Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Người Nhật làm khu công nghiệp kiểu mới
Ngày: 2/28/2014 9:53:50 AM
Ngày 17-2, khu kỹ nghệ Việt Nhật (ViePan Techno Park) đã khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP.HCM), mở ra một thời kỳ mới cho mô hình thu hút đầu tư theo hướng cung cấp trọn gói từ giấy phép đầu tư cho đến xây nhà xưởng.

 Việc xây dựng khu kỹ nghệ Việt Nhật được xem như là bước khởi đầu phát triển mô hình nhà xưởng có sẵn quy mô lớn tại TP.HCM. Trong ảnh: lãnh đạo UBND TP.HCM và đại diện khu kỹ nghệ Việt Nhật phát lệnh khởi công - Ảnh: Đ.Dân

Tại buổi lễ khởi công, ông Hijiri Ohama, tổng giám đốc Công ty Thermal (Nhật Bản) - công ty chuyên thiết kế và sản xuất những thiết bị xử lý nhiệt trong ngành nhiệt luyện, cứ đứng từ xa dự án quan sát rồi lấy máy ảnh cá nhân ghi lại những hình ảnh một cách thích thú.

Ông Hijiri Ohama kể hồi tháng 6-2013 công ty ông quyết định mở nhà máy của mình tại VN, nhưng phân vân chưa biết sẽ mở ở Hà Nội hay TP.HCM. Lúc đó, tình cờ một phái đoàn từ VN sang Nhật giới thiệu về dự án khu kỹ nghệ Việt Nhật. Sau khi tìm hiểu kỹ, ông đã quyết định đầu tư vào khu này.

“Khi biết đến khu kỹ nghệ Việt Nhật, chúng tôi đã quyết định đầu tư ngay vào đây bởi nơi đây hội đủ những yếu tố mà doanh nghiệp nhỏ và vừa chúng tôi đang cần. Cụ thể, chúng tôi được cung cấp trọn gói từ giấy phép đầu tư, xây dựng cho đến nhà xưởng nên không quá lo ngại về rủi ro do không phải đầu tư nhiều vốn ban đầu”. Được biết, công ty của ông Hijiri Ohama đã có một nhà máy sản xuất tại Nhật và đây là lần đầu tiên xây dựng nhà máy ở nước ngoài.

Theo quy hoạch, khu kỹ nghệ Việt Nhật có vốn đầu tư dự kiến là 31 triệu USD trên diện tích 13ha tại giai đoạn 2 của Khu công nghiệp Hiệp Phước. Dự án do Công ty TNHH khu kỹ nghệ Việt Nhật (liên doanh giữa VN và Nhật) góp 55% vốn và Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước góp 45%.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Jinjiro Kimura - tổng giám đốc Công ty TNHH khu kỹ nghệ Việt Nhật - cho biết trước mắt đã có 450 doanh nghiệp Nhật bày tỏ sự quan tâm đến khu này. Đến nay đã có sáu doanh nghiệp ký hợp đồng và 20 doanh nghiệp từ Nhật đang tìm hiểu giai đoạn cuối. “Để có được ngày hôm nay, chúng tôi chuẩn bị mọi thứ hơn một năm qua. Ngay cả công ty xây dựng cũng được chọn lọc từ chín công ty đăng ký đấu thầu. Chỉ thị cuối cùng của hội đồng thành viên là chỉ nhận những doanh nghiệp công nghệ cao, không nhận những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Và đây là hai tiêu chí đầu tiên khi phỏng vấn tuyển chọn nhà đầu tư vào khu này” - ông Jinjiro Kimura nhấn mạnh.

Các chuyên gia về đầu tư nhận định dự án khu kỹ nghệ Việt Nhật sẽ là mô hình thu hút đầu tư mới, chắc chắn hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua việc cung cấp trọn gói từ nhà xưởng đến giấy phép xây dựng. Ông Vũ Văn Hòa, trưởng ban quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA), cho biết: “Ở đây chúng tôi tổ chức một dịch vụ khép kín từ nhà xưởng đến giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng và cả nhân lực biết tiếng Nhật”. Nhà xưởng tại khu này đều được xây sẵn theo công nghệ Nhật Bản với diện tích đủ loại theo yêu cầu của nhà đầu tư.

Vẫn theo ông Hòa, mục tiêu của dự án này là thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản bằng một khu công nghiệp kiểu mới, đó là chính người Nhật đầu tư xây dựng hạ tầng và cũng chính người Nhật kêu gọi đầu tư vào đây. Khu này thu hút những doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng là những doanh nghiệp công nghệ cao, có kỹ thuật tiên tiến. Qua việc phát triển khu này cũng đặt mục tiêu các doanh nghiệp Nhật khi vào đây sẽ kéo theo các yếu tố phát triển công nghiệp phụ trợ mà VN vốn đang còn thiếu. Đến tháng 10-2014, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành và đưa nhà đầu tư vào hoạt động, sau đó sẽ mở thêm sang giai đoạn 2.

(Nguồn:Hiep Phuoc IP)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.