Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2015, mỗi năm trên thế giới sẽ có 15 triệu người mới mắc bệnh ung thư và 9 triệu người chết do ung thư, trong đó 2/3 là ở các nước đáng phát triển.
Tại Việt Nam vào năm 2010, dự kiến mỗi năm sẽ có khoảng 200.000 trường hợp mới mắc căn bệnh này và 100.000 trường hợp tử vong.
Ở nước ta, đối với nam giới, ung thư phổi đứng hàng đầu, tiếp đến là ung thư dạ dày; còn ở nữ giới, ung thư vú đứng hàng đầu rồi sau đó là ung thư cổ tử cung; tỷ lệ mắc ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở phía Bắc là 27,3/100.000 dân, còn ở phí Nam là 17,1/100.000 dân...
Bệnh ung thư hiện là nguyên nhân hàng đầu đe doạ sức khoẻ của cộng đồng trong nhóm bệnh không lây nhiễm. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị "Sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ung thư và kế hoạch năm 2009 - 2010" do Bộ Y tế tổ chức ngày 8/7.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nêu rõ: Dự án phòng chống ung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006 - 2010 đã được Chính phủ phê duyệt và bắt đầu triển khai từ năm 2008. Đây là Dự án nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống ung thư trong các cơ sở y tế; từng bước giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết do ung thư và cải hiện chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
Ts Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K cho biết: Theo kết quả điều tra của Dự án đối với 12.050 người tại 12 tỉnh, thành phố về kiến thức, thực hành về phòng một số bệnh ung thư phổ biến của cộng đồng dân cư cho thấy: trong 10 câu hỏi về kiến thức phòng chống ung thư cơ bản thì có 35% trả lời đúng, đạt; 67,2% cho rằng ung thư là bệnh nan y nên việc phát hiện sớm hay muộn cũng như nhau và 35,8% cho rằng ung thư nếu đụng dao kéo sẽ di căn sớm và nhanh chết. Bên cạnh đó, qua khảo sát ở một số bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố cũng cho thấy đều thiếu trang thiết bị, nhân lực thiếu và yếu trong điều trị ung thư; 9 bệnh viện chưa có khoa Giải phẫu bệnh lý ; 10/63 bệnh viện tuyến tỉnh không điều trị bệnh nhân ung thư... Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến số người mắc các bệnh ung thư ở nước ta ngày càng gia tăng.
Trước thực trạng trên, để tiếp tục giảm tỷ lệ người mắc và chết do bệnh ung thư, giai đoạn 2009 - 2010, Dự án phòng chống ung thư phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố điểm có triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục phòng chống ung thư đến tuyến huyện; khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, cổ tử cung cho 50.000 phụ nữ nhóm tuổi có nguy cơ cao tại một số tỉnh, thành phố; triển khai ghi nhận ung thư quần thể tại 2 địa phương là Đà Nẵng và Kiên Giang; tổ chức 8 lớp tập huấn về phòng chống ung thư cho cán bộ y tế...
Được biết sau một năm thực hiện, bên cạnh 18 khoa ung bướu đã được thành lập, Ngành ung thư Việt Nam kết hợp với Chương trình phòng chống ung thư quốc gia tư vấn thành lập và đưa vào hoạt động thêm 5 khoa ung bướu tại bệnh viện đa khoa các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Cạn và Bình Định. Đồng thời, Dự án đã tiến hành sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, cổ tử cung cho trên 31.500 phụ nữ trong nhóm tuổi từ 30 - 54 có nguy cơ cao tại Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ; bước đầu xây dựng mô hình chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại cộng đồng ở Hà Nội và Thừa Thiên Huế; thành lập và đưa vào hoạt động đơn vị điều trị đau và chăm sóc triệu chứng tại bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh...