Những cảnh báo “đáng sợ” về biến đổi khí hậu ở TPHCM
Ngày: 7/15/2009 12:27:12 PM
Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế ICEM vừa công bố nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở TPHCM. Theo một số nhà khoa học, những dự báo của ICEM có phần “đáng sợ” nhưng cũng không phải là không có cơ sở.
Khoảng 40 năm nữa, hơn một nửa diện tích TPHCM sẽ thường xuyên ngập lụt.
61% diện tích TP sẽ thường xuyên ngập úng
Theo tổ chức ICEM, hiện tại có 154 xã phường của TPHCM đã chịu ngập úng thông thường. Đến năm 2050, dự báo con số này sẽ lên đến 177, chiếm 61% diện tích thành phố. Đặc biệt, khi xuất hiện bão thì 30 xã nữa sẽ bị ảnh hưởng, chiếm 71% diện tích thành phố. Có nghĩa là sẽ có gần 142.000 ha bị ngập úng vào năm 2050 khi có bão bất thường.
Theo tổ chức ICEM, ngập úng thông thường xảy ra hàng ngày do thủy triều lên xuống và theo mùa do mưa lớn, bão và triều cường mạnh trong suốt đợt gió mùa.
Điều đáng quan ngại nhất chính là những cơn mưa do gió mùa Tây Nam sẽ là mối đe dọa lớn nhất gây ra ngập úng cục bộ. ICEM đưa ra ví dụ năm 2050 tại quận 9, đa số các phường bị ngập hơn 150 ngày/năm. Nếu có những sự kiện bất thường thì khu vực này sẽ bị ngập từ 4 đến 35 ngày. Diện tích ngập úng tăng thêm 3% khi xảy ra ngập úng bất thường và 7% khi xảy ra ngập úng thông thường. Cường độ của những cơn bão nhiệt đới đổ bộ gần TPHCM sẽ có thể mạnh hơn.
Tác động xấu tới kinh tế, xã hội, giao thông…
Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam dự báo hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ làm nhiệt độ ở Việt Nam tăng từ 1- 2 độ C vào năm 2050 và 1,5 - 2,5 độ C vào năm 2070. Mực nước biển cũng sẽ dâng cao thêm 30 - 35 cm năm 2050 và 40 - 50 cm năm 2070. Cho tới năm 2100, nhiệt độ có thể tăng thêm 3 độ C và mực nước biển tăng 60 - 70 cm. |
Theo nghiên cứu của ICEM, ngập úng làm hư hại đường sá, cầu cống, cản trở giao thông. Tổ chức này cho rằng sẽ có hơn một nửa nút giao thông hiện có và dự kiến có ở TP Hồ Chí Minh sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập úng bất thường năm 2050. Sẽ có 187km đường sắt, 33km đường một ray và đường ray trên không, 36km đường xe điện ngầm nằm trong khu vực có nguy cơ ngập úng bất thường. Các sân bay hiện có và trong tương lai có cốt nền cao hơn và sẽ không bị ngập úng, nhưng sẽ không thể tiếp cận được vì xung quanh là các con đường bị ngập úng. Ngập úng sẽ làm ảnh hưởng đến các nhà máy xử lý nước thải. Sự xâm nhập của nước biển làm cho chất lượng nước ngầm xấu đi.
Ngoài ra, sức khỏe người dân TPHCM sẽ bị ảnh hưởng khi ngập úng làm tăng tỷ lệ các bệnh về đường ruột do nước như tả và lỵ, tiêu chảy…
Trước khi có nghiên cứu này, ICEM đã thực hiện một đánh giá nhanh về ảnh hưởng của mực nước biển dâng 1,0 m tại TPHCM. Theo đó, TPHCM là thành phố bị ảnh hưởng lớn thứ 5 tại Việt Nam và đồng thời là khu vực đô thị lớn nhất bị ảnh hưởng với 43% diện tích đe dọa sẽ bị ngập vĩnh viễn. Hơn 12% dân số TPHCM sẽ bị ảnh hưởng do hiện tượng ngập vĩnh viễn.
Phần đông cư dân nghèo của TPHCM sống tại những khu vực có nguy cơ úng ngập cao do mực nước biển dâng. Do khu vực trong và xung quanh TPHCM là địa bàn của 65% tổng số xí nghiệp sản xuất của Việt Nam, bất kỳ sự đình trệ nào do úng ngập cũng sẽ có tác động lớn tới kinh tế, xã hội như thất nghiệp, giảm năng suất lao động và doanh thu.
Khoảng 4,3%, tức 9.200 km đường quốc lộ và tỉnh lộ hiện có có thể bị chìm vĩnh viễn, trong đó có cả 574 km đê bao. Gần 90% cơ sở hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long xung quanh TPHCM.
(Nguồn:Dân Trí)