Cảng Hiệp Phước lo lô cốt xuất hiện
Ngày: 4/7/2014 4:15:49 PM
Những ngày này, Ban quản lý Dự án nạo vét luồng Soài Rạp – giai đoạn 2 và Cảng vụ TPHCM đang chuẩn bị các công đoạn cuối để ngày 19-4 tới đây, con tàu trọng tải 50.000 tấn đầu tiên có thể theo hải trình này để vào Cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT). Tuy nhiên, trên bờ lại xuất hiện mối lo mới.
"Cửa ngõ" hướng về khu trung tâm TPHCM và đại lộ Nguyễn Văn Linh đi các tỉnh bị chắn bởi "lô cốt" di dời cáp điện. Với cua ngoặt nhỏ hẹp thế này, tài xế xe container sẽ gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: Kinh Luân
Ở “cửa ngõ” khu công nghiệp Hiệp Phước, chắn ngang đường đi những đoàn xe container từ cảng SPCT ra, là những “lô cốt” thuộc công trình di dời lưới điện phục vụ dự án khu đô thị mới Nhà Bè Melocity. Sau nhiều năm trì hoãn, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh điện lực TPHCM phải đẩy nhanh tiến độ di dời các đường dây 110, 220 và 500 KV để kịp giao đất cho chủ đầu tư Melocity là tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc).
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, việc rào chắn đường Nguyễn Hữu Thọ ở khu vực gần cầu Bà Chiêm – Trạm biếp áp Nhà Bè này sẽ kết thúc vào ngày 10-4. Thế nhưng trao đổi qua điện thoại vớiTBKTSG Online, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó tổng giám đốc SPCT, tỏ ý nghi ngờ thời hạn này vì “chỉ còn hai tuần nữa mà vẫn còn quá ngổn ngang”.
Về lâu dài, nỗi lo hạ tầng giao thông quanh khu vực cảng SPCT của tập đoàn DP World (Các tiểu vương quốc Ả Rập, sở hữu 80% vốn đầu tư cảng SPCT) chỉ có thể giải quyết khi TPHCM hoàn tất đường trục Bắc – Nam. Thế nhưng đến nay, dự án kết nối đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) với đại lộ Nguyễn Văn Linh và khu trung tâm thành phố vẫn còn dang dở và khó có thể hoàn tất trước năm 2015.
|
Sơ đồ đường trục Bắc - Nam nối liền khu công nghiệp - đô thị cảng Hiệp Phước với khu trung tâm TPHCM và đại lộ Nguyễn Văn Linh đi các tỉnh - Ảnh: Kinh Luân |
Lâu nay, từ biển Đông tàu trọng tải lớn vào TPHCM phải sử dụng luồng Lòng Tàu xa hơn 31 km vì dòng sông Soài Rạp chạy song song có nhiều đoạn rất hẹp và đáy bồi cạn. Ý tưởng nạo vét luồng tàu này đã có từ lâu, nhưng mãi đến tháng 10-1993 UBND TPHCM mới giao Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Tan Thuan Industrial Promotion Company - IPC) lập kế hoạch nghiên cứu, khảo sát và thi công...
Ngày 9-11-2007 giai đoạn 1 của dự án hoàn tất khi luồng Soài Rạp đạt độ sâu - 8,5 mét trên tổng chiều dài 59,24 ki lô mét, tàu 5.000 DWT đầy tải và 15.000 DWT non tải đã có thể theo luồng này để vào cảng SPCT. Tuy nhiên, việc triển khai giai đoạn 2 gặp khó khăn về vốn và UBND TPHCM đã quyết định giao dự án này lại cho Ban quản lý Soài Rạp giai đoạn 2 được thành lập năm 2011. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này là 2.797 tỉ đồng – trong đó vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Bỉ là 76 triệu euro, bao gồm 70 triệu euro cho việc thi công, xây lắp và 6 triệu euro cho bảo hiểm.
(Nguồn:TheSaigonTimes)