Giá nhà đất xì hơi: Vẫn chưa đến đáy
Ngày: 4/25/2009 11:40:00 AM
Giá nhà đất đã mất gần 50% giá trị chỉ trong vòng 3 tháng khiến hàng chục ngàn người lỡ dại đổ tiền vào thị trường nhà đất trong giai đoạn đỉnh cao của cơn sốt giá lâm vào cảnh sống dở, chết dở.
Giá nhà đất đã mất gần 50% giá trị chỉ trong vòng 3 tháng khiến hàng chục ngàn người lỡ dại đổ tiền vào thị trường nhà đất trong giai đoạn đỉnh cao của cơn sốt giá lâm vào cảnh sống dở, chết dở.
Thế nhưng theo các chuyên gia, hậu quả tồi tệ nhất của việc vỡ "bong bóng" giá nhà đất vẫn chưa đến.
Gần về mức giá của năm 2007
Trong tuần, giá đất trong dự án tại Khu đô thị mới Nam Sài Gòn và lân cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm tiếp tục trượt dài. Đất trong dự án Him Lam Kênh Tẻ, quận 7, vốn là dự án "hot" nhất trong thị trường đất dự án trên địa bàn thành phố nay ngược lại có tốc độ giảm giá nhanh nhất.
Nền đất mặt tiền đường 35m đã xuống mức thấp nhất từ dịp Tết Mậu Tý chỉ còn trong khoảng 50 - 55 triệu đồng/m2. Trong thời gian sốt cao điểm, loại đất này đã được giao dịch trên 90 triệu đồng/m2.
Với mức giá này, giá đất của trong dự án của Cty Him Lam chỉ còn cao hơn khoảng 5 triệu đồng/m2 so với giá của tháng 10.2007 - thời điểm trước cơn sốt giá nhà đất. Đối với đất mặt tiền từ 12 đến 20m, giá chào bán trong khoảng 30 - 40 triệu đồng/m2. Đối với những người lỡ "ôm" đất dự án Him Lam trong cơn sốt, hiện nay mỗi nền nhà đã bị mất đến vài tỉ đồng.
Những dự án khác tại Khu đô thị mới Nam Sài Gòn như Thái Sơn, Tân An Huy, Làng Đại học... giá chào bán cũng chỉ còn chưa đến 60% so với đỉnh cao của cơn sốt.
Ngược với xu hướng giá đất mỗi ngày mỗi giảm, nguồn cầu vẫn chưa xuất hiện. Khảo sát tại một số trung tâm môi giới giao dịch lớn thì trong một tháng qua hầu như không có giao dịch nào thành công. Khách hàng đến hỏi giá, tìm hiểu thông tin thì nhiều nhưng mua thì chưa thấy.
Còn tại khu vực lân cận Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đất dự án vẫn còn đang trong xu hướng điều chỉnh giá nhưng tốc độ giảm không nhanh bằng Khu Nam Sài Gòn. Đất nền nhà phố trong các dự án như An Phú - An Khánh, Huy Hoàng, Thế Kỷ 21 chào bán phổ biến từ 21 đến 32 triệu đồng/m2. Đối với đất biệt thự thấp hơn vài giá so với đất nền nhà phố.
Thị trường căn hộ chung cư đã có những biến động mạnh, không chỉ những căn hộ được mua đi bán lại nhiều lần làm đội giá không bán được, thậm chí các dự án trước đây luôn trong tình trạng chen nhau để mua bây giờ cũng lâm vào cảnh ế ẩm mặc dù được bán với giá gốc Cty. Chẳng hạn dự án Sky Gaden 3, trong gần 1.000 căn hộ được bốc thăm bán ra trong năm 2007, chỉ có khoảng 300 trường hợp là đến ký hợp đồng mua căn hộ.
Trước khó khăn của thị trường, đồng thời giúp khách hàng có điều kiện theo đuổi hợp đồng mua bán nhà, một số Cty chỉ yêu cầu khách hàng đóng tiền cho các hợp đồng đến hạn là 10% thay vì 30% như quy định trong hợp đồng...
Hàng chục ngàn người lao đao
Giá nhà đất bị xẹp nhanh chóng trong thời gian qua đã khiến nhiều người lao vào cảnh lao đao, nhà đất mất giá gần một nửa lại không bán được, trong khi hợp đồng tín dụng sắp đáo hạn... Những điều này tưởng chừng như đã là địa ngục đối với những người lướt sóng nhà đất bị mắc cạn, nhưng theo các chuyên gia điều tồi tệ nhất từ hậu quả của việc vỡ "bong bóng" giá nhà đất vẫn chưa đến.
Cũng theo các chuyên gia, vốn đầu tư đổ vào thị trường BĐS trong cơn sốt vừa qua hầu hết là vốn vay ngân hàng. Trong đó, tài sản thế chấp chủ yếu là đất đai, nhà cửa. Chỉ từ 1 đến 2 tháng nữa thôi, hầu hết các hợp đồng tín dụng được ký kết trong giai đoạn đỉnh cao của cơn sốt nhà đất đáo hạn.
Trong điều kiện huy động vốn khó khăn như hiện nay, các ngân hàng sẽ bắt buộc khách hàng thanh lý hợp đồng. Trong khi đó, đối với khách hàng, vốn vay đã chôn vào BĐS nay chỉ còn một nửa giá trị lại không bán được, vì vậy khó có khả năng trả nợ ngân hàng.
Trước tình huống đó, các ngân hàng buộc phải phát mại tài sản thế chấp nhưng khổ nỗi, tài sản thế chấp lại là BĐS. Trong đỉnh cao cơn sốt nhà đất, các BĐS thế chấp được định giá rất cao. Mặc dù các ngân hàng đã thận trọng cho vay 70% giá trị tài sản thế chấp, nhưng trong tình hình của thị trường nhà đất hiện nay mức cho vay trước đây cũng đã vượt giá trị thực của tài sản thế chấp.
Các chuyên gia lo ngại, nếu trong vòng 2 tháng nữa thị trường không hồi phục trở lại (khả năng này là rất khó xảy ra) những người vay vốn đầu tư BĐS, các ngân hàng cho mức dư nợ cho vay đầu tư BĐS cao sẽ lâm vào khủng hoảng. Đây chính là điều tồi tệ nhất khi giá nhà đất bị vỡ "bong bóng". Từ thực tế trên, các chuyên gia dự báo giá nhà đất trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm.
(Nguồn:Tin Tổng Hợp)