Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Khái quát về sự phát triển các khu kinh tế tự do trên thế giới và một số kiến nghị đối với Việt Nam
Ngày: 7/12/2021 10:12:39 AM
Các khu kinh tế ven biển gồm nhiều loại như: khu chế xuất, cảng tự do, khu bảo thuế, khu thương mại tự do, đặc khu kinh tế, đô thị quốc tế. Việt Nam có những tiềm năng to lớn để phát triển các khu kinh tế tự do ven biển, kinh nghiệm phát triển các loại hình khu kinh tế tự do trên thế giới sẽ là những bài học quý giá để Việt Nam tham khảo và áp dụng. Bài viết sử dụng thuật ngữ ’khu kinh tế tự do’ để gọi chung cho tất cả các khu đó. Trên cơ sở phân tích tình hình phát triển của các khu kinh tế tự do trên thế giới, từ đó rút ra một số kiến nghị đối với Việt Nam.

 Tình hình phát triển các khu kinh tế tự do trên thế giới

Theo thống kê của tổ chức kinh tế thương mại lớn nhất thuộc hệ thống Liên hợp quốc (UNCTAD), đến năm 2019 trên thế giới có 5.383 khu kinh tế tự do tại 147 nước được phân chia như sau:

Các nước phát triển có 374 khu, chiếm 6,9% tổng số các khu kinh tế tự do; châu Âu có 105 khu, chiếm 2,0%; Bắc Mỹ có 262 khu, chiếm 4,9%.

Các nước đang phát triển có 4.772 khu, chiếm 88,3%; châu Á: có 4.046 khu, chiếm 74%; châu Phi có 237 khu, chiếm 4,3%; châu Mỹ Latinh và Carbê có 486 khu, chiếm 9%.

Các nền kinh tế chuyển đổi có 237 khu, chiếm 4,3%; các nước kém phát triển nhất có 173 khu, chiếm 3,2%; các nước đang phát triển không giáp biển có 146 khu, chiếm 2,7%; các quốc đảo nhỏ đang phát triển có 33 khu, chiếm 6%.

Quan sát lịch sử phát triển của khu kinh tế tự do thế giới cho thấy, trước Chiến tranh thế giới lần II, sự phát triển khu kinh tế tự do trên thế giới chậm chạp, số lượng không nhiều, chủ yếu tập trung ở những nước phát triển, loại hình và chức năng của nó cũng rất đơn giản, chỉ tập trung vào bảo quản, đóng gói và vận chuyển thành phẩm. Sau Chiến tranh thế giới lần II, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế và khoa học kỹ thuật, hoạt động kinh tế quốc tế ngày càng mạnh, khu kinh tế tự do trên thế giới phát triển nhanh chóng. Đặc biệt là những nước đang phát triển, một mặt thực hiện bảo hộ ngành công nghiệp dân tộc, thực hiện chính sách bảo hộ thương mại, mặt khác lại mở rộng xuất khẩu, phát triển kinh tế. Để thúc đẩy xuất khẩu, một là cần thực hiện chính sách thuế quan và các thể chế kinh tế hành chính khác biệt, hai là cần có cơ sở hạ tầng tốt, nhưng hầu hết các nước đang phát triển đều không thể cùng lúc thực hiện hai điều này trong phạm vi cả nước. Do vậy, các nước đang phát triển học tập cách làm và mô hình của các nước phát triển, hình thành các loại khu kinh tế tự do khác nhau ở những khu vực cảng khẩu và giao thông phát triển, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Với sự góp mặt của các nước đang phát triển, khiến cho khu kinh tế tự do trên thế giới phát triển mạnh mẽ hơn.

Các loại hình khu kinh tế tự do trên thế giới hiện rất đa dạng, nhưng có thể có những dạng chính, như: Các khu kinh tế tự do chuyên ngành, chuyên về thương mại; chuyên gia công, chế biến xuất khẩu; chuyên về du lịch; chuyên về tài chính, khoa học - kỹ thuật...; Các khu kinh tế tự do tổng hợp đa ngành đa lĩnh vực; Các đô thị quốc tế.

Phát triển khu kinh tế tự do mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế đất nước; góp phần tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại của quốc gia; đóng vai trò làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác và cả nước; có vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội.

