Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

VCCI: Doanh nghiệp mới thành lập phải lót tay cao hơn
Ngày: 3/7/2017 11:41:56 PM
Có 34% doanh nghiệp cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức năm 2016, tăng hơn so với tỷ lệ 32% năm 2014, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay, 7-3 tại Hà Nội.

Cuộc khảo sát tiến hành với 3.500 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố, thì có tới 39% số doanh nghiệp cho biết nếu không chi trả chi phí không chính thức, họ sẽ bị phân biệt đối xử.
 
Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nói: “Các doanh nghiệp cho biết có hiện tượng chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế và những doanh nghiệp mới thành lập phải chi trả chi phí không chính thức cao hơn”.
 
“Lý do được đưa ra là doanh nghiệp dù làm đúng nhưng vẫn phải có khoản phí bôi trơn do sợ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh tra, kiểm tra thuế”, ông Tuấn nói.
 
Báo cáo đánh giá Cải cách thủ tục hành chính thuế - Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016 do VCCI và Ngân hàng Thế giới thực hiện cho biết, có đến 53% doanh nghiệp tiếp đoàn thanh tra, kiểm tra thuế trong 1 năm gần đây.
 
Theo ông Tuấn, doanh nghiệp càng lớn càng phải tiếp nhiều hơn các đoàn thanh tra, kiểm tra. Đến 74% doanh nghiệp có quy mô trên 100 tỉ đồng, 68% doanh nghiệp quy mô 50-100 tỉ đồng, 67% ở doanh nghiệp có quy mô 10-50 tỉ đồng cho biết hằng năm phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra.
 
Trong số các cuộc thanh tra, kiểm tra thì chiếm đến 80% là cơ quan thuế, 9% cơ quan khác và 11% cả cơ quan thuế và cơ quan khác.
 
Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng, theo báo cáo, đang rất phiền hà. Có đến 84% doanh nghiệp không thực hiện thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo ông Tuấn, khảo sát đã chỉ ra, có đến 30% doanh nghiệp trong diện được hoàn thuế giá trị gia tăng không thực hiện thủ tục hoàn thuế vì thủ tục quá phức tạp; 20% cho biết thời gian thực hiện thủ tục kéo dài; 17% cho rằng yêu cầu khó đáp ứng.


Những điểm sáng
 
Theo ông Tuấn, tỷ lệ hài lòng của doanh nghiêp qua việc tiếp cận thông tin quy định về thuế và thủ tục hành chính thuế khá cao. Chẳng hạn, truy cập trang thông tin điện tử cơ quan thuế là 93%, tham dự đối thoại do cơ quan thuế tổ chức là 92%.
 
Chất lượng thông tin năm 2016 so với năm 2014 cũng có sự cải thiện rõ rệt. Chẳng hạn như thông tin về thủ tục hành chính thuế sẵn có, dễ tìm thì năm 2016 đạt tỷ lệ 87% so với 79% năm 2014.
 
Tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế đã giảm so với năm 2014. Cụ thể, tỷ lệ này ở doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm từ 57% năm 2014 xuống còn 53% năm 2016; ở doanh nghiệp dân doanh giảm từ 49% xuống còn 41%.
 
Với câu hỏi doanh nghiệp đang gặp phiền hà gì, tỷ lệ doanh nghiệp dành cho mục khai thuế, khai quyết toán thuế là 31%; hoàn thuế là 26%; đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế là 15%; miễn, giảm thuế là 10%.


Nỗ lực của ngành tài chính
 
Có mặt tại buổi công bố báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết sau khi Bộ nỗ lực chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế đã được Ngân hàng Thế giới ghi nhận là 186 giờ/năm. Bộ đang chỉ đạo ngành thuế rà soát 70 quy trình nghiệp vụ và công khai để dân, doanh nghiệp giám sát.
 
“Chúng tôi sẽ yêu cầu ngành thuế hạn chế thanh tra, kiểm tra thuế, không làm phiền doanh nghiệp; quản lý thuế dựa trên đánh giá rủi ro và hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với cán bộ thuế trong quá trình kê khai, nộp thuế”, ông nói.
 
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói, với việc giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế từ 872 giờ xuống còn mức hiện nay, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, là nỗ lực đặc biệt của ngành thuế. “Trước kia chúng ta không hình dung ngành thuế có thể làm được trong thời gian như vậy”.
 
Ông Lộc nói thêm, hai năm gần đây, Bộ Tài chính tiên phong đặt hàng các tổ chức độc lập để đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp với công tác quản lý thuế, hải quan và công khai, trong khi một số bộ ngành khác có làm nhưng chỉ để tham khảo nội bộ, không công khai.
 
Tuy nhiên, ông Lộc nói, cơ quan thuế cần nỗ lực hơn nữa về chất lượng xây dựng pháp luật thuế, tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính thuế vì ngay cả thuế điện tử như đường truyền tắc nghẽn, hệ thống công khai thuế chưa ổn định; và chú ý các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
 
“Hy vọng ngành tài chính tăng tốc cải cách hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vì đây là nơi tạo việc làm nhiều”, ông nói.
(Nguồn:thesaigontimes.vn)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.