Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Khoảng trống văn hóa tại các khu công nghiệp
Ngày: 10/4/2013 9:26:00 AM
Áp lực về đời sống vật chất khiến công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) lâu nay rơi vào tình trạng "đói" văn hóa. Mặc dù Ban quản lý các KCN, công đoàn có nhiều cố gắng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh nơi phòng trọ, tạo các sân chơi ý nghĩa, giàu tính giải trí cho công nhân, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

 Ðời sống văn hóa còn thiếu

Toàn TP Hồ Chí Minh hiện có 15 KCX, KCN với hơn 275 nghìn công nhân tham gia làm việc và sản xuất trong 1.163 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có các cơ sở văn hóa thể thao phục vụ công nhân sau giờ làm không nhiều. Tìm hiểu tại bốn KCX, KCN Tân Thuận, Linh Trung, Tân Tạo và Vĩnh Lộc, chúng tôi nhận thấy, các cơ sở vật chất phục vụ văn hóa (khu vui chơi, nhà văn hóa cho công nhân, sân bãi hoạt động thể thao) vẫn còn yếu và thưa vắng. Tại các KCX, KCN trên đều không có các hoạt động giao lưu, hoạt động giải trí mang tính cộng đồng thường xuyên vào ban đêm. Vì thế, đời sống văn hóa - giải trí của công nhân sau giờ làm chủ yếu "tự phát" theo các loại hình dịch vụ ăn theo khi KCN, KCX đi vào hoạt động. Với công nhân thuê trọ tại các nhà dân gần KCN, KCX còn có thể rủ nhau đi hát ka-ra-ô-kê, cà-phê, giao lưu tại các trung tâm văn hóa... riêng với công nhân tại các khu nhà trọ ở phường Tam Bình, Linh Trung, Hiệp Bình Chánh hay Vĩnh Lộc A thuộc các KCX, KCN Linh Trung, Tân Thuận, Vĩnh Lộc..., thì tẻ nhạt vô cùng, mặc dù họ có một môi trường sống thoáng đãng, sạch sẽ, với chi phí thuê trọ hằng tháng tương đối hợp lý.

Khi mà điều kiện vui chơi - giải trí, các sân chơi mang tính cộng đồng tại các KCX, KCN không nhiều thì việc họ tự tìm kiếm cho mình hình thức giải trí trong điều kiện kinh tế hạn hẹp (đồng lương thấp) là tất yếu như:

cà-phê tán gẫu, xem phim tại các quán, nhậu tại phòng, la cà chợ cóc... Anh Trần Thành Ðạt, công nhân công ty An Thịnh, KCN Vĩnh Lộc cho biết: Thường thì nam công nhân ở đây sau giờ làm là cà-phê và nhậu. Bởi thực tế không nhiều người có điều kiện, thời gian để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí như xem ca nhạc, tụ tập bạn bè hát hò. Ðấy là những lúc có tiền, khi hết tiền thì phần lớn chỉ biết nằm phòng trọ đánh bài hoặc xem ti-vi. Với các nữ công nhân, nhất là những người đã có gia đình ở quê, kênh giải trí duy nhất của họ là xem ti-vi, nhiều phòng không có ti-vi thì hình thức thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhoài là ngồi hóng gió và "tám" chuyện.

Tại nhiều phòng trọ của nam công nhân ở các khu dân cư: Bình Chiểu (Thủ Ðức), Vĩnh Lộc (Bình Chánh), Dĩ An (Bình Dương) không khó để bắt gặp những hình ảnh nhếch nhác, thể hiện lối sống gấp, sống vội. Trần Thiện Vinh, một công nhân trẻ cho biết: Hôm nào có tiền thì tụi em lê la quán xá..., "hẻo" thì gom mỗi đứa một tí, mua ít mồi về phòng lai rai xong rồi ngủ. Nam là vậy, với nhiều bạn nữ công nhân độc thân, chuyện yêu đương, sống thử sau chuỗi ngày dài "sống nhạt", thiếu thốn về đời sống văn hóa, giải trí cũng rất phổ biến.