Khu kinh tế tự do đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc rút ngắn thời gian và chi phí để xâm nhập vào thị trường thế giới, nhất là những thị trường có dung lượng lớn. Nguyên nhân chính là do hệ thống các chính sách ưu đãi đặc biệt về kinh tế được áp dụng trong đặc khu kinh tế. Những chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đổ vốn vào đặc khu, đồng thời cũng tạo môi trường thông thoáng cho hàng hóa từ đặc khu ra nước ngoài. Những hàng hóa của đặc khu được khuyến khích xuất khẩu bằng cách không phải nộp thuế xuất khẩu, hoặc nếu có thì chỉ là một vài sắc thuế rất thấp. Bên cạnh đó là chi phí thuê nhân công thấp, chi phí về nguyên vật liệu tại chỗ rẻ… Tất cả những thuận lợi này đã giúp cho hàng xuất khẩu của khu kinh tế tự do hạ được chi phí sản xuất và xuất khẩu, giảm giá thành và giá bán hàng hóa, tạo ra khả năng cạnh tranh cao, từ đó dễ dàng xâm nhập thị trường thế giới.

Hiện nay, nhiều nước phát triển mô hình kinh tế tự do, như: 1) Mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc, gồm: các đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Chu Hải và Sán Đầu của tỉnh Quảng Đông và Hạ Môn của tỉnh Phúc Kiến lần lượt được thành lập và nhanh chóng trở thành chiếc cầu nối những luồng tư bản khổng lồ từ các nước công nghiệp mới với một thị trường lao động và tiêu thụ hàng hóa 1,2 tỷ người. Các đặc khu kinh tế đóng góp từ 50% tới 80-90% tăng trưởng GDP tại một số khu vực; nâng cao chất lượng công nghệ tại nhiều địa phương; 2) Ở châu Âu và Bắc Mỹ, số lượng các khu kinh tế tự do hầu như không thay đổi từ khi Liên minh châu Âu và khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ được thành lập, vì không gian kinh tế tự do trong hai khu vực này đã mở rộng, hàng rào thuế quan và phi thuế quan đã được dỡ bỏ, hai khu vực này đã thực sự trở thành một thị trường chung. Trong thời gian tới các khu kinh tế tự do ở Bắc Mỹ và châu Âu sẽ không tăng về số lượng. Tuy nhiên, khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, rời khỏi một thị trường chung, nước Anh đã lập tức quyết định xây dựng mới 10 cảng khẩu tự do để mở cửa nền kinh tế thay cho vị thế thành viên Liên minh châu Âu đã có; 3) Các nước ven biển Đông Nam Á cũng đã xây dựng các khu kinh tế tự do, nhưng thành công nhất là Singapore. Về thực chất cả nước Singapore đã là một đô thị quốc tế và tự do với trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới, hệ thống cảng biển tự do hiện đại. Các quốc gia khác như Indonexia, Philipin, Malaixia … cũng đã xây dựng các khu kinh tế tự do, nhưng tỷ lệ thành công thấp.

Những đặc trưng chủ yếu của các khu kinh tế tự do

Khuyến khích thuế của khu kinh tế tự do

Chính sách khuyến khích đầu tư và giảm thuế mà các khu kinh tế tự do thực hiện đã thể hiện chức năng của chính sách thuế hiện đại. Tuy nhiên, giữa các nước, hay trong những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau của một nước, việc khuyến khích đầu tư và giảm thuế là không giống nhau. Đối với các loại hình khu kinh tế tự do các chính sách khuyến khích đầu tư và giảm thuế cũng có những khác biệt, thông thường khu vườn khoa học công nghệ được ưu đãi nhiều hơn khu gia công xuất khẩu.

