Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu lao động
Ngày: 6/8/2009 11:12:29 AM
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Lao động nước ngoài, Bộ Lao động Thương binh xã hội trao đổi về vấn đề vấn đề xuất khẩu lao động trong bối cảnh khủng khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Xin ông cho biết tình hình lao động xuất khẩu từ đầu năm đến nay?

 

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Tính đến hết tháng 5, đã có 28.033 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 31,15% chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2009 (90.000 người), giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2008.

 

Trong đó tập trung ở một số thị trường: Đài Loan 6.893 người, Hàn Quốc 3.497 người, Nhật Bản 2.287 người, Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất 2.641 người, Ảrập Xêút 1.951 người và Libya 964 người. Hiện nay, Cục Quản lý lao động nước ngoài đang nghiên cứu tình hình cụ thể để điều chỉnh kế hoạch trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn còn tiếp diễn.

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động thế nào đến lao động Việt Nam ở nước ngoài?

 

Từ tháng 10-2008 đến nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, đã có khoảng 8.000 lao động Việt Nam phải về nước trước thời hạn, tập trung trong khoảng từ tháng 10-2008 đến tháng 2-2009. Từ tháng 3 đến nay, số lao động về nước trước hạn đã giảm mạnh và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới nhờ kinh tế của các nước nhận lao động Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi.

 

Thị trường nào có dấu hiệu phục hồi tốt nhất?

 

Trong các tháng trước đây, nhiều nhà máy, công trình không có việc làm thêm, thậm chí thiếu việc làm. Thu nhập của người lao động giảm nhiều so với trước đó. Hiện nay, mặc dù vẫn còn chịu tác động của khủng hoảng, nhưng theo phản ánh thì phần lớn người lao động ở các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã có việc làm và thu nhập ổn định, nhiều nơi người lao động đã có nhiều việc làm thêm và có thu nhập như trước thời gian khủng hoảng.

 

Còn xảy ra tình trạng các thị trường từ chối nhận lao động nước ngoài không? Các thị trường nào đã tiếp nhận lao động xuất khẩu trở lại?

 

Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, thị trường lao động của hầu hết các nước bị ảnh hưởng xấu, nên nhiều nước đã có chính sách hạn chế nhận lao động nước ngoài, ưu tiên việc làm cho lao động trong nước, như Cộng hòa Séc, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc.

 

Tuy nhiên, hầu hết các thị trường vẫn nhận lao động Việt Nam, tuy nhu cầu không cao như trước. Lybia năm nay nhận số lượng lao động Việt Nam rất lớn so với các năm trước. Đài Loan vẫn nhận nhiều lao động Việt Nam làm việc trong các nhà máy, trại điều dưỡng và thuyền viên đánh cá. Hàn Quốc cũng thông báo nhận 7.000 lao động Việt Nam vào làm việc trong năm 2009 theo chương trình EPS.

 

Theo ông, các chính sách hỗ trợ người lao động bị trả về theo ông đã thực sự hiểu quả chưa? Những người về nước đã có việc làm hay được hỗ trợ để tự tạo việc làm như quyết định hỗ trợ của Chính phủ?

 

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động về nước trước hạn do khủng hoảng, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo các doanh nghiệp phải đàm phán với người sử dụng lao động nước ngoài để giải quyết đủ các chế độ đối với người lao động phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định của nước sở tại, đồng thời khi lao động về nước phải thực hiện nghiêm túc việc thanh lý hợp đồng đã ký với người lao động và quy định hiện hành (như hoàn trả 50% tiền phí môi giới đối với lao động làm việc ở nước ngoài dưới phân nửa thời hạn hợp đồng, thanh toán lại phần phí dịch vụ của thời gian còn lại theo hợp đồng).

 

Nhìn chung cho đến nay, các doanh nghiệp đều thực hiện việc thanh lý hợp đồng với người lao động theo đúng quy định của hợp đồng và pháp luật. Một số doanh nghiệp còn có các hình thức hỗ trợ khác ngoài quy định hợp đồng và pháp luật để giúp đỡ những người lao động hạn chế rủi ro, giảm thiệt hại thấp nhất. Đối với lao động có nhu cầu đi làm tại các thị trường khác thì được doanh nghiệp đào tạo, bổ sung tay nghề và ngoại ngữ miễn phí.

