Bồi thường đất nông nghiệp không dễ
Ngày: 4/25/2009 11:40:00 AM
Phần lớn đất nông nghiệp đã được quy hoạch thành các dự án đầu tư nên tính giá đất theo mục đích sản xuất nông nghiệp không được người dân đồng thuận. TP.HCM đã nghiên cứu rất nhiều cách nhưng vẫn chưa có lối ra cho vấn đề.
au khi Sở Tài chính có kiến nghị tăng mức hỗ trợ đất nông nghiệp lên 10% giá trị của đất ở liền kề, UBND TP.HCM đã có buổi họp các đơn vị liên quan để “mổ xẻ” kiến nghị này.
Hỗ trợ bằng 10% giá đất ở liền kề
Theo tờ trình của Sở Tài chính thì việc xác định giá thị trường trong điều kiện bình thường của đất nông nghiệp rất khó khăn. Nguyên nhân là do trên địa bàn TP không còn trường hợp chuyển nhượng đất nông nghiệp để trồng lúa hoặc hoa màu. Hơn nữa, phần lớn đất nông nghiệp đã được quy hoạch thành các dự án đầu tư nên xác định giá đất nông nghiệp theo mục đích sản xuất nông nghiệp không được người dân đồng thuận.
Khi nhà nước thu hồi đất để làm dự án thì giá đất sau quy hoạch có giá trị cao hơn gấp nhiều lần so với giá bồi thường cho nông dân. Đây cũng là một nguyên nhân khiến người dân không đồng tình. Từ đó, Sở kiến nghị khi nhà nước thu hồi đất thì bồi thường theo khung giá đất nông nghiệp và hỗ trợ thêm bằng tiền với mức không quá 10% giá đất ở để tính bồi thường ở vị trí liền kề.
Nếu đất nông nghiệp giáp ranh với nhiều vị trí đất ở có giá khác nhau thì tính theo giá trung bình cộng của các vị trí liền kề. Mức hỗ trợ của từng dự án sẽ do UBND TP quyết định.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra trong buổi họp của UBND TP về vấn đề này với các sở, ngành liên quan. Mức hỗ trợ 10% lấy căn cứ vào những cơ sở nào, tại sao không là 15%, 20% mà chỉ là 10%? Hơn nữa, những quy định của pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng không đề cập đến vấn đề hỗ trợ này. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng không hài lòng với phương án của Sở Tài chính và yêu cầu Sở nghiên cứu lại.
Giải pháp không lâu dài
Đề xuất trên của Sở Tài chính là tin vui cho nhiều người có đất nông nghiệp bị quy hoạch và cả những cán bộ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng thuận với đề xuất này đến từ nhiều góc khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng ban BTGPMB huyện Bình Chánh cho rằng việc hỗ trợ thêm 10% giá trị ở liền kề cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ yêu cầu của người dân chứ không phải là giải pháp căn cơ cho những khiếu nại và ách tắc trong BTGPMB đất nông nghiệp hiện nay. Điển hình như trường hợp GPMB tại xã An Phú Tây.
Nhiều người mua đất ở đây với giá hai triệu đồng/m2 trong khi giá bồi thường do UBND TP phê duyệt chỉ có 300.000 đồng/m2 đất nông nghiệp mặt tiền. “Nếu hỗ trợ thêm 10% giá đất ở liền kề thì vẫn thấp hơn giá đất trên thị trường tự do nên cũng sẽ không được sự đồng thuận của người có đất” - ông Trường phân tích.
Một số quận, huyện vùng ven khác thì ủng hộ đề nghị của Sở Tài chính với tâm trạng “thêm được đồng nào hay đồng đó”. Nhưng câu hỏi lớn được đặt ra là: Nếu vì GPMB khó mà tăng thêm mức hỗ trợ thì tăng bao nhiêu mới vừa ý của người dân?
Ông Đào Anh Kiệt - quyền Giám đốc Sở TN&MT cho rằng giải pháp hỗ trợ thêm khi thu hồi đất nông nghiệp trong thời điểm này là hợp lý nhưng chỉ mang tính tình thế chứ không nên lấy đó làm phương pháp lâu dài.
Trong tình hình của TP.HCM hiện tại, cần có một giải pháp nhanh vì nếu phải chờ lâu, nhiều dự án sẽ bị ách tắc vì không BTGPMB được. Vì thế, phương án trình cho Bộ Tài chính phải phù hợp với những văn bản pháp luật hiện hành, không cần phải sửa đổi, bổ sung luật hoặc nghị định có liên quan.
Cái gốc: Dân mất đất không hưởng lợi từ dự án
Từ trước đến nay, TP.HCM cũng đã tìm nhiều giải pháp để giải quyết những mâu thuẫn trong việc bồi thường đất nông nghiệp. Ở một số dự án kinh doanh, TP cho nhà đầu tư tự thỏa thuận hoặc hỗ trợ thêm cho người dân. Chẳng hạn, ở dự án Khu công nghệ cao (quận 9), TP đã hỗ trợ thêm nền đất tái định cư và tiền cho người bị thu hồi đất. Đề án cho nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cũng đã được TP nghiên cứu. Tuy vậy đến thời điểm này, giải pháp cho vấn đề bồi thường đất nông nghiệp vẫn chưa có lối ra.
Theo ông Đào Anh Kiệt, sở dĩ người dân khiếu nại là vì quyền lợi của họ lâu nay bị thiệt thòi nhiều quá. Người dân bị mất đất không được hưởng lợi gì từ dự án. Khi BTGPMB, nhà nước và các doanh nghiệp chỉ mới nghĩ đến chuyện bồi thường giá trị vật chất mà chưa bù đắp được những thiệt hại về tinh thần của người dân. (Việc từ bỏ mảnh đất của cha ông đã gắn bó nhiều đời không đơn giản.) Do đó, dù có tăng mức hỗ trợ lên cao mà không giải quyết được những vấn đề về tinh thần thì người dân luôn thấy không thỏa đáng.
Phải cân bằng lợi ích ba bên
Ông Kiệt cho rằng vấn đề là phải giải bài toán lợi ích giữa ba bên trong quá trình phát triển đô thị: người dân, nhà nước và nhà đầu tư. Lợi nhuận từ việc thu hồi đất phải được công khai và chia cho ba bên theo một tỷ lệ nhất định. Nhà nước sẽ dùng phần của mình để lo hậu thu hồi đất cho người dân như đào tạo việc làm, bù đắp những tổn thất vô hình...
Hiện tại, người dân chỉ nhìn thấy giá đất bán ra cao gấp mấy chục lần so với giá nhà nước bồi thường cho họ chứ họ không thấy giá trị do nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giá trị do doanh nghiệp phải bỏ vào để chuyển mục đích sử dụng đất. Vì vậy, cũng cần phải công khai những điều này để người dân hiểu biết và chia sẻ. Tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM cũng đồng tình với cách đặt vấn đề này. “Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm lợi nhuận chia cho các bên là bao nhiêu mới quan trọng” - ông Lịch nói.
(Nguồn:Pháp Luật TP)