Giá phôi thép, thép phế liệu nhập khẩu, thuế nhập khẩu phôi thép, giá điện, giá dầu và tỷ giá VND/USD đồng loạt tăng là những nguyên nhân chủ yếu khiến giá thép tăng liên tục từ tháng 4 năm nay và đang rục rịch tăng tiếp.
Thép nội lại sắp tăng giá
Giá thép Việt Nam đang cao hơn so với thép nhập khẩu từ các nước ASEAN và Trung Quốc. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã trao đổi với phóng viên ANTĐ xung quanh vấn đề này.
- Giá thép trong nước đang cao hơn thép của ASEAN và Trung Quốc khoảng 700.000 đồng/tấn. Việc tiếp tục tăng giá thép có bất lợi với doanh nghiệp trong nước?
- Ông Phạm Chí Cường: Thuế nhập khẩu đối với thép của các nước ASEAN khi vào Việt Nam là 0%, còn Trung Quốc đang có chính sách thoái thu thuế từ 9-13% đối với thép xuất khẩu, do đó giá cả của họ rẻ hơn giá của ta. Nếu thép nội tăng giá, mức chênh lệch giữa thép nội và thép ngoại cao thì thép ngoại sẽ tràn vào.
Tháng 6 vừa qua, lượng thép cây nhập khẩu là 2,7 vạn tấn; thép cuộn 18 vạn tấn. Thép cuộn của Việt Nam và thép nhập khẩu đều không có nhãn mác nên được bán lẫn lộn, sức mua lớn, đây là thách thức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Còn thép cây thì doanh nghiệp Việt Nam không ngại, bởi sức tiêu thụ ít, trên mỗi cây thép đều gắn thương hiệu. Người tiêu dùng trong nước đã biết chọn những sản phẩm này vì chất lượng hơn hẳn hàng nhập khẩu.
Nước ta hiện sản xuất được thép xây dựng, thép ống, thép tôn mạ kẽm, còn các chủng loại thép khác trong nước phải nhập hoàn toàn. Tôi đang lo ngại về thép cuộn và thép cán nguội, bởi 2 loại này tràn vào nước ta tương đối nhiều. Tháng 5 vào gần 5 vạn tấn thép cuộn, thép cán nguội vào 7,6 vạn tấn. Giá của họ đang thấp hơn hàng sản xuất trong nước 700.000-800.000 đồng/tấn.
Việc tăng giá thép trong thời điểm hiện tại rõ ràng không có lợi nhưng vẫn buộc phải tăng, vì các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc tự túc được 1/2 nhu cầu quặng để sản xuất phôi, than họ còn dư thừa để xuất khẩu. ASEAN phải nhập khẩu nguyên liệu giống như Việt Nam nhưng họ có các nhà máy lớn, đã hoạt động mấy chục năm. Nhiều nhà máy thép trong nước có chi phí điện gấp đôi, tiêu tốn lượng dầu gấp đôi và vẫn “nuôi” 8.000-9.000 công nhân.
Vậy theo ông, các doanh nghiệp thép Việt Nam cạnh tranh với hàng nhập khẩu bằng cách nào?
- Ông Phạm Chí Cường: Các doanh nghiệp thép trong nước mới sản xuất thép trong mấy năm gần đây, cơ cấu giá thành có chi phí tài chính cao, bởi nhà máy vừa xây dựng, doanh nghiệp còn phải trả nợ và khấu hao tài sản, mà doanh nghiệp thép thì phải trả nợ mấy chục năm mới hết. Trong khi nước ngoài sản xuất lớn, khấu hao tài sản xong rồi thì có thể hạ giá thành sản phẩm.
Theo tôi, những dự án thép mới phải được đầu tư công nghệ hiện đại, quy mô lớn để chi phí sản xuất thấp, nâng cao năng suất. Trước mắt, doanh nghiệp trong nước cần tự túc sản xuất phôi, để tăng tính chủ động. Ví dụ như “tôi” đã sản xuất phôi được thì bây giờ “ông” chào hàng giá cao, tôi có quyền mặc cả, và có thể không nhập. Bên cạnh đó là các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất và các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước.
Như vậy có thể hiểu là bài toán giá thép còn chưa có lời giải?
- Ông Phạm Chí Cường: Chuyện “chiến đấu” với hàng nhập khẩu rất dai dẳng. Ngay cả nước lớn như Mỹ, họ tự chủ nhưng cũng luôn luôn lo đối phó. Ví dụ, các doanh nghiệp Việt Nam mới xuất khẩu ống thép sang Mỹ chiếm gần 3% lượng hàng nhập khẩu của họ mà đã sắp bị kiện bởi giá rẻ. Tuy nhiên, các nước: Nhật, Mỹ, châu Âu... thuận hơn là họ dùng thép chất lượng cao nên thép Trung Quốc không dễ vào. Việt Nam lại chủ yếu dùng thép xây dựng, chất lượng bình thường nên hàng giá rẻ tràn vào. Sắp tới, những nhà máy lớn đưa cộng nghệ hiện đại vào thì có thể cạnh tranh ngang ngửa với họ, nhưng những nhà máy này mới đang trong giai đoạn xây dựng. - Xin cảm ơn ông!