 2009 GTSXCN ước đạt 505.972 tỷ đồng tăng 6,5% so với cùng kỳ (thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch đề ra của cả năm là 16,5%).
 
Trong đó,
 
+ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 3,1%, chiếm trọng 24% toàn ngành;
+ khu vực ngoài quốc doanh tăng 8,4% chiếm tỷ trọng 35,3% toàn ngành;
+ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7% (trong đó dầu khí tăng 13,1%, các ngành khác tăng 6,1%) chiếm tỷ trọng 40,7% toàn ngành.
 
Tính theo cấp quản lý: công nghiệp trung ương tăng 4,8%, công nghiệp địa phương tăng 6,9%. Phân theo ngành kinh tế cấp I: công nghiệp khai thác tăng 9,8%, công nghiệp chế biến tăng 6,1%, công nghiệp điện, nước, ga tăng 10,3%.
 
Về giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá thực tế 9 tháng đầu năm ước đạt 257.461 tỷ đồng tăng 18,5% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12,1%, khu vực ngoài nhà nước tăng 21%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,7%.
 
Chín tháng đầu năm 2009 các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có tăng trưởng gồm: than sạch tăng 4,2%, dầu thô khai thác tăng 17,6%, khí đốt thiên nhiên tăng 2,1%, dầu thực vật tinh luyện tăng 0,2%, thuốc lá điếu tăng 13,5%, vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 2%, giày dép ủng bằng giả da cho người lớn tăng 16,8%, xà phòng giặt tăng 21,3%, lốp ô tô, máy kéo tăng 1,7%, xi măng tăng 18,3%, gạch xây bằng đất nung tăng 3,7%, thép tròn các loại tăng 18,8%, điều hoà nhiệt độ tăng 48,2%, máy giặt tăng 0,8%, tủ lạnh, tủ đá tăng 30,9%, xe máy tăng 6,2%, điện sản xuất tăng 11,3%, nước máy thương phẩm tăng 9,7% so cùng kỳ năm trước.
 
Các sản phẩm không tăng hoặc giảm so với cùng kỳ có khí hóa lỏng (LPG) đạt 98,2%, thuỷ hải sản chế biến đạt 94,4%, sữa bột đạt 83,2%, đường kính đạt 78,8%, bia đạt 99,3%, vải dệt từ sợi bông đạt 83,7%, quần áo mặc thường cho người lớn đạt 82,9%, giày thể thao đạt 96,6%, giấy, bìa các loại đạt 86,2%, phân hóa học đạt 94,3%, sơn hoá học đạt 99,6%, kính thuỷ tinh đạt 92,9%, gạch lát ceramic đạt 93,3%, bình đun nước nóng đạt 83,4%, tivi đạt 94,6%, ô tô đạt 93,3% trong đó xe tải đạt 96,9%, xe chở khách đạt 90,3% so cùng kỳ.
 
Theo vùng lãnh thổ chín tháng đầu năm 2009 nhiều tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có tăng trưởng khá gồm: Tp. Hà Nội tăng 7,7%; Hải Phòng tăng 6,5%; Hải Dương tăng 1,7%; Quảng Ninh tăng 13,3%; Thanh Hóa tăng 11,3%; Đà Nẵng tăng 4,3%; Khánh Hoà tăng 8,4%; Tp. Hồ Chí Minh tăng 6,4%; Bình Dương tăng 7,9%; Đồng Nai tăng 8,1%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 10,9%; Cần Thơ tăng 9,3%. Một số tỉnh, thành phố giảm so cùng kỳ gồm: Vĩnh Phúc đạt 93,8%; Phú Thọ đạt 99,2% so cùng kỳ.
 
* Một số nhận xét về tình hình sản xuất kinh doanh công nghiệp:
 
Chín tháng đầu năm ngành công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng đi lên với mức tăng GTSXCN đạt 6,5% (ba tháng tăng 2,1%, bốn tháng tăng 3,3%, năm tháng tăng 4%, sáu tháng tăng 4,8%, bảy tháng tăng 5,1%, tám tháng tăng 5,6%) thể hiện việc phục hồi của ngành công nghiệp trước tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Về loại hình kinh tế: khu vực kinh tế nhà nước có mức tăng thấp; trong khi khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng khá so với toàn ngành; phân ngành kinh tế cấp 1, ngành khai khoáng và sản xuất, phân phối điện, nước, gas có tốc độ tăng trưởng khá, trong khi công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn chỉ tăng trưởng ở mức thấp (tuy nhiên mức tăng đã khá so với các tháng trước) do nhu cầu giảm.
 