 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế, trong đó có chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm ở nước ngoài phải về nước trước hạn trong năm 2009. Theo đó, người lao động về nước trước hạn được hưởng các chính sách như được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm với lãi suất 0,5%/tháng; được vay vốn để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ với lãi suất 0,5%/tháng; hoặc được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi làm việc ở nước ngoài với lãi suất 0,65%/tháng.

 

Trong số lao động được xuất khẩu sang thị trường, đối tượng thuộc diện nghèo chiếm tỷ lệ bao nhiêu?

 

Thời gian qua, trung bình hàng năm ta đưa được khoảng 75.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng số người thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài không nhiều. Trong hai năm 2006 và 2007, số người thuộc 61 huyện nghèo đi xuất khẩu lao động là 5.030 người, chỉ chiếm gần 3% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước. Năm 2008 có khoảng trên 3.000 người ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 50% là người lao động thuộc hộ nghèo.

 

Vậy theo ông thì lý do nào khiến nhiều người nghèo vẫn không thể đi lao động tại nước ngoài để thoát nghèo?

 

Phần lớn người lao động ở các huyện nghèo gặp nhiều khó khăn và hạn chế đi làm việc ở nước ngoài vì một số nguyên nhân sau:

 

- Dân số các huyện nghèo đa phần là người dân tộc thiểu số. Trình độ văn hóa thấp, chỉ có khoảng 9% tổng dân số trong độ tuổi lao động có trình độ phổ thông trung học; gần 60% dân số trong độ tuổi lao động có trình độ văn hóa từ bậc tiểu học trở xuống. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng rất thấp, chỉ có gần 10% lao động qua đào tạo, còn lại là lao động phổ thông. Với đặc thù đó, người lao động bị hạn chế rất nhiều về tay nghề, ngoại ngữ để tham gia xuất khẩu lao động .

 

- Điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân của các hộ nghèo chỉ khoảng 140 nghìn đồng/người/tháng vào năm 2006. Với điều kiện kinh tế như vậy, người lao động không có đủ tiền để tự trang trải chi phí đi làm việc ở nước ngoài.

 

- Nhận thức của người dân địa phương về xuất khẩu lao động còn rất hạn chế. Năng lực và trình độ của cán bộ địa phương về xuất khẩu lao động cũng còn nhiều hạn chế; công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa được quan tâm, chưa làm người dân thay đổi nhận thức để tham gia xuất khẩu lao động .

 

- Do đặc điểm địa lý, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sống phân tán nên các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khó tiếp cận tuyển người lao động ở các huyện nghèo.

 

Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg tạo điều kiện để hỗ trợ người lao động ở các huyện nghèo từ việc đào tạo văn hoá, nghề, ngoại ngữ đến việc tuyển chọn và làm thủ tục cho người lao động được đi làm việc ở nước ngoài. Quyết định mới được ban hành ngày 29-4-2009 và đang được triển khai thực hiện. Với các chính sách hỗ trợ theo Quyết định nói trên, sẽ có nhiều lao động nghèo có điều kiện đi làm việc ở nước ngoài.

 

Từ những lý do như trên thì theo ông, chỉ tiêu trong hai năm 2009-2010 sẽ đưa được 10.000 người nghèo đi liệu có hoàn thành được không?

 

Cục Quản lý lao động ngoài nước hiện đang phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương có huyện nghèo cùng các doanh nghiệp tổ chức triển khai tuyển chọn, đào tạo người lao động nghèo đưa đi làm việc ở nước ngoài. Trước mắt sẽ triển khai thực hiện thí điểm tại Thanh Hóa, Yên Bái và Quảng Ngãi.

 

Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ người lao động học văn hóa, học nghề, ngoại ngữ và các điều kiện cần thiết khác để có đủ điều kiện đi làm việc ở nước ngoài. Với sự hỗ trợ theo quyết định nói trên và qua triển khai bước đầu, có thể thấy chúng ta sẽ đạt được mục tiêu nói trên.

 

Xin cảm ơn ông!

(Nguồn:Thời báo kinh tế Sài Gòn)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.