Triển lãm MTA Vietnam lần đầu tổ chức tại TP.HCM năm 2005 và đã nhanh chóng trở thành sự kiện thương mại về các giải pháp trong sản xuất liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp tại Việt Nam.
Năm nay, MTA Vietnam 2009 sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ - triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 8-11/7/2009 do Công ty Dịch vụ triển lãm Singapore (SES) phối hợp cùng Công ty Tổ chức triển lãm VCCI TP.HCM tổ chức. Trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế Việt Nam, ông William Lim, Giám đốc Dự án Triển lãm MTA Vietnam 2009 bày tỏ sự tin tưởng rằng triển lãm lần này sẽ thành công hơn những năm trước.
MTA Vietnam 2009 có gì mới, thưa ông?
Điểm mới của MTA 2009 là sự hiện diện của các ngân hàng như Vietinbank, Techcombank, VIBank tư vấn cho DN trong, ngoài nước về cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính của Việt Nam khi đầu tư vào lĩnh vực cơ khí. MTA lần này còn có khu vực dành cho các đơn vị tham gia triển lãm liên kết cung ứng sản phẩm cơ khí trong giảng dạy, giới thiệu các chương trình được thiết kế đặc biệt cho việc cải thiện kỹ năng, ứng dụng giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật cơ khí Việt Nam. Khu vực này sẽ có sự tham gia của các trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Cao đẳng Dạy nghề Cao Thắng, Đại học Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Nguyễn Tất Thành, Cao đẳng Công nghệ Hùng Vương.
Vì sao ông kỳ vọng MTA Vietnam 2009 sẽ thành công hơn những năm trước?
Trong 5 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam ước đạt 265,6 ngàn tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ. Xuất khẩu các sản phẩm cơ khí của Việt Nam cũng trong xu hướng tăng, năm 2007 là 2,3 tỷ USD, năm 2008 là 2,9 tỷ USD. Ngành cơ khí Việt Nam có mục tiêu chiến lược phát triển đến năm 2010 đáp ứng 45-50% nhu cầu trong nước và xuất khẩu, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản xuất. Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp như kích cầu, đầu tư qua việc cho vay vốn lãi suất thấp, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được hỗ trợ vay vốn ưu đãi đặc biệt và chuẩn bị cho xây dựng một trung tâm cơ khí chế tạo trọng điểm khu vực phía Bắc với giá trị 200 triệu USD. Việt Nam có nhiều lợi thế như dân số trẻ, cần cù, những cam kết của Việt Nam khi là thành viên WTO trong cải cách hành chính, hiện đại hóa Luật Thương mại, thị trường trong nước chưa được khai thác hết, tiềm năng phát triển của các DN cơ khí Việt Nam còn nhiều.
Với các lợi thế và những số liệu phát triển trên của ngành cơ khí trong nước, các nhà sản xuất cơ khí toàn cầu đang nắm bắt cơ hội để phát triển việc kinh doanh của họ tại Việt Nam. MTA 2009 năm nay là một minh chứng với sự tham dự của trên 226 công ty đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó sẽ có 9 nhóm gian hàng của các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật, Singapore, Đức và lãnh thổ Đài Loan. Đặc biệt, các DN Đài Loan tham gia MTA lần đầu song đã chiếm 400 m2 diện tích trưng bày sản phẩm, DN Hàn Quốc tăng từ 8 DN (MTA 2008) lên 17 DN trong MTA 2009. Hầu hết DN nước ngoài dự MTA 2009 đều biết rõ nhu cầu thị trường ngành cơ khí Việt Nam nên rất hy vọng sẽ tăng các quan hệ, hợp đồng thương mại.
MTA Vietnam 2009 sẽ mang lại lợi ích gì cho DN Việt Nam?
Các nhà đầu tư cơ khí tham gia MTA Vietnam 2009 (80% là DN từ các nước) sẽ giúp DN Việt Nam nắm bắt được các công nghệ sản xuất cơ khí hiện đại trên thế giới, giao lưu với DN cơ khí các nước nhằm tăng thêm hiểu biết, các mối quan hệ cũng như sức cạnh tranh cho các DN vừa và nhỏ, đồng thời kích thích sự phát triển của công nghiệp phụ trợ. Các trường đào tạo công nhân kỹ thuật, công nghiệp trong nước sẽ nắm bắt được xu thế phát triển của lĩnh vực cơ khí để thiết kế các chương trình học thích ứng nhu cầu phát triển cho sinh viên, học sinh.
MTA Vietnam 2009 sẽ tập trung vào đối tượng nào?
Đối tượng tham quan MTA 2009 là doanh nhân, DN từ khu vực sản xuất ôtô, điện - điện tử, cơ khí chính xác, gia công kim loại, sản xuất phụ tùng, sản xuất theo hợp đồng, các nhà thầu phụ, các ngành công nghiệp phụ trợ, lãnh đạo các trường công nhân kỹ thuật, giáo sư, giáo viên, sinh viên ngành công nghiệp…
Xin cảm ơn ông!