Hiện nay, các nước đang phát triển đang cạnh tranh rất gay gắt nhằm thu hút nguồn vốn và kỹ thuật, ra sức áp dụng các biện pháp nới lỏng khuyến khích đầu tư và giảm thuế. Xu thế này không những chỉ diễn ra giữa các nước với nhau, mà còn giữa các doanh nghiệp hoặc khu vực khác nhau trong một nước. Chính vì vậy, thu hút và tận dụng sự đầu tư và kỹ thuật của nước ngoài các nước đang phát triển có nhiều ưu đãi đối với nguồn vốn và thương nhân nước ngoài, điều này có thể lý giải được và là điều cần làm. Tuy nhiên, nếu ưu đãi và tự do quá mức, thì những biện pháp này sẽ không có lợi cho việc tăng nguồn thu từ thuế cho các nước đang phát triển, không có lợi cho việc cải thiện tình hình - thu chi quốc tế. Hiện nay, có một số nước và khu vực do việc cải thiện môi trường kinh tế tổng thể, đang dần giảm bớt các chính sách ưu đãi khuyến khích đối với khu kinh tế tự do. Đặc biệt là việc miễn giảm thuế ở các khu gia công xuất khẩu, trên thực tế là sự trợ cấp xuất khẩu biến tướng, rất dễ gây ra hiện tượng chống bán phá giá của một số nước thương mại chủ yếu, do vậy, có một số khu gia công xuất khẩu đứng trước những khó khăn do việc xóa bỏ những ưu đãi xuất khẩu gây ra.

Về chính sách đất đai và cổ phần

Nhiều nước trên thế giới đều đưa ra những pháp lệnh liên quan đến việc sử dụng đất đai ở khu kinh tế tự do, có những quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng đất, nhưng biện pháp cụ thể lại không hoàn toàn giống nhau. Về cơ bản có mấy biện pháp sau: 1) Không cho phép doanh nhân nước ngoài sở hữu đất đai; 2) Doanh nhân nước ngoài có thể sở hữu đất đai; 3) Doanh nhân nước ngoài có thể sở hữu đất đai, nhưng nhất định phải có hạn mức số lượng cụ thể: 4) Doanh nhân nước ngoài có thể có đất đai ở những vùng khai phát hẻo lánh, không được mua đất ở thủ đô hoặc xung quanh thành phố lớn để xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, biện pháp giống nhau là các nước đều cho phép thuê đất đai.

Quyền nắm giữ cổ phần trong các doanh nghiệp nước ngoài tại khu kinh tế tự do là vấn đề có những ý kiến khác nhau. Thông thường các nước đang phát triển đều có quy định hạn chế tỷ lệ cổ phần của các công ty xuyên quốc gia và thương nhân nước ngoài đầu tư vào khu kinh tế tự do của nước mình, nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước. Tuy nhiên nhận thức và cách xử lý vấn đề này còn rất nhiều điểm khác nhau.

Việc lưu thông tiền tệ của khu kinh tế tự do

Tiền tệ liên quan đến vấn đề ổn định chủ quyền và ngoại hối của một nước. Trong khu kinh tế tự do thì dùng loại tiền nào? Tiền tệ trong và ngoài khu kinh tế tự do giống nhau, hay có gì khác biệt? Có một số nhà kinh tế chủ trương, khu kinh tế tự do có thể sử dụng đồng tiền của nước sở tại, hơn nữa, tiền lưu thông trong ngoài khu kinh tế cần thống nhất. Trong khu kinh tế có thể đổi tiền của nước sở tại ra tiền đô la (USD), nhưng đối với tiền mà người dân sở tại mang theo khi vào khu kinh tế thì phải thực hiện trình báo giống như khi ra nước ngoài để tránh hiện tượng bên ngoài khu kinh tế không thể trao đổi ngoại hối lại chuyển vào khu kinh tế để trao đổi. Nếu đồng tiền của nước sở tại và ngoại hối nước ngoài chênh lệch giá quá lớn, thì có thể trực tiếp sử dụng USD. Nhưng tỷ giá hối đoái tự do cần được hạn chế hợp lý, kim ngạch ngoại hối xuất ra không được cao hơn kim ngạch ngoại hối nhập vào, để không ảnh hưởng đến sự cân bằng xuất nhập ngoại hối. Nhưng làm như vậy cần một điều kiện tiền đề, tức là không thành lập trung tâm tài chính quốc tế, nếu đã thành lập trung tâm tài chính quốc tế thì sẽ không thể hạn chế được nữa.

