Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng về các dự án Nhiệt điện Long An 1, Long An 2, Tân Phước 1 và Tân Phước 2 chuyển đổi sử dụng than nhập khẩu sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Đồng thời, với kiến nghị điều chỉnh công nghệ, công suất của chủ đầu tư, Bộ Công Thương dự kiến sẽ đưa các dự án này vào Quy hoạch điện VIII sắp tới.
Báo cáo Thủ tướng về chính sách phát triển ‘nguồn điện độc lập’ ở Việt Nam
Cụ thể, dự án Nhà máy Nhiệt điện Tân Phước 1 và 2, sử dụng nhiên liệu than được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, ngày 22 tháng 6 năm 2020, EVN đã báo cáo Thường trực Chính phủ về việc lựa chọn nhiên liệu, điều chỉnh quy mô, thời điểm phát điện các nhà máy điện Tân Phước 1 và 2.
Theo đó, chủ đầu tư đề xuất Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận phương án sử dụng nhiên liệu LNG và quy hoạch địa điểm xây dựng cho Trung tâm Điện lực Tân Phước; đồng thời điều chỉnh quy mô, tiến độ đưa vào vận hành các nhà máy này vào giai đoạn 2025 - 2027 để bổ sung nguồn điện cho khu vực phụ tải phía Nam.
Về chi tiết phương án sử dụng nhiên liệu LNG, các điều kiện để triển khai dự án đáp ứng tiến độ, đảm bảo hiệu quả sẽ được EVN nghiên cứu và đề xuất trong các giai đoạn tiếp theo để trình các cấp thẩm quyền xem xét.
Ngày 5/7/2020, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án Nhiệt điện Tân Phước 1 và Tân Phước 2 (tỉnh Tiền Giang). Tiếp đó, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan xin ý kiến đối với đề xuất của EVN về chuyển đổi nhiên liệu (từ nhiên liệu than sang nhiên liệu khí LNG), điều chỉnh quy mô, thời điểm phát điện của các dự án này.
Được biết, hiện Bộ Công Thương đang tổng hợp ý kiến để thẩm định, xem xét tính toán trong Quy hoạch điện VIII.
Trước đó, theo Điều chỉnh Quy hoạch điện VII, Trung tâm Điện lực Long An (tỉnh Long An) sẽ được xây dựng tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước trên tổng diện tích hơn 360 hecta. Quy mô 2 nhà máy Long An 1 và 2 có tổng công suất khoảng 2.800 MW, sử dụng công nghệ đốt than trên siêu tới hạn - USC. Tuy nhiên, dự án này đã vấp phải nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Còn với Trung tâm Điện lực Tân Phước - đây là dự án nguồn điện quan trọng trong Điều chỉnh Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam. Trung tâm này được xây dựng tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, nằm trên bờ phải sông Soài Rạp, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 52 km về phía Tây - Nam.
Để đảm bảo dự án này phát huy hiệu quả, nhà thầu Tư vấn PECC2 được giao nhiệm vụ đề xuất phương án nhiên liệu tối ưu cho Trung tâm Điện lực Tân Phước trên cơ sở phân tích, đánh giá và so sánh 2 loại nhiên liệu than và LNG (về các vấn đề kinh tế - kỹ thuật, môi trường, an ninh năng lượng, khả năng cung cấp nhiên liệu, giá thành sản xuất điện, tác động đến giá điện của hệ thống, tiến độ xây dựng, nhu cầu sử dụng đất của Trung tâm, bố trí luồng cấp nhiên liệu…).
Theo đơn vị tư vấn, trường hợp phương án sử dụng nhiên liệu LNG được lựa chọn, Trung tâm Điện lực Tân Phước sẽ có 4 nhà máy, mỗi nhà máy có công suất là 1.000 MW sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu, cùng với hệ thống kho chứa và cảng nhập khẩu.