Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Dòng vốn FDI vẫn chảy
Ngày: 6/26/2009 10:02:19 AM
Dù sự phục hồi kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự rõ ràng, song những chuyển động nhất định trong giới đầu tư cho thấy sự chuẩn bị cho giai đoạn hậu khủng hoảng đã rục rịch.

8,87 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2009, trong đó, vốn đăng ký mới khoảng 4,7 tỷ USD, số còn lại là vốn tăng thêm.

Nhiều khả năng, dự án khu hành chính mới Nhơn Trạch của Đồng Nai với tổng vốn đầu tư ước khoảng 2 tỷ USD sẽ sớm được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các bước xem xét, thẩm định dự án này đã gần như hoàn thành.

Như vậy, con số 8,87 tỷ USD vốn FDI đăng ký tới ngày 19/6/2009, tính cho 6 tháng đầu năm 2009, đang có khả năng thay đổi mạnh. Mặc dù kết quả thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm không đạt mức kế hoạch (khoảng 10 tỷ USD), thì khả năng thu hút được 20 tỷ USD vốn FDI trong cả năm 2009, theo ông Thắng, là khả thi.

Dù sự phục hồi kinh tế thế giới vẫn chưa thực sự rõ ràng, song những chuyển động nhất định trong giới đầu tư cho thấy sự chuẩn bị cho giai đoạn hậu khủng hoảng đã rục rịch.

Tại Việt Nam, một loạt dự án lớn vừa được khởi công, như dự án Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Starbay (Vương quốc Anh) trị giá 1,8 tỷ USD tại Phú Quốc. Công ty TNHH Doosan Vina cũng mới khánh thành tổ hợp chế tạo công nghiệp nặng lớn nhất Việt Nam, trị giá 300 triệu USD tại Khu kinh tế Dung Quất.

Trong tuần này, Tập đoàn Piaggio (Italia) cũng chính thức khánh thành nhà máy sản xuất xe máy có tổng vốn đầu tư khoảng 50 triệu USD tại Vĩnh Phúc. Dự án thép lên tới 1,38 tỷ USD của China Steel Corp (Đài Loan) và Sumitomo Metal (Nhật Bản) cũng vừa được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư…

Nhìn xa hơn vào các đề xuất đầu tư có tính khả thi cao của các nhà đầu tư nước ngoài trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2009 - 2010, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn theo xu hướng khá ổn định.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, hiện có khoảng 187 dự án, với tổng vốn khoảng 85 tỷ USD đang được các nhà đầu tư đề xuất với chính quyền các địa phương.

Trong số này, có không ít các siêu dự án, như dự án Golden Bay trị giá 6 tỷ USD của Lainad Development Pty Ltd. (Australia) tại Lâm Đồng; dự án 4,8 tỷ USD tổ hợp hoá dầu của các nhà đầu tư Ả rập Xêút và Trung Quốc tại Khánh Hoà. Riêng Phú Quốc, các nhà đầu tư từ Hàn Quốc đã đề xuất 3 dự án trong lĩnh vực khu nghĩ dưỡng với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD…

Tất nhiên, bài toán khó cho cả Việt Nam và từng địa phương là kết nối được các ý tưởng, kế hoạch đầu tư của các nhà đầu tư và nhu cầu, định hướng phát triển chung của các địa phương và cả nước. Cho tới thời điểm này, khoảng cách này vẫn khá xa và chưa có nhiều dấu hiệu thu hẹp hữu hiệu.

Nhìn vào tỷ lệ giải ngân vốn FDI hàng năm, có thể nói, khả năng hấp thụ của nền kinh tế Việt Nam với nguồn vốn này đang giới hạn ở mức khoảng 10 tỷ USD/năm. Vào năm ngoái, con số 11,7 tỷ USD giải ngân vốn FDI được cho là đạt ngưỡng trong bối cảnh hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hàng loạt nút thắt của nền kinh tế vẫn chưa cải thiện mạnh.

Như vậy, con số 4 tỷ USD giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2009 cũng được cho là không quá kém trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gánh chịu những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu…

Với báo cáo thống kê từ các địa phương, với các kế hoạch xúc tiến vào cuối năm của nhiều dự án, thì khả năng năm 2009, mức giải ngân vẫn có thể đạt 8 tỷ USD.

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là những rào cản của giải ngân, như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm trễ trong giao đất đúng cam kết, ách tắc giao thông, thiếu đường kết nối… đã được giải quyết ổn thoả. Trong đợt rà soát vừa qua của Cục Đầu tư nước ngoài, các vướng mắc này vẫn đang nổi lên mạnh mẽ.

“Chúng tôi đã có kế hoạch làm việc với các dự án có vướng mắc để giải quyết triệt để. Cụ thể, TP.HCM đã lên danh sách 38 dự án khó triển khai (trong tổng số 50 dự án chậm trễ) sẽ được các cơ quan phối hợp làm việc trực tiếp”, ông Thắng cho biết.

Đồng thời, cũng vào cuối năm, số dự án chậm không thể triển khai, có thể buộc phải rút giấy chứng nhận đầu tư cũng sẽ được công bố.

Khoảng thời gian để cả các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư cùng tận dụng tối đa hiệu quả từ các dự án đầu tư nước ngoài chậm trễ khai không còn nhiều…

(Nguồn:Đầu tư)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.