Chính sách tiêu thụ tại chỗ sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc khu kinh tế tự do và vấn đề nội địa hóa

Về chính sách tiêu thụ tại chỗ sản phẩm của các doanh nghiệp

Việc tiêu thụ tại chỗ sản phẩm liên quan đến việc bảo hộ ngành công nghiệp của nước sở tại. Vấn đề bảo hộ công nghiệp và bảo hộ như thế nào ở các nước đang phát triển vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau: có ý kiến cho rằng, áp dụng chính sách bảo hộ công nghiệp quá độ, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lên tầng cao hơn của ngành công nghiệp nước đó. Ý kiến khác lại cho rằng, trong quá trình quá độ công nghiệp hóa, các nước đang phát triển áp dụng biện pháp bảo hộ là điều cần thiết, nhưng không nên áp dụng hình thức bảo hộ “ở trạng thái tĩnh” trong thời gian dài, mà nên áp dụng bảo hộ “trạng thái động”. Đồng thời, thời điểm áp dụng bảo hộ cũng phải hợp lý và phải quy định thời hạn bảo hộ, trong thời gian bảo hộ cần hạ thấp dần mức độ bảo hộ, để các doanh nghiệp trong nước không nảy sinh tâm lý ỷ lại dựa dẫm. Cũng có ý kiến cho rằng, cần tính toán tổng thể các biện pháp bảo hộ, bảo hộ phù hợp với sự phát triển kinh tế mới là sự bảo hộ có tính khả thi. Kết quả phát triển của ngành công nghiệp nhập khẩu thay thế không nhất định là việc giảm mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu, có lúc lại là tăng thêm mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu. Sự tranh luận về vấn đề bảo hộ công nghiệp, được phản ánh cụ thể ở vấn đề tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay rất nhiều nước đang phát triển đã áp dụng chính sách tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu linh hoạt đối với các sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Về vấn đề này, cách giải quyết của các nước cũng có rất nhiều khác biệt, tỷ lệ tiêu thụ tại chỗ nhỏ, tỷ lệ xuất khẩu lớn, thông thường ảnh hưởng đến ý muốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, sẽ làm tổn hại đến sự phát triển của ngành công nghiệp dân tộc của nước chủ nhà. Do vậy, quy định thế nào về tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu, vừa là vấn đề thực tiễn lại vừa mang tính lý luận; đồng thời, đưa ra tỷ lệ tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu đối với hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là một vấn đề phức tạp, do vậy cần phải có căn cứ luật pháp.

Về vấn đề nội địa hóa các sản phẩm của doanh nghiệp

Trình độ nội địa hóa các sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn gọi là tỷ lệ sản phẩm tự chế. Cũng giống như tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại chỗ và xuất khẩu, tỷ lệ sản phẩm tự chế vừa liên quan đến lợi ích trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, vừa liên quan đến vấn đề bảo hộ ngành nghề của nước chủ nhà. Do vậy, khi tận dụng nguồn vốn và kỹ thuật nước ngoài cần phải tính toán và giải quyết thỏa đáng các vấn đề này.

Tỷ lệ sản phẩm tự chế thông thường để chỉ các sản phẩm do doanh nghiệp nước ngoài thiết kế và sản xuất, trong đó sẽ thay một số nguyên vật liệu cần thiết hoặc một số linh kiện nào đó được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, có hai cách nghĩ khác nhau về tỷ lệ sản phẩm tự chế: thứ nhất, tỷ lệ sản phẩm tự chế thuộc phạm vi bảo hộ công nghiệp, do vậy, không cần thực hiện chế độ tỷ lệ sản phẩm tự chế. Thứ hai, tỷ lệ sản phẩm tự chế là công cụ tốt để các nước đang phát triển xây dựng cơ sở phát triển công nghiệp, nên rất cần sử dụng công cụ này. Hai cách nghĩ này đều có lý cả. Vì trong quá trình thực hiện quá độ công nghiệp hóa, các nước đang phát triển cần nhập khẩu một lượng lớn thiết bị cơ khí, nguyên liệu, năng lượng, thậm chí cả lương thực; do vậy, nguồn chi ngoại hối là rất lớn, trong khi đó, các sản phẩm tiêu dùng lâu bền cũng phụ thuộc vào nhập khẩu, điều này càng làm gia tăng hơn nữa sự mất cân đối thu chi ngoại hối của nhà nước. Vì vậy, thông thường các nước đang phát triển đều áp dụng chế độ quản lý nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng, nhưng để không làm ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, thay thế một số linh kiện nhập khẩu bằng linh kiện cùng loại sản xuất trong nước để tạo ra thành phẩm, nhằm giảm bớt áp lực chi tiêu ngoại hối. Do vậy có thể thấy, tiết kiệm ngoại hối là mục đích đầu tiên quy định tỷ lệ sản phẩm tự chế của các nước đang phát triển.

