Với một chiến lược bài bản và hợp lý có tính tổng lực, chỉ một thời gian ngắn, Trung Quốc trở thành “nhà máy sản xuất của thế giới”. Bởi thế, với câu hỏi “Cơ hội nào cho hàng Việt Nam?”, câu trả lời là sẽ chẳng có cơ hội nào nếu chúng ta không thay đổi cách làm ăn.
Cuộc cạnh tranh sống còn với hàng Trung Quốc đòi hỏi một chiến lược quốc gia cho nền sản xuất mà những bài học kinh nghiệm về cơ chế tạo giá thành thật thấp cho sản phẩm của Trung Quốc là rất đáng nghiên cứu.
Hàng hóa Trung Quốc đang tràn ngập khắp các châu lục trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, không thể chỉ dựng hàng rào bảo hộ hàng hóa trong nước bằng những biện pháp hành chính mà quan trọng hơn cả, phải tăng tính hấp dẫn cho hàng hóa Việt Nam bằng những yếu tố hết sức cạnh tranh như giá thành, mẫu mã, chất lượng...
Cuộc cạnh tranh sống còn với hàng Trung Quốc đòi hỏi một chiến lược quốc gia cho nền sản xuất mà những bài học kinh nghiệm về cơ chế tạo giá thành thật thấp cho sản phẩm của Trung Quốc là rất đáng nghiên cứu. “Biết mình biết người, trăm trận không thua”. “Người” đã biết là thế, còn hàng hóa Việt Nam có cạnh tranh nổi với hàng hóa Trung Quốc hay không còn phụ thuộc vào kế sách của các nhà hoạch định chiến lược quốc gia.
Chiếm lĩnh thị trường nội địa?
Thật ra, việc quay về chiếm lĩnh thị trường nội địa là giải pháp được nhiều nền kinh tế thế giới chọn lựa trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay. Song, sự trở lại của các doanh nghiệp Việt Nam sau nhiều năm quay lưng, lãng quên thị trường nội địa đã không đơn giản. Sân nhà xưa nay đã có người “tạm trú dài hạn”.
Nhiều người, nhiều doanh nghiệp đã kỳ vọng rằng về với thị trường nội địa sẽ có thể giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua suy thoái. Họ có những lý lẽ khá thuyết phục: thị trường nội địa trẻ và năng động, có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, quy mô đáng kể với 85 triệu dân mà mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng và xu hướng tiêu dùng cao; mức độ đô thị hóa của Việt Nam tăng nhanh, nhu cầu chi cho cuộc sống (ăn, ở, mặc, đi lại…) do đó sẽ tăng nhanh; thị trường nông thôn có tỷ lệ tiêu dùng trên thu nhập tăng thêm rất cao v.v...
Nhưng, thị trường nội địa, vốn bị các doanh nghiệp trong nước bỏ trống một thời gian dài, lại đang bị hàng hóa từ các nước trong khu vực ASEAN tràn sang tấp nập với việc bãi bỏ thuế nhập khẩu vào đầu năm 2009, thêm vào đó, một số lượng lớn hàng Trung Quốc cũng đang tấn công thị trường Việt Nam với mức giá rẻ mạt. Những gọng kìm bọc nhung của hàng Trung Quốc, những bủa vây ngọt ngào của hàng Thái Lan, những manh nha của hàng Mexico… đang thật sự uy hiếp doanh nghiệp Việt Nam ngay trên sân nhà.
Những con én... không làm nên mùa xuân
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm Minh Long I nói mà như than: “Tôi tự tin vào sức cạnh tranh trong ngành hàng gốm sứ của mình trong cuộc chiến với hàng ngoại đang tràn ngập thị trường. Nhưng tôi cũng chỉ như một con én, lẻ loi và đơn độc vô cùng, làm sao để dệt thành mùa xuân?”.
