Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Chiến lược “lách” cho doanh nghiệp Việt Nam
Ngày: 5/12/2009 10:01:49 AM
Tạo dựng chiến lược hợp lý và tái cấu trúc doanh nghiệp được tiến hành với việc đổi mới phương thức quản trị là lối thoát cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối kinh tế khủng hoảng như hiện nay.

Thị trường thế giới tiếp tục sẽ bất định, khi các dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu và của các nước được cho là xây dựng trên cơ sở chưa vững chắc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các khuyến nghị về lạc quan thiếu giá trị.

Trong Hội thảo Ngăn chặn suy giảm kinh tế Việt Nam do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức cuối tuần trước, các chuyên gia kinh tế cũng như giới kinh doanh đều đồng quan điểm cho rằng, giải pháp cho các nút thắt trong hoạt động của các doanh nghiệp đang dễ nắm bắt hơn, bên cạnh những hỗ trợ liên tục từ các gói chính sách của Chính phủ.

Trên diện rộng, những dấu hiệu ấm lên từ thị trường Mỹ đã được nắm bắt. Ông Bùi Tùng, chuyên gia kinh tế Đại học Hawaii (Mỹ) phân tích từ những chuyển biến tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ, giá cả thị trường nhà đất đã dần ổn định… Đặc biệt, nhu cầu về nguyên liệu thô đã bắt đầu tăng. Chỉ số sản xuất tháng 4 do Viện quản lý nguồn cung (ISM) công bố, đã tăng từ mức 36,3 điểm vào tháng 3 lên 40,1 điểm vào tháng 4, tăng 4 tháng liên tiếp. Đơn đặt hàng mới tăng từ 41,2 điểm lên 47,2 điểm.

“Tôi nhắc tới các con số trên để muốn khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn xa hơn bảng báo cáo tài chính của mình, nhìn xa hơn các con số doanh thu để tìm kiếm các cơ hội, dù ít ỏi”, ông Tùng nói và nhấn mạnh tới những tác động thực sự lớn từ các chính sách, động thái thị trường của các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tới chiến lược cụ thể của mỗi doanh nghiệp.

Cái khó của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, khi xu thế hướng về thị trường nội địa đang được các quốc gia triển khai mạnh mẽ. Kèm theo đó là cả xu hướng bảo hộ mạnh đang trở lại ở nhiều thị trường lớn thông qua các hàng rào thương mại.

Khối lượng hàng tồn kho đang cho thấy, tổn thất mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh chịu từ xu thế này. Chỉ số hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế tạo, chế biến của Việt Nam đã tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái thực sự đáng lo ngại. Với thế yếu về thương hiệu, hàng hoá của Việt Nam thực sự khó có thể chen chân trong lúc này.

Tuy nhiên, giải pháp liên kết làm ăn với các doanh nghiệp bản địa được các chuyên gia kinh tế cho là cách đi “lách” hợp lý, để biến hàng Việt Nam thành hàng của doanh nghiệp địa phương. “Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép của Việt Nam tìm được đối tác liên kết, để xuất hàng sang Mỹ theo hình thức chưa thành phẩm, có nghĩa là sản phẩm chưa đóng hộp, chưa buộc dây thì sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn rất nhiều so với hàng thành phẩm”, ông Tùng cho biết.

Tất nhiên, vấn đề chi phí sản xuất cũng cần phải được các doanh nghiệp cân nhắc và điều chỉnh mạnh mẽ. Sẽ khó cho hàng Việt Nam, khi đối thủ cạnh tranh lớn là hàng hoá của Trung Quốc luôn có ưu thế về giá.

Thực ra, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, khủng hoảng đang làm thay đổi cấu trúc thị trường thế giới. Chính sự thay đổi này có thể đem lại thuận lợi cho các doanh nghiệp vào thị trường muộn hơn, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phân tích, trong lúc này, có thể số lượng đơn hàng không phải là mục tiêu mà cần tập trung vào hàng hoá chất lượng. “Sản phẩm của Việt Nam có thể có chỗ đứng vào lúc này, khi đón được xu thế tiêu dùng trong khủng hoảng là giảm số lượng, nhưng đòi hỏi cao về chất lượng”, ông Lộc nói.

Ở đây, nổi lên đòi hỏi lớn về nỗ lực tái cấu trúc doanh nghiệp. Cũng phải nói rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm xáo trộn lớn hoạt động quản trị doanh nghiệp. Mô hình quản trị gia đình truyền thống của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang bị tác động nặng nề.

Không ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam lao đao trong khủng hoảng, chính bởi khoảng cách khá xa trong quản trị gia đình và quản trị chuyên nghiệp. Chưa bao giờ, hoạt động của một doanh nghiệp lại gắn chặt với những chính sách kinh tế vĩ mô nhiều đến vậy.

Song, thuận lợi đang mở ra với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, khi nguồn nhân lực về quản trị doanh nghiệp chất lượng cao trên thế giới đang khá dồi dào. Ông Nguyễn Đông Phong, chuyên gia Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhìn tới khả năng thu hút được các nhà quản trị lớn với mức chi phí vừa phải.

“Phải khẳng định rõ đây là cơ hội lớn lên cho chính các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Cuộc chơi đang đòi hỏi những điều kiện mới, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài”, ông Phong nói khi nhắc tới nguồn nhân lực cao cấp là người Việt Nam ở nước ngoài đang muốn tìm cơ hội việc làm tại Việt Nam.

(Nguồn:VIR)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.