Do các linh kiện sản xuất và cung cấp từ các nước đang phát triển, đều phải phù hợp với yêu cầu và tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật của các doanh nghiệp nước ngoài, cho nên linh kiện phụ kiện từ thiết kế, chế tạo mẫu đến kỹ thuật gia công... thường đều phải do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cử cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đến chỉ đạo cụ thể, từ đó có lợi cho việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật chế tạo công nghiệp của các nước đang phát triển. Đặc biệt là loại sản phẩm tập trung hàm lượng kỹ thuật cao do hàng ngàn linh kiện nhỏ tạo thành, ví dụ chế tạo xe hơi sẽ liên quan đến rất nhiều ngành công nghiệp, bao gồm điện tử, gia công cơ khí tinh xảo, nguyên vật liệu cao cấp, cao su, vật liệu nhựa, dầu thô... Do vậy, quy định tỷ lệ sản phẩm tự chế sẽ tạo ra hiệu quả mang tính liên hoàn, thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp cùng phát triển, tăng cơ hội việc làm.

Tỷ lệ sản phẩm tự chế vẫn được coi là một biện pháp mang tính bảo hộ. Do vậy, một số nước đang phát triển coi tỷ lệ sản phẩm tự chế là kế thích nghi tạm thời trong thời kỳ quá độ công nghiệp hóa. Điều đặc biệt cần được chú ý là, do những sai lầm trong cách tính toán và tỷ lệ quy định của sản phẩm tự chế, nên thường tạo thành sự lãng phí trong đầu tư của các nước đang phát triển, người chịu thiệt thòi là người tiêu dùng, đồng thời khiến chất lượng sản phẩm khó đạt đến trình độ tiên tiến quốc tế. Do vậy quy định tỷ lệ tự chế ra sao đã trở thành một vấn đề hiện thực quan trọng. Hiện nay, trên thế giới có 5 cách tính toán tỷ lệ tự chế. 1) Biện pháp trọng lượng; 2) Phương pháp tính điểm; 3) Phương pháp so sánh giá thành; 4) Phương pháp chỉ định hạng mục; 5) Phương pháp tổng hợp.

Những sản phẩm hướng ra thị trường quốc tế được sản xuất trong khu kinh tế tự do, đều gồm các linh kiện do các doanh nghiệp trong khu kinh tế cung cấp. Nhưng thông thường, tỷ lệ sản phẩm tự chế trong khu kinh tế tự do đều thấp hơn tỷ lệ sản phẩm tự chế bên ngoài. Không chỉ các nước đang phát triển coi trọng trình độ tỷ lệ sản phẩm tự chế, mà các nước phát triển phương Tây cũng đều thực hiện chế độ này.

Về hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế linh hoạt của khu kinh tế tự do

Kho bảo hộ thuế đã hình thành hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế. Việc xây dựng hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại chuyển khẩu và thương mại tam giác, mở rộng hoạt động kinh tế thương mại. Khảo sát từ góc độ xây dựng khu kinh tế tự do trên thế giới, có những cảng tự do và khu mậu dịch tự do chính là những kho bảo hộ thuế phát triển dần lên. Do hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế có thể thu được rất nhiều lợi ích kinh tế, do vậy nhiều nước trên thế giới đã xây dựng nhiều kho bảo hộ thuế và nhà xưởng bảo hộ thuế.

Ba bộ phận tạo thành hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế, có điểm chung là cung cấp hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế, và các dịch vụ kèm theo, nhưng phạm vi nghiệp vụ kinh doanh không hoàn toàn giống nhau. Kho bảo hộ thuế dành cho các sản phẩm nước ngoài không cần làm thủ tục hải quan sẽ được đưa vào lưu trữ ở kho này. Trong thời gian lưu trữ theo quy định, không phải nộp thuế, khi trung chuyển ra khỏi kho và xuất khẩu lại cũng được miễn thuế. Nhưng hàng hóa trong kho khi đưa vào khu quản lý hải quan sẽ phải nộp thuế theo quy định.

