Đưa cảng nước sâu Cái Mép vào hoạt động, không chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mà doanh nghiệp xuất khẩu của Campuchia cũng được hưởng lợi. Một số hãng tàu đang xúc tiến khai thác cảng nước sâu của Việt Nam như một cảng trung chuyển của khu vực.
|
Từ đầu tháng 6, có hai chuyến hàng chuyển tải từ Campuchia tới Cái Mép. Ảnh: Thùy Vân
|
Cái Mép hoạt động, hàng Campuchia hưởng lợi
Đi vào hoạt động từ đầu tháng 6, theo hãng tàu Mitsui O.S.K Line (MOL), thứ năm tuần này là chuyến thứ ba hãng tàu này nhận hàng từ Campuchia trung chuyển tại Cái Mép đi Mỹ. Lượng hàng xuất khẩu từ Camphuchia trên chuyến tàu này dự kiến trên 100 TEU.
Hiện nay, container từ Phnom Penh được vận chuyển bằng sà lan tự hành đến cảng Cái Mép vào thứ hai hàng tuần để bắt kịp chuyến tàu thứ năm. Thời gian đi từ Phnom Penh đến Cái Mép mất khoảng hai ngày. Theo MOL, vận đơn được cấp cho khách hàng tại văn phòng MOL ở Phnom Penh và hàng vận chuyển vào Việt Nam dưới hình thức hàng chuyển tải. MOL là hãng đầu tiên mở tuyến chuyển tải từ Campuchia sang Việt Nam để đi Mỹ. Theo hãng này, sử dụng cảng Cái Mép sẽ giảm bớt thời gian vận chuyển từ hai tới mười ngày, tuỳ theo cảng đến ở Mỹ hay Canada.
Hai hãng tàu khác là APL và Hyundai cũng gấp rút xúc tiến việc nhận hàng từ Campuchia từ tuần này. Hiện nay việc vận chuyển hàng từ Camphuchia về Việt Nam chủ yếu do công ty Sovereign, công ty Đài Loan đầu tiên xây dựng cầu cảng tại Phnom Penh – đảm nhận.
Cơ hội cho hàng Đông Nam Á
Phía Campuchia cũng nhận định cảng biển Sihanoukville sẽ giảm sản lượng khi cảng Cái Mép ra đời. Cảng vụ Sihanoukville cũng cho hay sẽ trung chuyển tàu container đến TP.HCM thay vì cảng Singapore hoặc Hong Kong. Theo thống kê của cơ quan thống kê Mỹ, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Campuchia năm 2008 đạt 2,56 tỉ USD, trong đó Campuchia xuất khẩu sang Mỹ đến 2,41 tỉ USD. Nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Campuchia là dệt may (2,39 tỉ USD).
H.S (Phnom Penh Post, U.S Census)
|
Cảng nước sâu tại Việt Nam ra đời sẽ nhanh chóng thay đổi luồng chu chuyển hàng hoá của cả khu vực. Theo MOL, hãng tàu này đã có kế hoạch đưa hàng từ Indonesia, Philippines, Thái Lan, và Ấn Độ đến với Cái Mép. Tuy nhiên hiện nay, lượng hàng khổng lồ này chưa thể cập cảng Cái Mép do cở sở hạ tầng cảng vẫn chưa hoàn thiện. Hai cảng SP – PSA và Cái Mép – Thị Vải mỗi cảng chỉ có thể tiếp nhận cùng lúc một tàu mẹ trong khi từ đây đến cuối năm có tới bảy hãng tàu khai thác tuyến Mỹ lần lượt đưa tàu vào. Các hãng tàu đã lên kế hoạch đưa tàu feeder chuyên chở hàng chuyển tải từ các nước trong khu vực về Việt Nam, nhưng tất cả đều đang chờ hoàn thành cầu cảng. MOL dự kiến trong năm nay sẽ đưa hàng từ Indonesia, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ tập kết tại Vũng Tàu để đi Mỹ, sau khi cầu cảng khu vực này đã hoàn thành để đón nhiều tàu mẹ cùng lúc.
Chọn Việt Nam là cảng trung chuyển là lựa chọn mới cho các hãng tàu có hành trình xuyên Thái Bình Dương. Lợi thế lớn nhất là vị trí địa lý nằm ở trung tâm của khu vực và có chi phí rẻ hơn so với các cảng trung chuyển truyền thống lâu nay là Singapore, Hong Kong. Theo các hãng tàu, một container từ Camphuchia đi Mỹ trung chuyển qua Việt Nam sẽ rút ngắn được một tuần và tiết kiệm được từ 200 – 300 USD so với trung chuyển tại Singapore, Hong Kong. Do vậy, một phần không nhỏ lượng container trung chuyển của các nước sẽ dịch chuyển sang cảng Việt Nam. Còn đối với doanh nghiệp Việt Nam, hàng xuất khẩu đi trực tiếp Mỹ sẽ giúp rút ngắn chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên cho tới khi nào doanh nghiệp Việt Nam nắm quyền quyết định nhà cung cấp dịch vụ logistics thì mới nắm trong tay lợi thế này, nếu không thì thuận lợi lớn này vẫn thuộc về các công ty Mỹ.
Trong khi chờ đợi doanh nghiệp logistics trong nước phát triển, mỗi container chuyển tải sẽ mang lại từ 45 – 70 USD phí xếp dỡ cho cảng, tuỳ theo loại container.