Chủ tịch Công đoàn các KCX, KCN thành phố Hồ Chí Minh Trần Công Khanh, cũng thẳng thắn nhìn nhận: Việc chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần cho công nhân tại các KCX, KCN luôn được công đoàn quan tâm. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn khách quan, cùng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ văn hóa còn yếu và thiếu, thật khó để đáp ứng tốt nhất nhu cầu giải trí - văn hóa sau giờ làm của công nhân. Hằng tháng, hằng quý, ban công đoàn đều có các hoạt động vui chơi, hội thao dành cho công nhân như: "Sân chơi cuối tuần", "Giờ thứ 9", "Hội thi tiếng hát thanh niên công nhân", chương trình "Chiếu phim lưu động" phục vụ công nhân... Tuy nhiên, thực tế mà nói các hoạt động trên vẫn như "muối bỏ bể".

Cần lấp "khoảng trống văn hóa" một cách căn cơ

Quan sát và tìm hiểu đời sống công nhân tại các khu nhà trọ quanh các KCX, KCN, chúng tôi thấy không ít bạn trẻ lệ thuộc vào những hình thức giải trí cung cấp sẵn có, rẻ tiền, đầy sức cám dỗ gần nơi mình ở như: quán bia ôm, cà-phê đèn mờ... để rồi phải "ôm hận" khi lỡ ham vui. Thực tế tại một số KCN ở thành phố cho thấy, khi quá chú trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ yếu tố văn hóa, đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Tình trạng phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, trộm cắp, mua bán dâm luôn diễn biến hết sức phức tạp. Tỷ lệ nữ công nhân làm mẹ đơn thân, nạo phá thai ngày càng nhiều. Thực trạng trên có phần trách nhiệm của các doanh nghiệp khi mải chạy theo lợi nhuận, đã coi nhẹ việc chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần cho công nhân.

 Những năm gần đây, với sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của Chính phủ, các cấp, các ngành, các KCN tại thành phố đã chú ý nhiều hơn đến đời sống tinh thần cho công nhân. Các doanh nghiệp từng bước xây dựng các cơ sở sinh hoạt văn hóa, CLB công nhân, nhà văn hóa công nhân ở các khu lưu trú trong KCN. Tuy nhiên, nhiều KCN mới hình thành vẫn chưa làm tốt việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, cơ chế chính sách, chăm lo đến nâng cao đời sống văn hóa - giải trí cho công nhân. Các hoạt động văn hóa thể thao do doanh nghiệp tổ chức phần lớn mang tính "mùa vụ", đơn điệu, khô cứng. Chủ tịch công đoàn Ban quản lý các KCX, KCN thành phố Hồ Chí Minh Trần Công Khanh cho biết thêm: Hằng quý, ban công đoàn đều xây dựng các kế hoạch hoạt động vui chơi, giải trí và yêu cầu các công đoàn cơ sở phối hợp triển khai cho công nhân. Tuy nhiên, không ít các công đoàn cơ sở vẫn thực hiện kiểu qua loa, hình thức nên không thu hút được nhiều công nhân tham gia. Việc tạo ra các sân chơi, các hoạt động văn hóa, thể thao tập thể luôn thu hút được sự quan tâm rất lớn của công nhân. Việc các công đoàn cơ sở nhiệt tình tham gia và triển khai các hoạt động (khoảng 50 - 60%) đã là điều đáng mừng. Vì thế, đã khắc phục những "lổ hổng" trong việc xây dựng một thiết chế văn hóa hoàn chỉnh không cách nào khác phải có sự chung tay từ các doanh nghiệp.

Ðể khắc phục tình trạng thiếu và yếu của hệ thống các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của công nhân ở các KCN, KCX ngoài đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, thể thao dành cho công nhân cần tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, xã hội cùng tham gia trong việc tạo sân chơi, nơi giải trí lành mạnh cho công nhân. Có như thế, phần nào chúng ta mới dần dần lấp được "khoảng trống" văn hóa tại các KCN.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân các KCN giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020", với mục tiêu phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân các KCN theo quy hoạch, đồng bộ, vững chắc, hiệu quả nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân. Theo mục tiêu của đề án, phấn đấu 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân các KCN. 70% số nhà văn hóa, thể thao lao động được củng cố để phục vụ NLÐ. 30% số tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có các cơ sở văn hóa, thể thao phục vụ công nhân ở các KCN, 20% số công nhân được tham gia hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp.

(Nguồn:nhandan.org.vn)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.