Bà Ngô Thị Báu, chủ thương hiệu thời trang Foci thì có phần suy sụp: “Cơ quan quản lý mình đang đối xử thiếu công bằng với doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ cần có chút sai phạm nhỏ về khuyến mãi để có thể bán thêm hàng, cạnh tranh với hàng Trung Quốc thì bị phạt ngay, trong khi không ai kiểm tra nguồn gốc của đủ mọi thứ hàng ngoại nhập không chứng từ đang tung hoành khắp các chốn”. Người phụ nữ có hơn mười năm lăn lộn trong ngành dệt may này cho biết: “Cạnh tranh, làm thương hiệu, thắt lưng buộc bụng… đủ mọi giải pháp, nhưng quả là không thể địch lại hàng hóa nhập khẩu vô tội vạ”.
Đại diện của Vinamilk cũng rầu rĩ: “Chúng tôi gom đầu này, góp đầu kia để thực hiện chiến dịch 6 triệu ly sữa cho trẻ em vùng xa, cũng là muốn gây thêm thiện cảm cho khách hàng của mình, nhưng thiệt là không bằng một cơn đổ bộ của hàng ngoại”.
|
Hàng Việt về nông thôn |
Giữa khó khăn, những cuộc xoay chuyển của doanh nghiệp Việt Nam khá vất vả nhưng cũng đã bắt đầu. Cách đây bốn tháng, những đoàn bán hàng nông thôn đầu tiên do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA (TP.HCM) tổ chức với sự tham gia của một số doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang, khởi đầu cho một hành trình mới: hành trình đưa hàng Việt về nông thôn, tiếp cận sâu hơn với mảng thị trường trong nước đã và đang bị bỏ lỡ.
Từ đó đến nay, các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn của các tỉnh thành phía Nam ngày càng nhiều hơn, được người dân ủng hộ nhiều hơn. Rồi những phiên chợ vui công nhân với hàng Việt giá hợp lý, chất lượng đảm bảo làm xôn xao những khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận vào ngày cuối tuần. Cũng chỉ nhằm mở thêm con đường để hàng Việt tiếp cận với số đông người lao động thu nhập thấp...
Những con én đã về, nhưng chưa đủ để làm nên mùa xuân.
“Chiến lược quốc gia cho thị trường nội địa” - chuyện đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết bởi sức ép lên nền kinh tế đã gần chạm ngưỡng chịu đựng.
Tám đề xuất của những người “sốt ruột”
“Thị trường trong nước”, “sân nhà”, “mảnh đất nông thôn”… những từ ngữ đang bắt đầu trở nên thời thượng trong các bài phân tích kinh tế hiện nay, thật ra, đang là một lỗ hổng đáng buồn trong chính sách xúc tiến thương mại quốc gia cũng như sự can thiệp của các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong cuộc gặp nội bộ của những thành viên câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) của TP.HCM - nơi tập hợp những đại gia của thành phố - các doanh nhân bàn luận khá nhiều về cơ chế chính sách nhằm kích thích sản xuất của Việt Nam sau những bài học nhìn thấy của người Trung Quốc; tranh luận rôm rả về cách mà cơ quan xúc tiến Thái Lan đến tận các vùng quê xa xôi của Việt Nam để mời những doanh nghiệp tiềm năng sang Thái Lan dự triển lãm và đặt mua hàng hóa...
Sau hàng loạt hội thảo giữa các doanh nhân lẫn những chuyến khảo sát dài hơi của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA (một tổ chức phi lợi nhuận, tiền thân là CLB Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, hoạt động dưới sự chấp thuận và hỗ trợ của Thành ủy, UBND TP.HCM) đã đưa ra kết luận là một danh sách tám điểm cần hành động ngay để cứu thị trường nội địa trong cơn nguy cấp hiện nay. Đứng đầu trong danh sách đó là việc chống nạn hàng giả.
Một chủ thương hiệu thời trang nổi tiếng Việt Nam nói, chỉ mong Nhà nước “sờ gáy” những đơn vị bán hàng hiệu giả ở Sài Gòn Square (trung tâm mua bán hàng may mặc lớn tại TP.HCM), xử lý hết mấy cửa hàng “hồn Trung Hoa da… nước Ý” là lập tức, doanh số của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ tăng lên 50% liền!
