Ngày 7-10-2008, Cảng Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Cảng Đà Nẵng - cơ hội và tiềm năng đối với các DN xuất nhập khẩu miền Trung và Tây Nguyên”.
Tại hội thảo này, Cảng Đà Nẵng đã nhận được nhiều hiến kế hay để giải bài toán lâu nay cả cảng và các DN đều quan tâm, đó là tình trạng “hàng ít giá cao, giá cao hàng ít”. Gần một năm sau - một quỹ thời gian không dài, tuy nhiên với sự nỗ lực hết mình, Cảng Đà Nẵng đã có những chuyển động tích cực.
Chỉ tính riêng tháng 5-2009, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã lên đến 340 nghìn tấn, nâng tổng số hàng hóa thông qua cảng tính từ đầu năm đến cuối tháng 5 đạt trên 1,17 triệu tấn, tăng 10% so với thời điểm cảng tổ chức hội thảo. Điểm đáng lưu ý là trong tháng 5 vừa qua, cảng cũng lập được kỷ lục về hàng container qua cảng với mức 6.185 teus. Đến hết tháng 5 cũng đã có 11 lượt tàu chở hàng tổng hợp, với sản lượng 160 nghìn tấn thông qua cảng. Trong số này có đến 123 nghìn tấn hàng xuất khẩu và 37 ngàn tấn hàng nhập khẩu. Về hàng container cũng đã có 15 lượt tàu cập cảng với tổng sản lượng hàng hóa là 200 nghìn tấn, đạt mức trung bình 13 nghìn tấn/ngày.
Có được kết quả này, trước hết nhờ cảng đã biết huy động tối đa mọi nguồn lực hiện có để giải quyết yêu cầu của khách hàng là tăng năng lực giải phóng tàu, hạn chế mức thấp nhất thời gian hàng hóa lưu tại cảng. Để thực hiện điều tưởng rất đơn giản này, cảng đã cùng lúc triển khai nhiều biện pháp. Đầu tiên là công tác tiếp thị đã được thay đổi theo hướng chủ động hơn với phương châm “Tìm đến khách hàng chứ không để khách hàng tìm mình”. Nhờ vậy, thời gian gần đây tại Cảng Đà Nẵng đã thu hút được mặt hàng nông sản như sắn lát từ Tây Nguyên, gỗ cây từ Nam Lào.
Bên cạnh đó, nguồn hàng chủ lực lâu nay của cảng là xi-măng, clinke, sắt thép, phân bón đã có sự tăng trưởng với mức bình quân từ 10-20%. Nếu như trước đây, mỗi khi tàu có trọng tải lớn đều gặp khó khăn về kho bãi, chỗ neo đậu tàu, cũng như vấn đề sửa chữa thì nay đã được cải thiện rất nhiều. Để có được điều này, cảng vừa hoàn thành việc nạo vét Cảng Tiên Sa 2 và 3, nâng độ sâu mớm nước từ 8,6 mét lên 10 mét. Nhờ vậy, lần đầu tiên tàu Svyatoy có độ mớm nước đến 9,9 mét đã cập được Cảng Tiên Sa với 21 nghìn tấn phân urê.
Công tác phân công trực bốc vác giải phóng hàng hóa cũng được điều chỉnh linh hoạt hơn, bảo đảm bất cứ lúc nào tàu hàng đến cảng cũng đủ lực lượng để giải phóng hàng nhanh nhất. Ngay như công tác sửa chữa cũng được đưa vào guồng hoạt động, với việc thường xuyên bố trí cán bộ kỹ thuật túc trực để đáp ứng nhanh nhất những yêu cầu từ khách hàng. Đặc biệt, thời gian qua, lãnh đạo Cảng Đà Nẵng rất tích cực và chủ động đón đầu thời cơ từ tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây mang lại, bằng việc thường xuyên tổ chức những đoàn nghiên cứu thị trường của vùng hậu phương rộng lớn từ Myanma, Thái Lan, Lào, và vùng Tây Nguyên để đón bắt cơ hội.
Song song, cảng cũng gần như không bỏ sót một hoạt động mang tính quảng bá, tiếp thị nào được tổ chức trên lãnh thổ các nước thuộc tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây và Trung Quốc. Qua những hoạt động như vậy, cảng đã thực hiện được nhiều hợp đồng ghi nhớ rất có giá trị cho thời gian đến. Những khó khăn từ bài toán “hàng ít giá cao, giá cao hàng ít” chưa thể được giải quyết một cách trọn vẹn. Tuy nhiên với những gì đạt được, hy vọng thời gian đến Cảng Đà Nẵng phát huy hết lợi thế tiềm năng của mình để có được lời giải trọn vẹn hơn cho bài toán trên.