Phân tích chức năng cụ thể của kho bảo hộ thuế, có thể chia làm 3 loại: 1) Kho bảo hộ thuế tổng hợp, lưu trữ nhiều loại nguyên liệu, sản phẩm trung gian và thành phẩm; 2) Kho bảo hộ thuế đơn nhất, chỉ lưu trữ một loại sản phẩm; 3) Kho bảo hộ thuế theo mô hình quá cảnh, thông thường là kho bảo hộ thuế được xây dựng tại những nước ven biển có đường giao thông quốc tế thuận tiện, cung cấp các dịch vụ thuận tiện như xuất nhập khẩu, kho bãi, vận tải hàng hóa cho các nước nội địa láng giềng nhằm thu ngoại tệ.

Nhà máy bảo hộ thuế lại có đặc tính chức năng của doanh nghiệp khu gia công xuất khẩu, tức là nhập khẩu thiết bị cơ khí, nguyên vật liệu, sản phẩm trung gian và xuất khẩu thành phẩm sau khi các sản phẩm này được gia công hoặc sản xuất, đều được ưu đãi về thuế quan. Điều khác biệt là nhà máy bảo hộ thuế quan khá phân tán, không nhất thiết phải tập trung ở khu vực nhất định giống như các doanh nghiệp trong khu gia công xuất khẩu.

So với kho bảo hộ thuế, nhà máy bảo hộ thuế thì khu bảo hộ thuế chiếm diện tích lớn hơn, phạm vi nghiệp vụ kinh doanh rộng hơn, trong khu vừa có thể bảo quản, kho bãi vừa có thể gia công sản xuất. Về vai trò chức năng và nghiệp vụ kinh doanh thì khu bảo hộ thuế là thể dung hòa giữa kho bảo hộ thuế và nhà máy bảo hộ thuế, có thể coi là “khu gia công xuất khẩu theo mô hình nhỏ”. Trong khu kinh tế tự do thế giới, những khu kinh tế tự do được gọi là khu bảo hộ thuế thực sự không nhiều. Nghiệp vụ bảo hộ thuế mặc dù nói là tồn tại cùng với sự xuất hiện của cảng tự do, nhưng cho đến nay, số lượng kho bảo hộ thuế, nhà máy bảo hộ thuế và khu bảo hộ thuế đã vượt quá xa cảng tự do, khu mậu dịch tự do và khu gia công xuất khẩu. Lợi ích kinh tế của hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế không giống nhau. Có cái hiệu quả cao, có cái hiệu quả không tốt lắm. Do vậy, làm thế nào để xây dựng hệ thống nghiệp vụ bảo hộ thuế linh hoạt đã trở thành điểm đáng chú ý của các nước.

Về vấn đề giá thành xã hội đối với ô nhiễm môi trường khu kinh tế tự do

Rất nhiều khu kinh tế tự do của các nước đang phát triển, đặc biệt là khu gia công xuất khẩu, tập trung nhiều ngành công nghiệp gây ô nhiễm lớn. Việc sản xuất của những ngành công nghiệp này mặc dù đem lại lợi nhuận và việc làm, nhưng cũng không thể tránh khỏi cái giá phải trả như gây ra ô nhiễm… Các doanh nghiệp luôn chạy theo lợi nhuận, đã không nhìn thấy những cái giá phải trả, ngược lại còn lao vào hoạt động kinh doanh sản xuất gây ô nhiễm. Do vậy, nhà nước cần vận dụng lý luận “giá thành xã hội”, dùng các phương thức xử phạt... tăng giá thành sản xuất của những doanh nghiệp chỉ lao vào sản xuất mà không quan tâm đến bảo vệ môi trường để hạn chế mức độ ô nhiễm.

Các khu kinh tế ven biển Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

Việt Nam có lợi thế về biển với 3.260 km bờ biển, 50 cảng biển, trong đó có những cảng biển nước sâu hàng đầu thế giới như Cam Ranh, Văn Phong…, những cảng biển nước sâu hầu như rải khắp từ Bắc chí Nam như: Chùa Vẽ, Đình Vũ, Cái Lân, Cẩm Phả, Lạch Huyện (miền Bắc), Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng, Chân Mây, Tiên Sa, Dung Quất, Kỳ Hà, Quy Nhơn, Nha Trang, Ba Ngòi (miền Trung), Cảng Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải, Tân Cảng, Cái Mép, Cái Cui, Cần Thơ, Trà Nóc (miền Nam)…

Năm 1997 tại hội nghị Trung ương 4 (khóa VIII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “Nghiên cứu xây dựng thí điểm một vài đặc khu kinh tế, khu mậu dịch tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện”. Nhưng phải đến năm 2002 mới có quyết định xây dựng “Khu kinh tế mở Chu Lai” thuộc tỉnh Quảng Nam. Tất cả các khu kinh tế ven biển được thành lập sau đó đều gọi là khu kinh tế, theo quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 26/9/2008, Chính phủ đã quyết định xây dựng 18 khu kinh tế ở: Vân Đồn (Quảng Ninh), Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên, Văn Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Định An (Trà Vinh), Năm Căn (Cà Mau), 3 khu kinh tế được bổ sung sau: Thái Bình, Ninh Cơ (Nam Định), Đông Nam (Quảng Trị). 18 khu kinh tế này có tổng diện tích là 7.306 km2, trong đó có 15 khu đã được xây dựng có cơ sở hạ tầng với số vốn 11.361 tỷ đồng do Trung ương hỗ trợ.

Trong 15 khu kinh tế đã được xây dựng, khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) là khu kinh tế được xây dựng thí điểm đầu tiên và đã đạt được một số kết quả sau 15 năm xây dựng. Khu kinh tế Chu Lai đã thu hút nhiều dự án, trong đó có 43 dự án FDI với số vốn đăng ký là 1,5 tỷ USD, 115 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam với số vốn đăng ký là 66,7 ngàn tỷ đồng, trong đó có 111 dự án đã đi vào hoạt động. Khu kinh tế Chu Lai đã xây dựng 4 khu công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy là hơn 80%, thu hút 22 dự án đầu tư phát triển du lịch và đã có 7 dự án hoạt động. Công ty cổ phần ôtô Trường Hải đã xây dựng khu phức hợp ôtô đa dụng, chuyên về công nghiệp ôtô… Các khu kinh tế thành lập sau đó đã đi vào hoạt động với các định hướng phát triển khác nhau tùy theo các điều kiện cụ thể. Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) phát triển theo hướng công nghiệp và dịch vụ logistic; khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và Nhơn Hội (Bình Định), Phú Quốc (Kiên Giang)… chuyên về dịch vụ; khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) chuyên về luyện kim…

Hoạt động của các khu kinh tế ven biển Việt Nam trong những năm qua tuy đã đạt được những kết quả nhất định trên các mặt: Thu hút các nguồn vốn trong nước và vốn FDI, giải quyết việc làm cho hàng vạn người, đóng góp cho ngân sách nhà nước… Nhưng hiện nay, các khu kinh tế này chỉ là các khu công nghiệp dịch vụ được xây dựng ở ven biển với những ưu đãi của Nhà nước: Ưu đãi về đầu tư, các khu kinh tế đều được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất đang áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm kể từ khi dự án bắt đầu hoạt động, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo, giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trong khu kinh tế không có khả năng thu hồi vốn, hỗ trợ đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kỹ thuật tới hàng rào các khu chức năng của khu kinh tế…; Ưu đãi về huy động vốn đầu tư phát triển kinh tế, trong thời hạn 15 năm đầu - thành lập kinh tế, ngân sách Nhà nước cân đối hàng năm, không thấp hơn toàn bộ nguồn thu ngân sách trên địa bàn khu cho yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội của khu; Phát hành trái phiếu Chính phủ, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi, thu hút các nguồn vốn BOT, BT, BTO, huy động vốn từ quỹ đất; Các chính sách liên quan đến hoạt động của khu kinh tế đã được ban hành: cho phép các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước được hoạt động trong khu, các ưu đãi về cấp thị thực, cư trú, giấy phép lao động, chính sách tái định cư, chính sách vận động đầu tư.