Về các sản phẩm công nghiệp đáng lưu ý là dầu thô đạt mức tăng cao, các sản phẩm xi măng, thép xây dựng tăng khá để đáp ứng nhu cầu của các công trình xây dựng theo chủ trương kích cầu của Chính phủ. Một số sản phẩm khác như điện sản xuất, giày dép, xà phòng, hàng tiêu dùng (điều hòa, tủ lạnh, tủ đá) cũng đạt mức tăng trưởng thể hiện xu hướng phục hồi của sản xuất và tiêu dùng khu vực dân cư. Phân tích về các chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp cũng cho thấy xu hướng tương tự.
 
Phân tích chỉ số tồn kho các ngành công nghiệp chế biến cho thấy một số ngành có mức tồn kho cao so với ngày 01/8/2009 như: ngành xay xát, sản xuất bột thô tăng 71,4%, sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 14,8%, sản xuất gốm sứ không chịu lửa tăng 28,6%, sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 18,7%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,5%, còn lại hầu hết các mặt hàng công nghiệp chế biến khác có mức tăng tồn kho không cao, hoặc giảm so với tháng trước cho thấy dấu hiệu nhu cầu tiêu thụ đã tăng cao vào thời điểm hiện nay.
 
Về giá cả các mặt hàng công nghiệp: hiện nay giá dầu thô tiếp tục dao động ở mức 60-70 USD/thùng cao so với các tháng đầu năm tạo điều kiện tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng thu ngân sách, tuy nhiên việc giá dầu tăng cao cũng tạo áp lực tăng giá xăng dầu trên thế giới và trong nước (trong tháng 9/2009 xăng A92 tiếp tục điều chỉnh lên 15.700 đ/lít) ảnh hưởng đến việc tăng chi phí vận tải và giá thành các mặt hàng sản xuất trong nước (theo phân tích về cơ cấu giá xăng, dầu trong nước thì các khoản thuế và phí xăng dầu chiếm đến 40% trong giá bán xăng dầu, vì vậy các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại các mức thuế và phí phù hợp hơn để có thể giảm giá xăng dầu trong nước), giá sắt thép và xi măng vẫn giữ ở mức ổn định.
 
2. Tình hình cụ thể một số ngành công nghiệp chủ yếu:
 
- Tháng 9/2009 sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 1,39 triệu tấn tăng 4,3% so với tháng 8/2009 và tăng 21,3% so với cùng kỳ (nguyên nhân tăng trưởng cao do một số mỏ mới đi vào khai thác trong năm 2009 như mỏ 09.2, mỏ 46.2), lũy kế chín tháng đầu năm dầu thô khai thác ước đạt 12,8 triệu tấn tăng 17,6% so với cùng kỳ.
 
- Than đá sản xuất chín tháng đầu năm ước đạt 31,9 triệu tấn tăng 4,2% so với cùng kỳ.
 
- Điện sản xuất chín tháng đầu năm đạt 59,2 tỷ kwh tăng 11,3% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp so với các năm trước (thường ở mức 12-15%) chủ yếu do nhu cầu không tăng nhiều vì ảnh hưởng của việc cắt giảm sản xuất của các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện như: luyện thép, hóa chất, dệt may, cơ khí.
 
- Phân hóa học chín tháng đầu năm sản xuất ước đạt 1,77 triệu tấn giảm 6% so cùng kỳ. 
 
- Thép tròn các loại chín tháng đầu năm sản xuất đạt 3,4 triệu tấn tăng 18,8% so cùng kỳ.
 
- Xi măng sản xuất trong nước tăng khá, chín tháng đầu năm ước đạt 35,8 triệu tấn tăng 18,3% so cùng kỳ.
 
II- Tình hình xuất nhập khẩu tháng 9 năm 2009:
 
1. Xuất khẩu:
 
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 9 năm 2009 đạt 4,68 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng trước; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2,05 tỷ USD. 9 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 41,73 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 16,66 tỷ USD, giảm 6,3%.
 
