Năm 2021, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam xấp xỉ 20 tỉ đô la Mỹ, không thay đổi nhiều so với năm 2020. Ảnh: QUỐC HÙNG
Với triển vọng kinh tế thế giới năm 2022 được dự báo tiếp tục tăng trưởng tuy có phần chậm lại so với năm 2021, nỗ lực của Chính phủ, và tầm nhìn địa chiến lược (geostrategic) của các tập đoàn đa quốc gia (MNEs) thì rất lạc quan ở FDI của Việt Nam trong năm 2022.
Những điểm sáng của FDI năm 2021
Trong năm 2021, vốn FDI thực hiện là 19,74 tỉ đô la, từ tổng số vốn đăng ký là 31,15 tỉ đô la. So với năm 2020, số vốn thực hiện chỉ giảm rất nhẹ 1,21% nhưng số vốn đăng ký lại tăng 9,19%. Trong khi đó, số lượng dự án cấp mới dù giảm từ 2.523 dự án xuống còn 1.738 dự án nhưng giá trị đăng ký cấp mới tăng nhẹ từ 14,64 tỉ đô la lên 15,24 tỉ đô la, cho thấy giá trị trung bình của một dự án tăng lên đáng kể trong năm 2021.
FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn luôn dẫn đầu với giá trị đăng ký trong năm 2021 là 18,12 tỉ đô la, tăng trở lại 33,23% sau khi giảm mạnh trong năm 2020 vì dịch Covid-19. Đáng chú ý là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa tiếp tục xu hướng của năm 2020, giá trị đăng ký đạt 5,71 tỉ đô la, hơn hẳn lĩnh vực kinh doanh bất động sản là 2,63 tỉ đô la.
Về nguồn FDI, áp đảo tuyệt đối vẫn đến từ khu vực châu Á với giá trị đăng ký là 26,79 tỉ đô la, tiếp đến là châu Âu với 2,91 tỉ đô la và châu Mỹ là 893 triệu đô la. Trong các nước châu Á, Singapore có năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu, với 10,71 tỉ đô la, vượt xa các nước/vùng lãnh thổ có truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Riêng Mỹ dù tổng giá trị đăng ký năm 2021 chỉ là 739 triệu đô la nhưng tốc độ tăng so với năm 2020 là 105%.
Trong năm 2021, các tỉnh khu vực phía Bắc và phía Nam có giá trị đăng ký FDI khá tương đồng, đều quanh mức 14,5 tỉ đô la. So với năm 2020 thì các tỉnh phía Bắc có mức tăng đáng kể là 36,5% trong khi các tỉnh phía Nam sụt giảm nhẹ. Nổi bật trong các tỉnh phía Bắc năm 2021 là Hải Phòng, từ 1,51 tỉ đô la nhảy vọt lên 5,26 tỉ đô la, Quảng Ninh từ gần như con số 0 lên 1,15 tỉ đô la. Còn ở phía Nam, nổi bật là Long An từ 0,81 tỉ đô la lên 3,84 tỉ đô la.
Tiếp xu hướng chất lẫn lượng
Nghị quyết 50-NQ/TW năm 2019 đã đặt một nền tảng mới cho chiến lược thu hút FDI của Việt Nam, hướng đến các nguồn FDI có chất lượng cao. Vào tháng 6-2020, Việt Nam đã thành lập một nhóm làm việc đặc biệt để thu hút các dự án lớn có công nghệ cao, nhiều yếu tố đổi mới sáng tạo.
Nhiệm vụ chính của nhóm là thiết kế các chính sách mới để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, trong đó có những tập đoàn muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư, các nhà máy sản xuất sau dịch Covid-19. Một số tập đoàn đã chuyển một phần hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam như Apple, Intel, Nike, Qualcomm, Universal Alloy Corp., Asics, Hoya, Kyocera, Nintendo, và Shin-Etsu Chemical.
Gần đây, Việt Nam cùng với Indonesia có tốc độ tăng robot sản xuất hàng năm rất ấn tượng dù chi phí lao động thấp so với một số quốc gia khác. Việt Nam cũng đang trở thành một điểm đến của các MNEs có hàm lượng công nghệ cao, từ việc thành lập văn phòng đại diện, trung tâm nghiên cứu, cho đến nhà máy sản xuất.
Cụ thể đó là việc chuẩn bị hạ tầng và sẵn sàng tham gia của Việt Nam với các MNEs về chuyển đối số, từ công nghệ 5G, các trung tâm dữ liệu, trung tâm điện toán đám mây (cloud), tự động hóa với việc tăng tỷ lệ robot, công nghệ in 3D (Additive manufacturing). Đặc biệt hơn Việt Nam đã rất quan tâm và ủng hộ hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc chuyển đổi số các nhà máy chế biến chế tạo với Internet vạn vật (Internet of Things – IoT) trong công nghiệp (Industrial Internet of Things – IIoT), nhà máy thông minh (smart factories).
Thị trường IoT của Việt Nam được dự báo từ 1 tỉ đô năm 2018 sẽ tăng lên 3 tỉ đô la vào năm 2024. Hiện nay, đã có nhiều tên tuổi quốc tế lớn có mặt ở Việt Nam như ABB, Bosch, Samsung Electronics, Autodesk, Fujitsu, KDDI, Mazak, Yaskawa, Yukogawa, và Oracle.
Còn về nhà máy thông minh, một số nhà đầu tư nước ngoài đã triển khai ở Việt Nam như ABB, Nestle, Piaggio, Henkel, Honda, GE, Samsung, Daikin, và Fujikura. Tuy vậy, tiềm năng vẫn là rất lớn để Việt Nam cạnh tranh trong việc thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ về công nghệ sản xuất bán dẫn và công nghệ sinh học, cũng như các tập đoàn của Nhật Bản, châu Âu trong lĩnh vực phụ tùng ô tô công nghệ cao, phần cứng IA, phụ tùng phụ kiện thiết bị điện tử, máy móc công nghệ có độ chính xác cao.
Năm 2022 là năm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, và nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng của Việt Nam tiếp tục thực hiện các lộ trình đã cam kết, độ mở kinh tế Việt Nam ngày càng lớn với thế giới. Các chính sách ưu đãi về thuế quan sẽ càng thúc đẩy các tập đoàn quốc tế lớn dịch chuyển về khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.
Bởi vì không chỉ là chi phí sản xuất, các yếu tố về địa chính trị, thiết lập chuỗi cung ứng có sức chống chịu lại với những rủi ro như Covid-19 là điều mà các MNEs rất quan tâm trong việc sắp xếp lại địa điểm đặt các nhà máy, trung tâm nghiên cứu của mình. Ngoài ra, các vấn đề về môi trường, điều kiện làm việc của người lao động cũng là những mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn và chất lượng cao.
Việt Nam sẽ phải tiếp tục cuộc đua thu hút FDI chất lượng cao với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, và Singapore. Mục tiêu sắp đến trong thu hút FDI có hàm lượng công nghệ cao nên là vị trí thứ 2 trong khu vực sau Singapore. Muốn vậy, cần tiếp tục hoàn tiện hạ tầng về công nghệ, đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao, và đạt các chuẩn mực cao về lao động và môi trường.