TPHCM: 15 KCX-KCN chỉ có một trường mầm non
Ngày: 12/26/2013 8:42:29 AM
Là địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX), lực lượng lao động lên đến hàng trăm ngàn người mà phần lớn là dân nhập cư từ nhiều tỉnh xa, nhưng TPHCM hiện chỉ mới có một trường mầm non duy nhất trông giữ trẻ cho con em người lao động.
Nhiều KCX-KCN trên địa bàn TPHCM chưa có nhà trẻ, trường mầm non cho con em người lao động đang làm việc tại các KCX-KCN này -Ảnh minh họa KCX Tân Thuận: Hùng Lê
Thông tin này được đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (HEPZA) xác nhận tại buổi họp báo về kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Giáp Ngọ 2014 cho người lao động trong KCX-KCN trên địa bàn thành phố diễn ra vào ngày 20-12. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chăm lo đời sống của người lao động mà đặc biệt là xây dựng nhà lưu trú, nhà giữ trẻ trong các KCX-KCN,... ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng của HEPZA - cũng là người chủ trì của cuộc họp báo, cho biết trong 15 KCX-KCN với hàng trăm ngàn lao động mà phần lớn là lao động nhập cư của thành phố, hiện chỉ có KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có trường mầm non. Theo ông Lâm, trước đây chủ đầu tư hạ tầng KCN Tân Tạo cũng đã xây một trường mầm non cho con em người lao động, nhưng khi nhà đầu tư bàn giao ngôi trường này cho chính quyền địa phương quận Bình Tân quản lý thì ngôi trường không còn dành riêng cho con em người lao động của KCN Tân Tạo nữa. Trước sự chỉ trích của dư luận về việc thiếu trường mầm non cho con em người lao động trong các KCX-KCN dẫn đến việc con em của người lao động bị bạo hành hành khi gửi ở những trường tư không đảm bảo, ông Lâm cho rằng HEPZA chỉ được phân công về quản lý doanh nghiệp, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCX-KCN; việc xây dựng và điều hành trường mầm non không thuộc phạm vi chức năng quyền hạn của Hepza. Mặt khác, do các KCX-KCN ở thành phố được thành lập rất sớm; khi chưa có những ràng buộc pháp lý buộc nhà phát triển hạ tầng hoặc địa phương nơi có KCX-KCN phải xây dựng những tiện ích phục vụ người lao động làm việc tại đây dẫn đến tình trạng thiếu thốn về nơi ăn, chốn ở, trường học của người lao động và con em họ. Tuy nhiên, do nhìn thấy những yêu cầu cấp thiết của người lao động, mấy năm qua HEPZA đã đề xuất và được chính quyền thành phố phê duyệt những dự án về xây trường mầm non tại KCN Vĩnh Lộc, KCX Linh Trung 1, và KCX Tân Thuận. Tuy nhiên ông Lâm cho rằng, việc triển khai cho các công trình này rất phức tạp vì liên quan đến các sở ngành khác và không dễ tìm ra quỹ đất... Mặc dù dự án đã được duyệt vào tháng 3-2011, nhưng HEPZA chỉ hy vọng 3 trường mầm non nói trên có thể đón học sinh của con em người lao động ở các KCX-KCN này vào năm học 2014-2015. Đến lúc đó cũng chỉ mới có khoảng 4 trong tổng số 15 KCN-KCX trên địa bàn thành phố có trường mầm non; trong khi lực lượng lao động làm việc tại đây hiện nay đã lên đến trên 268.000 người. Điều này cho thấy việc phát triển trường mầm non cho các KCX-KCN trên địa bàn thành phố còn bất cập so với nhu cầu thực tế. Ông Lâm cũng thừa nhận việc phát triển trường mầm non và nhà lưu trú cho công nhân tỉnh xa làm việc tại các KCX-KCN trên địa bàn thành phố hiện nay thì khó đáp ứng được. Để tháo gỡ phần nào vướng mắc trên, ông Lâm kiến nghị cơ quan thuế, Cục Thuế TPHCM hàng năm cần trích một khoản từ tiền thuế của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCX-KCN giao cho HEPZA thực thi các chương trình xã hội cho người lao động, trong đó có chương trình xây dựng trường mầm non, nhà lưu trú ... Theo ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng HEPZA, đến nay đã có 150 doanh nghiệp thuộc sự quản lý của HEPZA nộp báo cáo về tiền lương tiền thưởng; bình quân mức thưởng tết (lương tháng 13) cho công nhân ở doanh nghiệp trong nước là khoảng 3,26 triệu đồng/người, còn ở doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là khoảng 4,72 triệu đồng/người. Chủ trương của HEPZA là sẽ không công bố mức thưởng cao nhất và thấp nhất, bởi số liệu đó không đại diện cho số đông người lao động và có thể trở thành tác nhân dẫn đến những cuộc đình công. Tính đến thời điểm này, những doanh nghiệp ở các KCX-KCN trên địa bàn thành phố có kế hoạch tặng 635 vé xe, hơn 24.000 phần quà cùng các khoản thưởng, họp mặt tất niên, tân niên, lì xì… với tổng trị giá gần 9 tỉ đồng. Bên cạnh đó, HEPZA vận động các sở ban ngành, doanh nghiệp tặng hàng ngàn phần quà cho công nhân khó khăn, không có điều kiện về quê ăn tết; tổ chức bán hàng bình ổn giá cùng những chương trình chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân tại nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp
(Nguồn:TheSaigonTimes)