Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Thiếu phối hợp, sông Đồng Nai sẽ “chết”
Ngày: 12/31/2009 9:49:03 AM
Hệ thống sông Đồng Nai qua 12 tỉnh thành phải gánh chất thải của hàng trăm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, chất thải sinh hoạt của các khu đô thị... Vì vậy, để bảo vệ được con sông huyết mạch này phải có sự chung tay của các tỉnh thành. Thế nhưng, cho đến nay các địa phương vẫn chưa bắt tay phối hợp để cứu sông Đồng Nai nên hậu quả là sông có thể “chết” trong tương lai.

Sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm do các hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt (ảnh chụp 24-12-2009). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, kết quả quan trắc chất lượng nước tại 20 trạm quan trắc trên sông Đồng Nai, khu vực hạ lưu TPHCM cho thấy nồng độ nhiễm tiếp tục tăng. Trong đó, chỉ tiêu coliform vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,1 đến 27,4 lần; BOD5 tăng từ 1,27 – 1,5 lần; COD tăng 1,03 – 1,31 lần. Ông Trương Khắc Hoành, Phó Tổng giám đốc Nhà máy nước BOO Thủ Đức, lo ngại, các nguồn gây ô nhiễm sông Đồng Nai hiện không được kiểm soát, ngăn chặn được. Và nếu tình hình này tiếp tục tiếp diễn thì chỉ vài năm nữa, việc xử lý nước cấp phục vụ sinh hoạt sẽ rất khó khăn. Hàng triệu người dân sống dọc lưu vực sông Đồng Nai sẽ phải đối mặt với nguy cơ không có nước sử dụng và kinh tế của các tỉnh thành tê liệt là điều khó tránh khỏi.

 

 

Còn về cải thiện chất lượng môi trường toàn lưu vực sông Đồng Nai thì rất cần sự chung tay của lãnh đạo 12 tỉnh thành. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng nhấn mạnh, trên cơ sở chủ nhiệm ban chỉ đạo chương trình đề án bảo vệ sông Đồng Nai (nhiệm kỳ 3 năm), UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá mức độ ô nhiễm sông Sài Gòn từ năm 2000 đến 2008; xác định nguồn gây ô nhiễm để làm cơ sở đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng nước sông Sài Gòn đối với hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, dân cư; phối hợp với Bình Dương thực hiện cải tạo và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm kênh Ba Bò với tổng kinh phí là 208 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách của 2 tỉnh.

Ngoài ra, sở đang xúc tiến thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt; điều tra, thống kê các nguồn thải vào lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố; phân loại nguồn tiếp nhận nước thải các sông rạch; thiết lập hệ thống quan trắc tự động tại nhà máy xử lý nước thải tập trung của 13 khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ; đầu tư trang thiết bị phương tiện lấy mẫu, đo đạc tại hiện trường cho phòng tài nguyên môi trường 24 quận huyện…

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng việc nhập cuộc của các tỉnh thành khác nhằm bảo vệ con sông này còn rất chậm. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai hiện còn chưa thống kê được danh sách các doanh nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn. Ở tỉnh Bình Dương, số khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hoàn tất đầu tư HT XLNTTT còn nhiều. Thậm chí, có doanh nghiệp trong các KCX-KCN vẫn chưa kết nối vào hạ tầng chung của KCX-KCN. Riêng tỉnh Tây Ninh, nhiều doanh nghiệp sản xuất bột mì vẫn tiếp tục đe dọa nguồn nước sông Đồng Nai. Mặc dù từ đầu năm 2009 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã buộc tạm ngưng hoạt động công đoạn phát sinh nước thải của 11 doanh nghiệp gây ô nhiễm nhưng đây chỉ là muối bỏ bể…

Theo GS Lâm Minh Triết, nguyên Chánh văn phòng Chiến lược bảo vệ môi trường TPHCM, để có thể cải thiện được chất lượng nước sông Đồng Nai nhất thiết phải có sự phối hợp liên vùng. Trong đó, các tỉnh thành phải xác định lại vai trò bảo vệ môi trường là thứ chính thay vì là thứ yếu như hiện nay. Các tỉnh thành ngoài việc tự đánh giá mức độ ô nhiễm lưu vực sông tại tỉnh mình, hoàn thiện hơn hạ tầng xử lý chất thải thì cũng cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành khác trong việc tổng hợp và thống nhất biện pháp cải thiện chất lượng nguồn nước, hệ sinh thái liên vùng; xử lý triệt để những doanh nghiệp cố tình xả thải chưa qua xử lý ra sông rạch… Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa thấy bất kỳ động thái nào thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm giữa các tỉnh thành trong việc cùng bảo vệ con sông.

Trong khi TPHCM đang gấp rút hoàn tất di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường buộc các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) gấp rút hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT)… buộc doanh nghiệp trong KCX-KCN thực hiện tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải, đấu nối nước thải vào HTXLNTTT của KCX-KCN; triển khai đề án giám sát chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp; hỗ trợ các bệnh viện xây dựng hệ thống xử lý nước thải… Tuy nhiên, những biện pháp mà thành phố đang làm chỉ có thể ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở lưu vực sông Đồng Nai đoạn chảy qua thành phố.

(Nguồn:Saigon Online)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.