Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Ẩn số kinh tế
Ngày: 7/25/2009 11:35:41 AM
Việc TTCK tăng mạnh trong hai tháng qua, và sự ấm lên của thị trường địa ốc, khiến không ít nhà đầu tư lạc quan vào sức mạnh “tiềm ẩn” của nền kinh tế Việt Nam.

Lạm phát là một mối lo của nhiều người.

Kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục, nhưng đến thời điểm này, có thể nói rằng ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu đến kinh tế Việt Nam không nặng nề như nhiều quốc gia châu Á khác. 

Xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều giảm, so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn còn đỡ xấu hơn nhiều nước láng giềng. Tăng trưởng kinh tế, nếu đạt mức 5% trong năm nay như mục tiêu đã điều chỉnh của Quốc hội, cũng sẽ đặt Việt Nam vào hàng phát triển khả quan trong khu vực.

Một nhận định chung được giới nghiên cứu kinh tế và doanh nghiệp cùng đồng ý, là việc xuất phát điểm còn đang thấp giúp Việt Nam né được “cơn bão” khủng hoảng tài chính và cuộc suy thoái kinh tế đi kèm. 
 
Các ngành xuất khẩu chính của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu thô và những mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu, nên không bị sụt giảm nhiều khi người tiêu dùng ở các thị trường lớn thắt chặt hầu bao. 

Nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng vẫn còn đang ở mức thấp, nên sức mua của người tiêu dùng trong nước không bị hạn chế nhiều. Một số tổ chức nghiên cứu nước ngoài đánh giá cao biện pháp kích thích tăng trưởng qua hỗ trợ tín dụng của Chính phủ Việt Nam, cho rằng đây là liều thuốc đúng bệnh.

Tác dụng của gói kích cầu

Việc thị trường chứng khoán tăng mạnh trong hai tháng qua, và sự ấm lên của thị trường địa ốc, khiến không ít nhà đầu tư lạc quan vào sức mạnh “tiềm ẩn” của nền kinh tế. 
 
Thế nhưng không ít chuyên gia kinh tế và cả doanh nghiệp tỏ ra nghi ngờ về tác dụng thực sự của những biện pháp và chính sách kích cầu. Một trong những mối lo ngại lớn nhất, là thâm hụt ngân sách đang ở mức rất cao. 

Quốc hội thông qua mức thâm hụt ngân sách 7% của GDP, vượt mức mà ngân hàng Thế giới cho là nguy hiểm. So sánh của tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh về quy mô gói kích thích của Việt Nam và một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật, Indonesia… cho thấy Việt Nam có tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP lớn nhất, và tỷ lệ gói kích thích tăng trưởng so với GDP cũng lớn nhất. Gói kích thích tăng trưởng khổng lồ của nước Mỹ cũng chỉ nằm ở mức 6% của GDP trong khi nước này đang thâm hụt ngân sách khoảng trên 3%. 
 
Sau khi Chính phủ tung ra chính sách hỗ trợ 4% lãi suất hồi đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng tăng vọt từ trên 2% trong tháng 3 lên gần 18% trong tháng 6 (Một số chuyên gia cho rằng trên thực tế, con số này có thể cao hơn).

Thị trường chứng khoán và địa ốc đều chuyển động mạnh. Thế nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng trong các khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, duy chỉ có xây dựng cơ bản là tăng. Phải nhớ rằng vào thời điểm này năm ngoái, xây dựng cơ bản giảm vì lạm phát đẩy giá vật liệu lên quá cao.

Theo ý kiến của những nhà đầu tư có uy tín, phương pháp kích cầu của Chính phủ là đúng nhưng quá đà ở chỗ, lẽ ra chỉ nên hỗ trợ lãi suất ở mức 2%, thì lại hỗ trợ 4%, khiến cho lãi suất ưu đãi thấp hơn cả lãi suất huy động của ngân hàng.