Do vậy, các khu kinh tế ven biển Việt Nam chưa có sức cạnh tranh quốc tế vì chưa có thể chế hành chính và kinh tế đạt đẳng cấp quốc tế vượt trội, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước bị hạn chế, nguồn nhân lực quản lý các khu kinh tế chưa đạt trình độ quốc tế, chưa có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia…

Năm 2006 - 2007, Tập đoàn SamaDubai thuộc các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đã đề xuất dự án xây dựng khu đô thị mới ở Phú Yên với số vốn hàng trăm tỷ USD, với thể chế hành chính và kinh tế hiện đại có sức cạnh tranh quốc tế và khu vực. Đề án này đã được lãnh đạo Việt Nam chấp thuận, nhưng vì khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra vào năm 2008 nên đề án phải dừng lại.

Năm 2013, Tập đoàn tài chính của Mỹ đã đề xuất dự án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thứ 13 ở Bắc Văn Phong (Khánh Hòa) với số vốn 300 tỷ USD, với thể chế hành chính hiện đại và kinh tế hiện đại, cơ sở hạ tầng vượt trội so với trung tâm tài chính Hồng Kông và Singapore. Đề án này sau đó đã không đi vào thực hiện.

Có thể thấy, hai đại dự án đầu tư nước ngoài trên cho thấy sức hấp dẫn của vùng ven biển Việt Nam, và muốn sử dụng được vùng ven biển này có hiệu quả, phải có các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia.

Những kiến nghị phát triển khu kinh tế tự do ở Việt Nam

Một là, Chính phủ Việt Nam nên thuê các tập đoàn quy hoạch hàng đầu thế giới thực hiện quy hoạch tổng thể việc sử dụng các tài nguyên ven biển Việt Nam. Vì các tập đoàn quy hoạch này có kinh nghiệm và năng lực quy hoạch những tài nguyên tầm cỡ thế giới, hơn nữa họ có các tập đoàn kinh tế tài chính, công nghệ… sẵn sàng tin tưởng họ và đầu tư vào sử dụng các tài nguyên đó. Cả Samadubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) và Tập đoàn tài chính Mỹ cũng đã phải thuê tổ chức Monitơ của Mỹ quy hoạch khu đô thị mới Phú Yên và Trung tâm tài chính quốc tế Văn Phong - Khánh Hòa.

Hai là, thí điểm xây dựng 3 cảng tự do theo mô hình của Anh mới quyết định xây dựng năm 2020. Đồng thời, xây dựng 3 khu thương mại tự do theo mô hình của Trung Quốc, xây dựng 1 khu kinh tế chuyên về năng lượng mặt trời, gió và điện hải lưu ở miền Trung, Việt Nam.

Ba là, các công ty Việt Nam, đặc biệt là các công ty tư nhân được quyền ưu đãi trong việc thực thi các quy hoạch. Các khu kinh tế tự do các khu thương mại tự do, cảng tự do đặc khu kinh tế, đô thị quốc tế…, phải được tính đến trong các bản quy hoạch. Nhưng mục tiêu chính của việc xây dựng các khu kinh tế ven biển là thu hút các nguồn vốn FDI cùng với công nghệ cao để phát triển các ngành công nghiệp hiện đại công nghệ cao và dịch vụ hiện đại.

Thực tế cho thấy, các khu kinh tế tự do ven biển trên thế giới thành công nhất đều thuộc các nước phát triển. Các khu kinh tế tự do được thành lập tuy là nhiều nhất ở các nước đang phát triển, nhưng tỉ lệ thành công không cao. Có nhiều lý do, song lý do chủ yếu là các thể chế hành chính và kinh tế của các khu này không đủ hiện đại và quốc tế nên đã không thu hút các nguồn nhân lực, tài lực, các nhà đầu tư nước ngoài đến hoạt động. Việt Nam cho đến nay tuy đã có tới 15 khu kinh tế ven biển, nhưng vẫn chỉ là các khu công nghiệp với các chính sách ưu đãi. Việt Nam chưa có một khu kinh tế tự do với đúng nghĩa của nó, nghĩa là dùng thể chế hành chính và kinh tế hiện đại, quốc tế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Võ Đại Lược

TSKH, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

(Nguồn:MatTran)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.