Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

JX Nippon Oil quan tâm tới Lọc hóa dầu Nam Vân Phong
Ngày: 11/19/2014 2:41:42 PM
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và JX Nippon Oil - công ty lớn nhất trong lĩnh vực lọc dầu của Nhật Bản - đang thảo luận về việc nhà đầu tư Nhật Bản này sẽ trở thành đối tác chính tại Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong.

Công ty lọc dầu hàng đầu Nhật Bản JX Nippon Oil muốn trở thành đối tác chính Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong

 Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng ban Lọc hóa dầu của Petrolimex cho biết, đến thời điểm hiện tại, JX Nippon Oil và Petrolimex đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính tích cực trong quá trình đàm phán. Hai bên đang cố gắng kết thúc đàm phán trong năm 2014. 

Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong có quy mô xấp xỉ 5 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm, tổng mức đầu tư ước tính 8 tỷ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và giao Petrolimex lập dự án, lựa chọn đối tác nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm, có cam kết cung cấp nguyên liệu dầu thô dài hạn để cùng đầu tư.

Ông Khánh cũng nhắc tới việc, trước mắt, các đối tác Việt Nam, trong đó có Petrolimex, sẽ tham gia dự án với tỷ lệ không quá 30% vốn đầu tư. Tỷ lệ này có thể tăng lên theo một lộ trình phù hợp mà các bên tham gia dự án thống nhất.

Trước đó, cuối năm 2011, Petrolimex cùng Tập đoàn Dealim (Hàn Quốc) đã ký bản ghi nhớ thực hiện dự án này. Tới tháng 8/2014, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Khánh cho biết, Petrolimex và Dealim đã ký hợp đồng với Công ty tư vấn Nexant (Thái Lan) để thực hiện Dự án nghiên cứu khả thi và đã hoàn thành vào cuối năm 2013, làm cơ sở để đánh giá Dự án. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, có thể JX Nippon Oil mới là đối tác nặng ký nhất.

Trong khi Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong chưa chốt đối tác nước ngoài thì Petrolimex cũng được nhà đầu tư Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội quan tâm. UBND tỉnh Bình Định, trong báo cáo của mình tới Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị giao nhiệm vụ cho Petrolimex tham gia góp vốn, tùy theo khả năng tài chính và thực hiện nhiệm vụ phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước theo đề nghị của nhà đầu tư. Đề nghị này cũng được Bộ Công thương ủng hộ khi báo cáo trình Chính phủ của Bộ này cho rằng, có thể giao Petrolimex làm việc cụ thể với các nhà đầu tư nước ngoài trong Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội.

Bình luận về vấn đề trên, ông Khánh cho biết, Petrolimex đã có hợp tác, hỗ trợ Tập đoàn PTT (Thái Lan) trong nghiên cứu thị trường và hoàn thiện Báo cáo đầu tư chi tiết. Tuy nhiên, đây là một dự án trong tương lai, có tác động rất lớn đến thị trường xăng dầu Việt Nam, nên Petrolimex phải chủ động, cân nhắc và tính toán nhiều phương án khi tham gia lĩnh vực sản xuất, chế biến lọc hóa dầu.

Hiện Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong đã có trong Quy hoạch Phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, trong khi Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội chưa được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch này. Mặt khác, về nguyên tắc, Petrolimex chỉ có thể tham gia đầu tư một dự án lọc hóa dầu tại Việt Nam.

Ngoài ra, “vốn đầu tư của Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội lên tới 22 tỷ USD, chỉ cần đối tác Việt Nam tham gia với tỷ lệ 7,5% thì cũng đã vượt quá giá trị đầu tư trong tiêu chí về dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam trình Quốc hội quyết định chủ trương theo Nghị quyết số 49/2012/QH12 của Quốc hội.

 

“Nếu phải xin ý kiến Quốc hội sẽ tốn nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Còn nếu đối tác Việt Nam tham gia với tỷ lệ thấp hơn thì sẽ không có ý nghĩa nhiều với dự án về các mặt”, ông Khánh nhận xét.

(Nguồn:Bao Dau Tu)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.