Sự chênh lệch này tạo ra méo mó thị trường, khiến cho dòng tiền ưu đãi thay vì đổ vào kích thích sản xuất thì phần lớn lại chảy ngược lại vào ngân hàng. Đây được cho là lý do khiến tăng trưởng tín dụng, kể cả tăng vốn huy động, lại tăng nhanh đến thế. 
 
Nhiều người lo ngại là tiền đang chảy từ ngân sách vào túi các cá nhân trong khi lẽ ra phải được đổ vào kích thích tiêu dùng. Mặt khác, không ít trong số dòng tiền đổ vào chứng khoán và địa ốc thời gian qua đến từ gói kích thích tăng trưởng tín dụng này.

Trong nhóm chính sách đối phó với khủng hoảng, một số chính sách đang được cho là đi đúng hướng, trong đó có việc hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư trái ngành và việc chính phủ có xu hướng thận trọng hơn trong chi tiêu công. Ngân hàng Nhà nước đã tỏ ra nhạy hơn trước các chỉ báo lạm phát và có xu hướng hành động sớm hơn trước đây. Ngân hàng Nhà nước đang có những động thái thắt bớt tín dụng, và ảnh hưởng là việc các ngân hàng thương mại cũng đang thắt chặt tín dụng hơn.

Diễn biến cuối năm

Lạm phát là một mối lo của nhiều người. Theo dự báo của ông Trịnh Hoài Giang, phó tổng giám đốc HSC, lạm phát cả năm nay ở mức 8%. Trong khi đó, một số người vẫn lo ngại lạm phát có thể cao hơn.

Nỗi lo lạm phát có cơ sở ở chỗ gói kích cầu được cho là rất lớn đã khiến tăng trưởng tín dụng tăng vọt trong mấy tháng qua. Sự ồ ạt của dòng tiền có thể dẫn đến những đợt bùng phát như đã xảy ra trên thị trường chứng khoán như thời gian qua. 
 
Hy vọng của thị trường hiện nay, là Chính phủ sẽ tỉnh táo và sớm có biện pháp ngăn chặn dấu hiệu của lạm phát. Ông Tự Anh kiến nghị Chính phủ sử dụng các chính sách tài khoá để giải quyết các vấn đề tài khoá, thay vì dùng chính sách tiền tệ. Ông cho rằng, Chính phủ nên giảm quy mô gói kích cầu để giữ thâm hụt ngân sách ở mức chấp nhận được. 
 
Tài trợ thâm hụt ngân sách nên được thực hiện bằng cách phát hành trái phiếu đồng Việt Nam thay vì trái phiếu USD. Việc giảm giá đồng Việt Nam phải được thực hiện từng bước một cách thích hợp, và các khoản chi tiêu phải nên chuyển hướng vào các chương trình an sinh xã hội, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông dân.

Dự báo về thị trường chứng khoán, các chuyên gia cho rằng chỉ số VN-Index khó có thể tăng quá mức 500 điểm. VN-Index cũng khó có khả năng giảm sâu dưới 350 điểm, do có hỗ trợ từ các nhà đầu tư có tổ chức. 
 
Thị trường được cho là có khả năng tăng điểm trong quý 4 nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam và tình hình kinh tế thế giới nói chung cải thiện. Sự lên xuống của thị trường chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào dòng vốn, trong thời gian qua là chủ yếu dòng vốn từ Chính phủ. 
 
Theo ông Nguyễn Nam Sơn, giám đốc điều hành của Vietnam Capital Partners, thị trường bị chi phối 90% bởi dòng tiền và chỉ có 10% bởi các chỉ số kinh tế cơ bản.

Thị trường địa ốc cũng có nhiều cơ hội phát triển với một số chính sách mới cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam cũng như cho phép nhà phát triển địa ốc thu tới 70% giá trị căn hộ một khi đã làm móng xong. Tuy nhiên, những thay đổi trên thị trường chứng khoán và chính sách tín dụng của ngân hàng vẫn có thể tạo ra sự kém ổn định của thị trường này.

(Nguồn:SGTT)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.