Thời gian, sức lực dành cho công việc và thiên chức đã lấy đi sức khỏe, tuổi thanh xuân của lao động nữ. Người lãnh đạo phải hết sức quan tâm, chia sẻ, cảm thông.
Nữ công nhân nhà máy dệt.
Lao động nữ trong độ tuổi nào thì được gọi là lớn tuổi? Điều đó còn tùy thuộc vào từng ngành nghề. Có những nghề mà người lao động nữ mới ngoài ba mươi, đã bị xem là “lớn tuổi”. Song, cũng có những nghề mà phụ nữ ngoài bốn mươi vẫn được xem là “trẻ”! Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn trong phạm vi công nhân (CN) công nghiệp, trực tiếp làm việc trong các nhà máy sản xuất bởi đây là đối tượng đông nhất, đặc thù nhất.
Đối mặt nguy cơ mất việc
Các KCX - KCN TP hiện có hơn 240.000 lao động đang làm việc; trong đó, hơn 70% là lao động nữ. Tỉ lệ này phân bổ không đồng đều. Nhiều doanh nghiệp (DN) ngành may mặc, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử… tỉ lệ nữ chiếm đến 90%. Có một thực tế là, phần lớn CN vẫn còn hạn chế về học vấn, tay nghề, ít được đào tạo; điều kiện làm việc chưa được đảm bảo.
Tình trạng này, có phần do nhiều DN còn sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc sản xuất theo dây chuyền công nghiệp, mỗi CN đảm trách một công đoạn nên thao tác đơn điệu, không đòi hỏi phải có trình độ học vấn, tay nghề cao. Ví dụ, trong ngành sản xuất, lắp ráp điện tử hoặc máy tính thì chỉ những kỹ sư, những nhà nghiên cứu mới đòi hỏi lao động chất xám. Còn ở khâu lắp ráp - như hầu hết các nhà máy tại VN, việc cắm một con chíp, một IC vào vị trí cố định trong máy chỉ là công việc của một lao động phổ thông. Hoặc CN may, nhiều người cả cuộc đời làm thợ chỉ may mỗi cái cổ áo hoặc tay áo! Đối với CN chế biến thủy sản, công việc cũng đơn giản nhưng do đặc thù công việc phải đứng trong môi trường nhiệt độ thấp nên xuất hiện rất nhiều bệnh do tác động của nghề nghiệp như giãn tĩnh mạch, viêm xoang, giảm thị lực,…
Những ngành nghề này, sử dụng nhiều lao động nữ. Giả sử một nữ CN bắt đầu làm việc khi 18 tuổi thì đến năm 35 tuổi, đã “mắt mờ, tay run, chân chùn, gối mỏi”. Một khi sức khỏe suy giảm, năng suất lao động không đảm bảo thì họ sẽ đứng trước 2 nguy cơ: thu nhập sụt giảm do năng suất thấp hoặc bị sa thải. Mà khả năng thứ hai là rất lớn, bởi DN phải tính toán thế nào để đạt lợi nhuận cao nhất với chi phí thấp nhất.
Tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng…
Nhưng như vậy, không có nghĩa là nữ CN lớn tuổi đều có nguy cơ bị mất việc. Họ có ưu điểm là tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tay nghề cao, có thâm niên gắn bó, tinh thần trách nhiệm cao. Còn nhược điểm của họ là sức khỏe kém, nhiều người làm công việc nặng nhọc độc hại như may mặc, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử, CN cao su… nên khi ngoài bốn mươi tuổi, sức khỏe đã suy giảm rất nhiều.
Tuy nhiên, không vì thế mà DN đẩy họ ra đường theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Hiện nay, tại nhiều DN, giải pháp cho nữ CN lớn tuổi đã được tính đến từ rất sớm. Nữ CN được đào tạo nghề dự phòng theo quy định của Bộ Luật Lao động để khi họ không đủ sức đảm đương công việc hiện tại thì có thể chuyển sang những khâu không cần sức trẻ mà cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, kinh nghiệm như làm công tác quản lý, điều hành; huấn luyện cho CN trẻ...
Trước đây hay bây giờ, lao động nữ vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi. Họ vừa phải tham gia vào hoạt động xã hội; vừa phải làm vợ, làm mẹ. Thời gian, sức lực dành cho công việc và thiên chức đã lấy đi sức khỏe, tuổi thanh xuân của họ. Người lãnh đạo phải hết sức quan tâm, chia sẻ, cảm thông. Đành rằng, DN rất cần những người lao động trẻ, khỏe, có trình độ, nhưng ở đời phải có trước, có sau. Phải lấy nhân nghĩa đối đãi với những người lao động đã vắt cạn sức lực cho DN. Làm được điều này, rất có lợi bởi những người lao động trẻ nhìn vào sẽ cảm kích và yên tâm làm việc, cống hiến.
Lao động nữ cũng phải “tự cứu”
Đối với các nữ CN, cần phải hiểu rõ, muốn có một vị trí trong xã hội, phải biết phấn đấu, vươn lên. Ngay từ lúc còn trẻ, phải tích lũy kinh nghiệm, giữ gìn sức khỏe, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để DN thấy rằng, mình xứng đáng được trân trọng, đền đáp. Trong quá trình làm việc, nếu có điều kiện, phải học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Điều đó vừa giúp làm tốt công việc, vừa tạo cho chị em sự tự tin, phấn chấn, tâm lý thoải mái, làm việc hiệu quả hơn. Và trong trường hợp xấu nhất, nếu bị mất việc thì cũng không phải là bi kịch.
Điều đáng mừng là hiện nay, rất nhiều nữ CN ở các KCX- KCN TP vừa làm, vừa học. Không chỉ học để nâng cao chuyên môn, phục vụ công việc trước mắt mà họ còn học các nghề phụ như chụp ảnh, uốn tóc, trang điểm cô dâu… với hi vọng sau khi tích lũy được một số vốn nho nhỏ sẽ trở về quê mở một cửa hiệu nho nhỏ và làm chủ. Đó là ước mơ thật gần gũi và trong tầm tay của nhiều chị em. Và họ sẽ chẳng phải bận tâm, sau này lớn tuổi, mình sẽ sống thế nào!