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: dầu thô ước đạt 10,9 triệu tấn, tăng 8,6% về lượng nhưng giảm 45,6% về kim ngạch; dệt may 6,7 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ; giày dép 2,96 tỷ USD, giảm 13,7%; gỗ và sản phẩm gỗ 1768 triệu USD, giảm 14,1%; linh kiện điện tử 1,65 tỷ USD xấp xỉ cùng kỳ 2008; thuỷ sản 3,0 tỷ USD, giảm 9,5%; gạo 4,98 triệu tấn, tăng khoảng 34% về lượng nhưng giảm 7,7% về kim ngạch; dây điện và cáp điện 564 triệu USD, giảm 26,5%; cao su 490 nghìn tấn, tăng 7% về lượng nhưng giảm 41% về giá trị...
 
Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới, giá bình quân đa số các mặt hàng đều giảm so với 9 tháng đầu năm 2008. Cụ thể: dầu thô giảm 52% (tương đương 456 USD/tấn), than đá giảm 20%, gạo giảm 31%, cà phê giảm 29,7%, cao su giảm 45,7%...
 
Về thị trường xuất khẩu, xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu đều giảm. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Hoa Kỳ với tỷ trọng gần 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2008; thị trường EU chiếm tỷ trọng 16,6% và giảm 13%; thị trường ASEAN chiếm tỷ trọng 16,5% và giảm gần 15%; thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng 10,2% và giảm gần 35%; thị trường Trung Quốc 7,3% và giảm 9,7%.
 
2. Nhập khẩu:           
                                                                                                 
Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 năm 2009 ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 6% so với tháng trước. Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,25 tỷ USD.
 
9 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 48,27 tỷ USD, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 17,7 tỷ USD, giảm 19%.
 
Tình hình nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu 9 tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm ngoái: xăng dầu 9,7 triệu tấn (giảm 4,4% về lượng và giảm 52,5% về kim ngạch), phân bón 3,25 triệu tấn (tăng 213% về lượng và giảm 22,5% về kim ngạch), sắt thép 7,3 triệu tấn (tăng 1,1% về lượng và giảm 35,4% về kim ngạch), ...
 
Hết tháng 9/2009, kim ngạch nhập khẩu từ Châu Á giảm 33% so với cùng kỳ năm 2008, ước đạt 38,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Châu Âu giảm 41,9% đạt 5,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu từ Châu Mỹ giảm 16,9%, ước đạt 4 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam vẫn nhập khẩu chủ yếu từ Châu á với tỷ trọng gần 80%.
 
Nhập siêu tháng 9, khoảng 1,52 tỷ USD. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, tổng nhập siêu lên tới 6,54 tỷ USD, chiếm 15,67% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Có thể thấy trong 9 tháng đầu năm 2009, tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục chịu một số khó khăn sau:
- Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch lớn giảm so với cùng kỳ, do khó khăn về thị trường xuất khẩu: thủy sản giảm 9,5%, giày dép giảm 14,7%...
 
- Gía xuất khẩu bình quân cũng giảm mạnh: dầu thô giảm 52%, than đá giảm 20%, gạo giảm 31%, cà phê giảm 29,7%, cao su giảm 45,7%...
 
- Đối với nhập khẩu, do sản xuất trong nước gặp khó khăn nên lượng nhập khẩu một số mặt hàng giảm: máy móc thiết bị giảm 16,4%, nguyên liệu dệt may giảm 17,2%, xăng dầu các loại giảm 4,4% ...
 
Mặc dù theo một số dự báo, tình hình kinh tế kể từ cuối năm 2009 sẽ sáng sủa hơn, và xuất khẩu có thể đạt mức năm 2008. Tuy nhiên qua thực tế hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2009 cho thấy xuất khẩu sẽ rất khó khăn nhất là tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
 
Căn cứ tình hình thực tế, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt khoảng 56,5 - 57 tỷ USD, giảm 9 - 9,8 % so với năm 2008 và hầu như không có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 3% như Quốc hội đề ra . Tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 67,5 - 68 tỷ USD, giảm 16,3% so với năm 2008.
 
Nhập siêu ở mức 11 tỷ USD, chiếm 19,5% kim ngạch xuất khẩu.
(Nguồn:TTĐT + Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.