Trạm cân Dầu Giây được đầu tư gần 8 tỉ đồng, hoạt động sau ba tháng thí điểm đã phạt xe quá tải hơn 3 tỉ đồng, nhưng xe quá tải "né" trạm này đã gây ra thiệt hại cho địa phương 70 tỉ đồng. Chưa kể, hàng ngày có trên trăm người là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông… được huy động để “phối hợp”. Dù vậy, cục Đường bộ Việt Nam vẫn khẳng định sẽ tiếp tục lập thêm trạm mới để “giăng lưới” xe quá tải.
Trạm cân Dầu Giây đặt "nhầm chỗ", gây ra nhiều thiệt hại cho địa phương.
Tại buổi sơ kết hoạt động ba tháng của trạm cân Dầu Giây (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vào sáng 3.7, ông Nguyễn Văn Điệp, giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đã nêu một số hậu quả do các xe quá tải trốn trạm kiểm tra tải trọng ở trạm cân Dầu Giây gây ra cho địa phương.
“Sau khi trạm cân Dầu Giây hoạt động, xe tải nặng đi qua các đường tỉnh và đường địa phương trong khu vực tăng đột biến. Ở nhiều tuyến đường của địa phương, lượng xe tăng lên hàng trăm chiếc/ngày đêm”, ông Điệp nói.
Lợi bất cập hại
Những xe quá tải trọng trên khi qua các “đường làng” đã cày nát mặt đường, làm mặt đường bê tông bị lún, nứt, trồi sụt, đọng nước… Ông Điệp ước tính tổng thiệt hại đến thời điểm hiện nay trên các tuyến đường đó khoảng 50km và diện tích mặt đường cần tái lập là 145.000m2, tương đương 70 tỉ đồng.
Trong khi thống kê của trạm cân, sau ba tháng hoạt động thí điểm đã xử phạt hơn 1.350 trường hợp vi phạm, thu được tròm trèm hơn ba tỉ đồng. Con số này còn khá khiêm tốn so với số vi phạm quá tải ở “các tuyến đường tránh”: 3.830 vi phạm với tổng số tiền phạt gần 4,9 tỉ đồng.
Thượng tá Võ Văn Sáng, phó giám đốc công an tỉnh Đồng Nai nhận xét: “Vị trí đặt trạm cân là yếu tố hàng đầu, quyết định hiệu quả của hoạt động trạm. Lẽ ra trạm phải đặt ở vị trí hạn chế tối đa xe tải đi đường khác tránh trạm, đằng này, trạm cân Dầu Giây lại không như thế và có đến… 16 tuyến đường tỉnh, đường huyện và hàng chục đường nông thôn, đường nội bộ khu công nghiệp, khu dân cư mà lái xe có thể chọn tránh trạm”.
Do có quá nhiều đường tránh trạm, mỗi ngày địa phương phải bố trí gần 110 nhân viên liên ngành (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an xã…) chia làm ba ca “chốt chặn” ở các đường nhánh. Chưa kể còn có 6 cảnh sát giao thông được biệt phái tại trạm. Theo thượng tá Sáng, về lâu dài sẽ rất khó khăn. Cảnh sát giao thông ngoài nhiệm vụ chính là tuần tra, kiểm soát để đảm bảo trật tự, an toàn và chống ùn tắc; nay phải căng kéo phối hợp. Kéo dài cách làm như hiện nay không những tốn nhiều lực lượng mà còn tốn kém kinh phí cho lực lượng liên ngành này hoạt động.
Đề nghị ngưng, nhưng tiếp tục “giăng lưới”
Ngoài hạn chế về vị trí đặt trạm mà các đại biểu đã phân tích, ông Nguyễn Văn Điệp còn cho biết đầu tư trạm mà không thiết kế hạng mục hạ tải là một hạn chế rất lớn.
Theo ông Điệp, mục tiêu chính của trạm là phát hiện và giúp các phương tiện vận quá tải phải hạ tải, mới bảo vệ được cầu đường, chứ không thể “phạt rồi cho đi”. Nếu vậy thì việc lập trạm không có ý nghĩa, không đạt được mục đích bảo vệ cầu đường và còn làm dư luận nghĩ rằng lập trạm là để thu phạt chứ không phải để bảo vệ cầu đường. Đây là lý do các lái xe, chủ phương tiện né trạm để tránh bị thổi phạt.
Đại diện hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cũng nhận xét, cách kiểm tra tải trọng xe hiện nay thiếu đồng bộ, không giải quyết được triệt để “vấn nạn chở quá tải”; đồng thời tạo sự bất bình đẳng về giá cước giữa các doanh nghiệp vận tải.
“Chính quyền Đồng Nai nhận thấy vị trí trạm cân Dầu Giây hiện hữu là không hợp lý. Lẽ ra nó phải đặt ở khu vực gần ngã ba Dầu Giây, nơi xe tải muốn tìm đường tránh cũng không được. Đồng Nai đề nghị tìm vị trí khác thích hợp hơn để đặt trạm cân Dầu Giây”, ông Dương Danh Quý, chánh văn phòng ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai kiến nghị.
Ông Ngô Quang Đảo, cục phó cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận: trạm cân Dầu Giây có một số khiếm khuyết và “Có ngày tôi nhận được tám cuộc điện thoại “góp ý” về trạm cân, thậm chí có người còn văng tục”, ông Đảo nói.
Tuy nhiên, theo ông Đảo, những sai sót trong thời gian thí điểm ban đầu dần được khắc phục. Còn vị trí đặt trạm là "do lịch sử để lại" sẽ tiếp tục duy trì, chứ không thể vừa đầu tư gần 8 tỉ đồng, chỉ hoạt động được vài tháng mà phải dời trạm đi nơi khác.
Ông Đảo khẳng định, trạm cân là “cánh tay bảo vệ cầu đường” nên không thể có chuyện “dẹp” trạm được. Theo quy hoạch chung đã được duyệt, có 27 trạm cân trên cả nước sẽ được thành lập, và theo yêu cầu của các địa phương, sẽ có thêm sáu trạm cân nữa (!). “Hệ thống trạm cân trên cả nước sẽ được triển khai, thực hiện đồng bộ ở những địa phương khác. Khi đó áp lực cho trạm Dầu Giây sẽ giảm bớt, vì tất cả các trạm cân trên cả nước hoạt động sẽ tạo thành cái lưới mà xe quá tải khó thể lọt qua”, ông Đảo khẳng định.