Bán đồ giả nhưng chẳng có cơ quan công quyền nào ngó ngàng (trong khi doanh nghiệp chỉ treo bảng giảm giá 70% là quản lý thị trường tới phạt liền, dù cho mức giảm 70% có khi cũng hết ép-phê với khách hàng rồi!) cũng là chuyện khiến các doanh nghiệp “rên siết”! Và người tiêu dùng Việt Nam thì vẫn mua hàng giả, biết là giả nhưng miễn đó là giả hàng hiệu thì vẫn cứ mua.
Những rào cản kỹ thuật đang bị thả lỏng cho hàng ngoại thả sức tràn vào thị trường là vấn đề thứ hai. Hầu như có sự “bắt tay” giữa cách “thả cửa” và việc không hề có hàng rào kỹ thuật nào để hỏi thăm sức khỏe của hàng nhập cả. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh kể câu chuyện về hàng đồ chơi trẻ con của Trung Quốc đang có mặt khắp mọi nơi trên toàn thế giới, ngoại trừ Nhật Bản. Vì sao, vì người Nhật có yêu cầu giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của nhựa, của chất giáo dục… trong thiết bị thì mới được nhập!
Điểm thứ ba, khá nhạy cảm: Nhà nước là người tiêu dùng lớn nhất cũng cần nêu gương xài hàng nội. Thủ tướng từng đề cập đến việc các công trình sử dụng ngân sách thì phải xài hàng nội. Và Bộ trưởng Bộ Công Thương có lúc cũng công bố là tất cả cơ quan Bộ phải xài hàng nội. Ai thực hiện và ai kiểm soát điều rất khó thực hiện này? Khó lắm, vì... cơ quan nhà nước mà sao xài hàng nội được!?
Điểm cấp bách thứ tư cần có hành động ngay chính là chuyện... tiền! Nhà nước hỗ trợ lãi suất nhưng hiện nay chỉ có ngân hàng là được lợi, vừa có quyền vừa có lợi. Nhiều doanh nghiệp than thở việc vay vốn ưu đãi còn khó hơn lên... trời.
Điểm thứ năm, công nghệ, thứ mà nhà nước nào trên thế giới cũng ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp để nâng mặt bằng công nghệ quốc gia thì ở Việt Nam, hoạt động này chỉ là những cố gắng mang đậm nét... phong trào!
Nhà nước còn phải cung cấp thông tin về ngành, thông tin thị trường, là điều mà bất cứ nhà nước nào trên thế giới cũng có cơ quan cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp. Ở xứ ta, công ty này vừa đổ hơn nửa tỉ đồng để thiết lập bản đồ các cửa hàng tạp hóa xong, thì lập tức cất đi để dùng riêng. Vài hôm sau, một công ty khác lại lọ mọ đi làm. Vừa tốn công, vừa tốn của, lại không thực sự hiệu quả vì ít có doanh nghiệp nào đủ sức đầu tư đến cùng cho một dự án nghiên cứu thị trường dài hơi. Đó là vấn đề thứ sáu.
Nhà nước nắm trong tay toàn bộ hệ thống truyền thông, sao không thể yêu cầu báo, đài đầu tư cho ra các chương trình thông minh hơn, hấp dẫn hơn và tâm huyết hơn làm điểm vớt vát cho nền sản xuất đang “ngộ nạn” của mình thay vì để mặc tình trạng tự phát bán trang, dành sóng cho những doanh nghiệp có tiền nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn khiến lợi thế cạnh tranh luôn nghiêng về doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp nhiều tiền? Đó là vấn đề thứ bảy.
Điểm cuối cùng, việc xúc tiến thị trường nội địa như kết nối nông dân với thị trường, với các nhà phân phối hiện đại... để phối hợp sản xuất, tăng tính cạnh tranh cũng là việc cần làm và làm nhanh, bởi nếu cứ bỏ mặc người sản xuất nguyên liệu sẵn có trong khi phải xuất ngoại tệ đi nhập thứ mà mình có thể làm ra thì e rằng phần thắng trên thị trường Việt khó dành cho hàng Việt!